Một thời 'tay cuốc, tay cày'
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc xã hội chủ nghĩa luôn là hậu phương lớn, sẵn sàng chia lửa, cung cấp lương thực, thực phẩm chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Khắp miền Bắc khi ấy đâu đâu cũng sôi nổi các phong trào thi đua lao động, sản xuất của các hợp tác xã. Những khẩu hiệu như: “Tay cày tay súng”, “Không vì địch bắn phá mà ngừng sản xuất”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… được kẻ vẽ ở khắp nơi và thường xuyên được đọc trên loa, đài truyền thanh thời đó.

Cụ Nguyễn Mạnh Hải, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Hòa kể về những ngày cải tạo đất bạc màu.
Là một trong những hợp tác xã điển hình của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Hợp tác xã Trung Hòa, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) ra đời năm 1961. Cụ Nguyễn Mạnh Hải, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Hòa nay đã ở tuổi 91 nhớ lại: "Thôn Trung Hòa có 190 ha đất, trong đó có 172 ha là ruộng canh tác nhưng chủ yếu là ruộng bậc thang, đất cát pha, bạc màu, độ chua cao, chỉ có thể độc canh cây lúa… nên năng suất, sản lượng lương thực đạt rất thấp, mỗi năm Nhà nước phải trợ cấp gần 20 tấn lương thực cho bà con.
Năm 1962, Trung ương Đảng cử đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội về Trung Hòa trực tiếp chỉ đạo hợp tác xã cải tạo đất bạc màu. Lúc ấy Chi bộ Trung Hòa có 18 đảng viên, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Chi bộ đã mở Đại hội xã viên, nhận định nguyên nhân đất bạc màu là do nước chảy đem theo cát sỏi đến, cuốn đất màu đi. Muốn chống được phải làm thủy lợi và kiến thiết lại đồng ruộng, cải tạo chất đất, xác định lại phương hướng sản xuất, trọng tâm là "3 cây, 1 con" (lúa, lang, lạc, lợn).
Các đảng viên đã cùng ăn, cùng làm với dân, thường xuyên có mặt ở đồng ruộng để kịp thời chỉ đạo. Hợp tác xã phát động quần chúng từ già đến trẻ, nam phụ lão ấu tham gia cải tạo đất bạc màu. Trung ương cấp phát cho mỗi gia đình xã viên một xe cải tiến, ngày cũng như đêm, người dân nườm nượp ra sông Cầu chở phù sa về đồng ruộng, trồng bèo hoa dâu, cây điền thanh để làm phân xanh, phát triển mạnh chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gà) không chỉ để lấy sức kéo, lấy thịt mà còn để lấy phân chuồng bón cho cây trồng...".
Đồng ruộng được cải tạo, dồn đổi, từ 3.000 thửa ruộng bậc thang nhỏ hẹp ở rải rác 180 xứ đồng đã được thu lại còn 400 thửa ở 53 xứ đồng; làm thêm những con mương nhỏ nối liền mương chính với các mương chắn lũ quanh các quả đồi, đào thêm con mương nối ra sông Cầu, từng khu đồng đều có mương chân rết để tưới tiêu, những ruộng chênh nhau được san lại bằng phẳng, vuông vắn, đẹp mắt. Vôi, đất, phù sa kết hợp với phân bón kali, bèo hoa dâu… đã góp phần cải tạo đất rất tốt. Con nước được trị thủy, màu xanh của cây lấy gỗ, cây công nghiệp, cây phân xanh phủ kín các quả đồi trước kia trơ cằn cát sỏi.
Đất được cải tạo, độ phì đã khá, giống mới được đưa vào canh tác, Hợp tác xã Trung Hòa đã mạnh dạn chuyển 180 mẫu ruộng lúa chiêm sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày và rau màu như: Hành, tỏi, thuốc lá, đậu cô ve, khoai lang, khoai tây…, đạt được 3 mục tiêu “5 tấn thóc, 2 con lợn, 1 ha gieo trồng”. Nhiều năm hợp tác xã dành hẳn 100 mẫu ruộng chỉ để trồng khoai lang phục vụ chăn nuôi lợn và lấy chất thải cải tạo đồng ruộng.
Trước kia, nhiều người ví “Trung Hòa lưng dài mà đắp chăn cộc” thì sau khi cải tạo đất bạc màu, bố trí lại sản xuất, đưa giống mới vào gieo trồng, thay đổi cách khoán quản lý thì đồng ruộng nơi đây cho năng suất cao, lúa đạt tận 7 tấn/ha- cao nhất huyện. Mặc dù lực lượng lao động hằng năm giảm do yêu cầu điều động của Nhà nước nhưng tổng số công đầu tư tăng.
Người dân không chỉ có cơm no, áo đủ mặc mà còn dư thừa hàng trăm tấn thóc mỗi năm cung cấp cho Nhà nước để chi viện cho miền Nam. Năm 1966, xã viên Nguyễn Thị Song khi đó là Tổ trưởng Tổ Khoa học kỹ thuật của hợp tác xã được cử đi dự Đại hội thi đua toàn quốc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, được gặp Bác Hồ. Trung Hòa trở thành hợp tác xã điển hình toàn miền Bắc, được nhiều địa phương đến tham quan, học tập.
Nhớ lại những ngày miền Bắc hướng về miền Nam ruột thịt, bà Đàm Thị Xuyến (80 tuổi) ở tổ dân phố Tây, phường Cảnh Thụy (thành phố Bắc Giang) kể: "Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tôi làm kế toán Hợp tác xã Hợp Nhất, xã Đại Đồng, huyện Yên Dũng. Khi đó đời sống của người dân rất khó khăn, xã viên làm ruộng ghi công điểm. Nhà nào nhiều điểm thì được chia nhiều thóc.
Vì miền Nam ruột thịt, người dân khi nghe thông tin chiến trận từ miền Nam qua radio, qua loa phát thanh hằng ngày, ai nấy đều cố gắng làm việc bằng hai, bằng ba để nâng cao đời sống cũng như chi viện cho miền Nam. Điển hình là bà con rất tích cực tăng gia sản xuất, “sáng lúa - chiều khoai”, buổi sáng đồng ruộng vẫn là cây lúa, gặt xong xúm lại hô hào, buổi chiều đã trồng xong khoai lang để kịp thời vụ. Ban đêm, xã viên ra sông lấy đất phù sa, rồi làm bèo hoa dâu đem về cải tạo ruộng.
Về chăn nuôi, mỗi đầu người trong một năm bán cho Nhà nước 1 cân gà, 30 cân lợn để nuôi quân. Về lương thực, xã viên cũng góp thêm vào với Nhà nước. Trong hoàn cảnh chiến tranh, khó khăn chung, nhưng nhờ sức mạnh tập thể, sản xuất nông nghiệp của xã Đại Đồng khi đó không chỉ bảo đảm cuộc sống của xã viên mà còn góp sức chi viện cho miền Nam. Cuộc sống vất vả nhưng thôn xóm đoàn kết, không khí lao động hăng say".
Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, các hợp tác xã vẫn phát huy vai trò tập thể của mình. Những năm đổi mới, hầu hết các hợp tác xã thời bao cấp đã không còn tồn tại, chuyển sang mô hình hoạt động mới. Thế nhưng, những xã viên, chủ nhiệm hợp tác xã năm ấy vẫn luôn tự hào về những ngày tháng lao động và chiến đấu, đóng góp cao nhất sức mình cho thắng lợi của cả dân tộc, xây dựng lại đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong ước.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mot-thoi-tay-cuoc-tay-cay--postid416272.bbg