Một thời thanh xuân – truyện ngắn của Y NGUYÊN
1.
Nhà cái gì cũng thiếu, duy chỉ có thuốc viên trị bệnh thông thường, bông băng và thuốc sát trùng là lúc nào cũng sẵn. Bạn tới nhà chơi, hễ dính sự cố đau bụng nhức đầu hoặc chân vấp toạc da là được sơ cứu ngay, khỏi cần đưa ra trạm xá cho lôi thôi. Lũ bạn trầm trồ: trời, sao nhà mày thuốc gì cũng có hay dữ, bộ mẹ mày là y tá? Nó cười như mếu: không, mẹ tao là… bệnh nhân chớ y tá gì! Lũ bạn tròn mắt tưởng đùa. Thiệt mà. Thấy bà vậy chớ người mang đủ thứ bệnh. Bệnh gì mà đủ? Thì... tim gan phèo phổi dạ dày vân vân. Thêm đau khớp, tiểu đường và gì gì nữa tao không nhớ nổi. Túm lại... bệnh toàn tập! Lại thêm một phen tròn mắt. Tròn xong là chép lưỡi chép môi thương cảm. Bệnh tùm lum vầy chắc khổ dữ lắm, hèn chi lúc nào cũng phải có thuốc trong nhà. Lại thêm cái cười méo xẹo đáp từ. Ấy là tôi giấu, chưa khai chuyện trên người mẹ còn mấy vết thương, mỗi lúc trở trời lại gây nhức nhối...
2.
Giờ ngồi đây nhìn về phía rừng, thấy chớn chở những dãy núi cao đột nhiên tôi thấy hãi. Không biết sao hồi đó mình giỏi dữ. Hai, ba chục ký gạo trên vai mà đi cả ngày. Nặng đến nỗi gạo lên lưng rồi phải vịn, chống mới đứng nổi dậy. Cõng gạo lội sông suối vượt dốc đèo băng qua bom đạn. Vừa đi vừa nấp. Thấy ánh sáng lóe lên là lật đật nằm xoài, bùn đất hay cứt đái dưới chân cũng kệ, nằm ào xuống giữ mạng cái đã, tính sau. Hơi yên thì nhổm dậy lom khom bò. Rồi lại khổ sở vịn gốc cây, đá tảng mà đứng dậy, loạng choạng bước đi. Đêm ở trong rừng ra xóm lấy gạo, năm giờ chiều đi nhanh cũng một, hai giờ sáng mới tới làng. Gạo lấy xong lập tức quay ngược vô rừng. Hôm nào may mắn có cơ sở chống đò đưa qua, nếu không còn phải lội sông. Chưa ai chết khi qua sông nhưng chết suối thì có. Mùa mưa nước lớn đi lấy hàng, qua suối bất ngờ gặp lũ quét cuốn trôi mất xác là chuyện không lạ...
Năm 73 thồ hàng lên Đắk Lắk tiếp ứng cho đơn vị. Hàng họ tất tật vận chuyển theo đường núi: thuốc men, vật dụng, lương thực... Núi, dốc cao lừng lững. Dân công không phải đi, chính xác là bò. Vừa bò vừa thở. Thở hết ra hơi thì dừng nghỉ lấy hơi xong bò tiếp. Hành trình bò/ đi bộ mất đứt bảy ngày đêm. Mùa mưa, hàng đàn vắt rừng tanh tách búng lên thân, theo cổ áo, ống tay chui đầy mình. Đừng nghĩ chuyện bắt bởi chúng nhiều vô kể; cắn no thì tự động rớt, để một vệt máu dài trên da. Vậy nhưng, kinh hãi nhất vẫn là những lần tải thương. Bom, pháo, máy bay vần vũ trên đầu. Tranh thủ cứ dứt đợt oanh kích là đi. Sém chết mấy lần. Chưa mất mạng thôi chứ thương tật thì bom đạn nào có tha cho ai.
Sợ nhưng qua cơn, hoàn hồn rồi thì vẫn đi. Đâu có giặc thì ta cứ đi. Tổ quốc đang cần. Sức trẻ hai mươi hừng hực lửa. Thanh xuân của chúng tôi - những người lính, những đồng đội Thanh niên xung phong - tất cả đổ dồn vào cuộc chiến. Thanh xuân ào ạt, hào phóng như suối nguồn vô tận tuôn ra tưởng không có điểm dừng...
... Cho đến ngày hòa bình lập lại. Về làng. Những người lính vui vì chiến thắng. Vui vì còn sống sót. Những người lính chưa già nhưng bất chợt nhận ra: hình như mình không còn thanh xuân...
3.
Sốt rét rừng gây tổn thương gan, lá lách. Kiết lỵ kinh niên hủy hoại đại tràng. Thêm những bận đi công tác giữa kỳ hành kinh, qua suối qua sông dầm nước lạnh chẳng thể cữ kiêng. Mẹ bảo: đàn bà có kinh hệt như lúc đẻ; không kiêng cữ tốt nhiễm phong hàn, sau về già sẽ sinh ra bệnh. Chắc vậy nên giờ cơ thể tôi chưa tới tuổi sáu mươi đã bắt đầu rệu rã, đổ đủ thứ bệnh. Còn may, tôi cũng đã kịp lấy một tấm chồng. Không bảnh bao cho lắm nhưng cũng coi như có chồng. Con Luyến, con Lộc, con Chi cùng tiểu đội đều rơi cảnh quá lứa lỡ thì. Về làng khi tuổi đã chớm ba mươi, thương tật, thêm cái sốt rét kinh niên mặt bủng da vàng thì trai nào thèm mê?
May cho tôi, anh không thuộc nòi háo sắc, chê một người phụ nữ “mặt bủng da chì” lại còn lớn tuổi hơn anh. Gặp nhau trong đại hội giao lưu cán bộ Đoàn cơ sở các địa phương, anh mê tôi có giọng hát hay, đòi theo xuống nhà. Tôi ngần ngại, toan từ chối. Con Kim nghiến răng: ngu vừa thôi má, ngữ tụi mình có thằng để mắt theo tán là phước bảy mươi đời. Vồ đi... Vồ vập gì, tôi không đủ “hỗn” tới mức ấy nhưng cũng lùi một bước, cho anh theo về. Chuyện tưởng giỡn hóa thiệt. Anh lui tới vài lần, nói thương tôi, đòi cưới. Mẹ tôi mừng chảy nước mắt, còn tôi đương nhiên là gật. Muốn gì nữa trời...
Theo anh về xóm núi. Nhà cửa xập xệ, tuềnh toàng như cái chòi giữ dưa thấy muốn khóc. Kệ đi, có thiếu thốn khổ sở cũng là cái khổ thời bình. Tôi mang ơn anh. Vậy nên mới quần quật nai lưng mà gánh bổn phận vợ hiền. Vậy nên mới vắt nốt phần sức lực sau cùng của tấm thân hết tuổi thanh xuân mà đẻ, mà nuôi cho anh một đứa con. Anh không thuộc mẫu đàn ông chí thú; tiếng dân kinh tế mới nhưng đàn đúm rượu chè thì giỏi, lao động thì không. Kinh tế gia đình gần như mình tôi cáng đáng. Đành vậy, phận đàn bà mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, mẹ dạy rồi…
4.
Khi tôi bắt đầu đủ lớn để nhận thức thế giới quanh mình đã thấy mẹ luôn luôn bệnh. Đủ thứ bệnh; đa phần kinh niên, mãn tính. Mẹ có bảo hiểm y tế miễn phí, nhưng tấm thẻ ấy không đủ sức làm mẹ khỏe mạnh hơn. Nó mang tác dụng cầm cự, trấn an thì có, giải quyết vấn đề thì không. Mỗi lần nhập viện, bác sĩ test xong hay bảo: cô lớn tuổi, cơ thể lão hóa hết rồi. Lão đâu mà lão, mẹ chưa tới sáu mươi, nhầm lẫn gì ở đây chăng? Nhầm thiệt, nhưng mà… cũng không nhầm. Những năm cuối đời mẹ già đi nhanh quá. Tuổi chưa tới sáu mươi mà nhìn mẹ hom hem như bà lão sáu lăm. Chưa tới mức lão hóa nhưng rệu rã thì chắc rồi, không thì sao đổ bệnh tùm lum…
Mẹ bảo do thời thanh xuân đổ sức hết ở chiến trường. Tôi không nghĩ vậy. Với tôi, căn nguyên tàn tạ trước tuổi của mẹ là do ba. Tôi oán giận ba, người đàn ông ích kỷ nghĩ tới mình nhiều hơn thương vợ thương con. Ba thường xuyên ta tụ bạn bè ăn nhậu hát hò trong khi mẹ đi làm quần quật. Chưa hết, ba uống rượu dễ sần nhưng lâu say. Thà say mẹp về lăn ra ngủ còn đỡ tai ương chứ lúc ba sần thì hãi lắm. Cựa đâu ba gây sự đó. Người chứ đâu phải gỗ đá, nhẫn nhục chịu đựng nào cũng phải có ngưỡng. Vậy nhưng chỉ cần mẹ buột miệng lên tiếng là lập tức nồi bay chén đổ, chửi rủa đập phá từa lưa! Công bình, cũng không phải tệ đến mức hết biết phải trái: mai tỉnh rượu, nhìn “hậu quả chiến tranh” còn ngổn ngang từ đêm qua cũng biết hối. Vò đầu bứt tai xin lỗi xin phải, hứa hẹn thề thốt tùm lum - để rồi ngày mốt ngày kia hễ có men vô, đâu lại hoàn đấy!
Ba hay tránh né - nói trắng là lười - lao động đỡ đần cho mẹ. Ba viện cớ mình ốm yếu lại dân phố, không quen việc chân tay. Vậy nhưng từ tận thẳm sâu, tôi cứ có cảm giác ba cho đó không phải việc của ba mà là của mẹ. Rằng mẹ có nghĩa vụ phải gánh gồng, cung phụng (hay tệ hơn: hầu hạ) cho ba như một lẽ đương nhiên. Điều ấy khiến tôi điên ruột.
Cơn điên ngày một tệ hại, hóa nước tràn ly khi tôi phát hiện ra ba có “phòng nhì”. Đem tin động trời về sân si với mẹ, mẹ cười méo mó: mẹ biết lâu rồi, kệ đi con… Sao lại kệ, tôi không hiểu. Hay… mẹ sợ, không dám đụng đến ba? Được, nếu mẹ sợ thì còn tôi. Tôi đi tìm ba, cự một trận tanh bành. Lần đầu tiên tôi hỗn với ba. Rất hỗn. Ba tôi cũng không vừa, ông rút cây đòi đập chết tươi tôi cho hả giận. Mày, đồ con nít hỉ mũi chưa sạch biết gì mà xía vô chuyện người lớn? Tao sinh mày ra được thì cũng giết mày được nghe chưa, thằng mất dạy kia? Hàng xóm xúm vô can. Mẹ khóc lu loa, thiếu điều sụp lạy xin tôi đừng đụng đến ba. Nỗ lực đòi công lý bất thành. Tôi bất lực nhìn đấng sinh thành khẳng khiu, gầy rạc như cây sầu đông chết dở khi tuổi còn chưa tới sáu mươi. Mẹ xin con. Ba con không có lỗi. Là tại mẹ. Tất cả là tại mẹ… Nữa, lại “tại mẹ”. Xin thề, tôi mà hiểu nổi cái lý do vì sao mẹ cứ muốn vơ vào mình bao nhiêu tội trạng của ba thì tôi… chết liền!
Dì Tư hàng xóm rỉ tai: mẹ mày bệnh phụ nữ, hỏng chuyện ấy rồi nên phải “mở cửa” cho ba, con đừng căng thẳng tội nghiệp mẹ… Tôi ngước mặt lên trời, tự hỏi: kiếp trước mẹ đã gây nên tội nghiệt gì mà sao kiếp này khổ dữ. Hay mẹ có nợ nần gì đó với ba?
5.
Mẹ bệnh. Ung thư phổi giai đoạn cuối.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trả về, bảo không còn cơ may điều trị. Đưa xuống bệnh viện tỉnh nằm cầm cự. Ba tôi ngơ ngác mất mấy ngày trong căn nhà quạnh hiu thiếu bóng mẹ. Sau đó, nghĩ sao ông… giành đi nuôi! Ba túc trực bên mẹ ngày đêm, đôi lúc quên cả ngủ nghỉ, uống ăn, rất khác bản tính thường ngày. Muốn dở trò gì đây? Tôi nghi hoặc nhìn người đàn ông mà có lúc tôi từng xăn tay áo toan “ăn thua đủ” nếu mẹ không can. Chuyển ý hồi tâm ư? Tôi không tin. Non sông dễ đổi bản tính khó dời; tôi cứ thấp thỏm lom lom, sợ ông mượn cớ cận kề bên mẹ để làm chuyện gì… không minh bạch!
Mẹ thì khác. Mẹ vui. Giữa những cơn đau phải trấn áp bằng morphine liều cao mẹ vẫn ráng nhách môi, nở nụ cười trên khuôn mặt teo tóp, đầm đìa mồ hôi. Cái nụ cười hình như đã lâu, rất lâu, tôi không còn thấy. Nghe kể: ngày xưa mẹ là cô gái vui tính, đạn bom sống chết kề bên vẫn cứ cười. Đêm, mẹ phều phào đứt quãng bên tai tôi, ba con thay đổi thiệt rồi, tin mẹ đi, người sắp chết lời nói phải… Tôi nghe, cơn tức lại trồi lên dội ngực, lầm bầm: giá ổng làm ơn thay đổi sớm chút có khi đời mẹ đã khác! Kệ đi con, muộn còn hơn không. Kiếp người là kiếp khổ. Mẹ khổ nhưng ba con cũng khổ. Đẹp trai lãng tử như ổng mà lấy phải vợ già, xấu, còn nay bệnh mai đau thì đâu sung sướng gì…
Tôi nghe, thấy lòng hơi nguôi. Người ta bảo tôi có khuôn mặt “đẹp trai lãng tử” giống ba. Rất giống!
*
Đám tang mẹ. Mình tôi ngược xuôi lo sắp xếp mọi việc, riêng ba mặc đồ tang ngồi rũ bên quan tài như cái xác. Các cô, dì đồng đội cũ đến phụ tang cùng nhau tắm rửa, mặc cho mẹ bộ quân phục mới tinh còn thẳng nếp là. Ngực áo đính đầy những huân/ huy chương mẹ được nhận qua các kỳ đại hội. Bộ quân phục khiến sắc mặt mẹ hồng hào hơn. Nhìn qua nắp kính quan tài lung linh trong ánh nến, mẹ trông tươi tỉnh, bình yên cứ như đang say ngủ và mơ về những năm tháng thanh xuân gian khổ hiểm nguy nhưng cũng vô cùng tươi tắn trẻ trung, đầy ắp tiếng cười…