Khúc tráng ca của người chiến sĩ áo trắng
Tháng tư, Hà Nội trong vắt như một khúc tưởng niệm yên bình. Tôi gặp PGS, TS Nguyễn Văn Kình, Trưởng Ban liên lạc Ban Dân y miền nam khu vực miền bắc ngay sau chuyến trở về chiến trường xưa ở Tây Ninh nhân dịp 30/4. Ông từng là chiến sĩ dân y trên tuyến lửa miền đông nam bộ. Giờ đây giữa căn phòng nhỏ trên phố Hàng Bè, bên cạnh chiếc cặp lồng móp méo và đèn dầu ống nghiệm năm nào, ông kể lại một thời ra trận hào hùng bằng y thuật và cả lòng nhân ái.

PGS, TS Nguyễn Văn Kình trong chiến trường miền nam năm 1969.
Ra trận không mang súng
Ngay từ đầu những năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam được thành lập, Trung ương Đảng và Chính phủ đã xác định: Muốn chiến trường miền nam trụ vững, không thể chỉ dựa vào súng đạn. Phải có hệ thống y tế để giữ mạch sống cho chiến sĩ và nhân dân giữa rừng sâu khói lửa. Từ tầm nhìn chiến lược ấy, Ban Dân y miền nam ra đời như một động mạch chủ của kháng chiến, nối từ hậu phương ra tiền tuyến bằng tri thức, y thuật và tình người.
Hàng trăm cán bộ, sinh viên ngành y miền bắc đã viết đơn tình nguyện vào chiến trường. Có người viết đơn bằng máu. Có người ra đi không kịp một lời từ biệt, bước vào cuộc chiến để giữ lại từng hơi thở trong bom đạn. Ông Nguyễn Văn Kình khi đó đang là kĩ sư trẻ ngành hóa sinh-dịch tễ, Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế. Không một phút đắn đo, viết đơn bằng máu, ông xung phong vào chiến trường bởi “đất nước đang cần”.
Trước khi vào chiến trường, ông được tham gia huấn luyện ba tháng ở Hòa Bình. Thử sức gùi gạch, ăn bo bo, học cách chống sốt rét, hành quân giả lập, sống trong hầm như giữa rừng. Sau đó là hành trình gần một tháng xuyên Trường Sơn, vượt suối, băng rừng qua Lào, Campuchia. Đoàn đi né biệt kích, tránh thám báo, hành quân không để lại một dấu vết. Nhiều người đã ngã xuống ngay trên đường hành quân, không kịp đặt chân tới miền nam. Những người còn sống như ông thêm quyết tâm hành quân để tiếp tục thực hiện khát vọng hòa bình còn dang dở của những người đã ngã xuống.
Khi vào đến căn cứ Trung ương Cục miền nam, ông được phân công về bộ phận dịch tễ, nghiên cứu phòng bệnh, điều chế vaccine. Dù nhiệm vụ ít tiếng vang nhưng có ý nghĩa sống còn trong việc bảo vệ sức khỏe quân dân ta. Không phòng thí nghiệm, không thiết bị, không điện, ông cùng đồng đội chế đèn từ vỏ ống nghiệm, đốt nhựa cây làm nhiên liệu, soi mẫu bệnh dưới ánh sáng leo lét để truy tìm mầm bệnh. Khi dịch thủy đậu bùng phát, không có vaccine sẵn, ông đã tự điều chế, rồi tiêm thử nghiệm lên chính mình trước khi tiêm cho đồng đội và người dân.
“Nếu tôi không dám thử, sao có thể tiêm cho đồng đội?” ông kể. Có lần, khi mang vaccine qua suối, địch phục kích sát bờ bên kia. Ông và đồng đội phải nằm im hàng giờ, ôm vaccine trên lưng, không nhúc nhích. Ngoài nghiên cứu, ông còn cùng bác sĩ mổ tại chỗ, tải thương. Có đêm mổ ba ca liền, kiệt sức gục ngay bên bàn mổ, mặt dính máu, tay vẫn nắm chặt băng gạc. “Còn thở là còn cứu người”, bác sĩ Kình tâm niệm.

PGS, TS Nguyễn Văn Kình (ở giữa) trong chuyến về thăm Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền nam (Tây Ninh).
Kể về những lớp học y giữa rừng, bác sĩ Kình cho biết, bảng là tấm ván, ghế là khúc gỗ, học viên là dân công, giao liên, người bản địa. Bài giảng là ca mổ sáng nay, thực hành là cấp cứu tối nay. Ông dạy về y học, về phòng dịch, dạy cách nhìn màu da nhận biết sốt rét, dạy điều chế thuốc bằng nguyên liệu rừng. Không ai hỏi nhau bằng cấp. Chỉ cần có đôi tay đầy trách nhiệm và một trái tim còn rung động trước sự sống. “Chúng tôi vừa dạy, vừa hành quân, vừa cứu thương, vừa nghiên cứu. Có khi máu chưa kịp khô trên áo, đã lại lên đường”, ông kể.
Chiến thắng bằng lòng bao dung
Ngày 30/4/1975, bác sĩ Nguyễn Văn Kình cùng đoàn dân y từ rừng Tây Ninh tiến về Sài Gòn. Không quân phục, không cờ hoa, chỉ có chiếc túi thuốc, vài mẫu vắc xin và đôi bàn tay chai sạm vì chiến tranh. Gặp một cụ bà bị đạn lạc, ông băng bó cho cụ. Cụ nắm tay, hỏi khẽ: “Hòa bình rồi hả chú?” Ông gật đầu. Nước mắt rơi trên tay người mẹ già. Ông nói, “Đó không phải khoảnh khắc của chiến thắng mà là khoảnh khắc của sự sống được gìn giữ đến phút cuối cùng”.

PGS, TS Nguyễn Văn Kình (ở giữa) trong chuyến về thăm Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền nam (Tây Ninh).
Sau ngày đất nước thống nhất, khi nhiều cán bộ trở ra bắc, ông xin ở lại. Lúc ấy, ông là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Ban Dân y miền nam, được giao làm Phó ban quân quản Viện Pasteur Sài Gòn - nơi từng là trung tâm y học dự phòng lớn nhất của chế độ cũ. Tại đây, ông không chỉ tiếp quản thiết bị, hồ sơ, mà cả những cái bắt tay ngập ngừng của những trí thức cũ đang lo sợ bị sa thải, bị trả thù, bị lãng quên. Nhưng ông không ra lệnh. Ông đến từng phòng, hỏi từng người: “Tôi không hỏi anh từng đứng ở đâu. Tôi chỉ hỏi anh còn muốn cứu người không?” Một giáo sư từng là cố vấn y tế chính phủ Sài Gòn, sau một phút lặng im, đã gật đầu. Và ông biết mình vừa thắng thêm một trận bằng lòng tin.
Từ đó, ông và các đồng đội bắt đầu giữ chân từng bác sĩ, từng kỹ thuật viên, từng đôi tay biết cứu người. Không ai bị loại bỏ. Không ai bị phán xét. Ông cùng ngành y tế thành phố tái thiết hệ thống, mở trường trung cấp y, lập trạm y tế liên xã, đào tạo y tá, đưa y tế đến tận vùng sâu. “Cách mạng không thể thắng bằng chia rẽ. Phải thắng bằng bao dung. Nếu dân còn bệnh, thì hòa bình ấy chưa trọn vẹn”, bác sĩ Nguyễn Văn Kình tâm niệm.
Năm 1975, ông là Chủ nhiệm khoa Hóa sinh kiêm Trưởng liên khối Hóa Dược Viện Pasteur Sài Gòn. Sau khi ra bắc, ông tiếp tục học tập, giảng dạy, nghiên cứu. Năm 2010, ông là người sáng lập ngành Gene trị liệu tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Y học tự nhiên Việt Nam, nay là cố vấn cao cấp Trung tâm Gene trị liệu Bệnh viện Bạch Mai. Ông là tác giả của hàng chục công trình chuyên khảo, trong đó có cuốn Sinh học Phân tử Ung thư (NXB Y học, 2015), được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Ban Dân Y miền Nam. Trong đại dịch Covid-19, ông còn là gương mặt quen thuộc trên truyền hình với nhiều video hướng dẫn ứng phó dịch bệnh. Ông cũng là tác giả nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Tháng 4 vừa qua, ông trở lại chiến trường xưa cùng đồng đội. Nửa thế kỷ đã trôi qua, người trẻ nhất trong đoàn cũng đã ngoài 70. Những người từng là trai tráng nay tóc bạc, mắt mờ, chân chậm. Nhưng gặp nhau, họ vẫn ôm chặt, hỏi thăm gia đình, con cháu. Nhắc lại những chuyện xưa, vừa cười vừa rưng rưng. Nhiều người đã không còn. Nhưng giữa buổi lễ, một câu nói vang lên khiến tất cả lặng người rồi cùng mỉm cười: “Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào dịp kỷ niệm 100 năm giải phóng miền nam nhé!”
Ông dừng lời, ánh mắt rưng rưng. Đưa tôi xem bức ảnh chụp cùng đồng đội trong chuyến trở về chiến trường xưa, ông bảo: “Hàng trăm sinh viên, cán bộ miền Bắc ra trận năm ấy, giờ còn lại chẳng bao nhiêu. Nhưng chúng tôi tự hào vì đã tham gia một trận đánh không cần đến súng mà vẫn chiến thắng bằng lòng tin và ngọn lửa y đức được giữ vững trong thời khắc gian khó nhất của dân tộc”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khuc-trang-ca-cua-nguoi-chien-si-ao-trang-post876345.html