Một thời… thồ hàng nuôi quân
'Nở, làm gì ở nhà mà giờ này mới ra. Chị với Lụa đợi nãy giờ', câu hỏi thăm của bà Sáu Nhài thay cho lời chào. Bên ly nước vối bà Sáu Nhài vừa pha, câu chuyện của 3 người phụ nữ cứ thế miên man nối dài, về đồng đội, về trận bom dữ dội khiến đội nữ xe thồ kẻ còn, người mất...
Đội nữ xe thồ Bình Long - đơn vị làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ Tiểu đoàn 368 tác chiến trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Ảnh tư liệu
Xe đạp thô… thành thồ
Bà Nguyễn Thị Nhài hay còn được gọi thân mật là Sáu Nhài nay đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn nhớ rõ những ngày bà cùng các chị, các em tham gia Đội nữ xe thồ Bình Long. Đội làm nhiệm vụ thồ lương thực, thực phẩm, gạo, đạn dược phục vụ chiến trường Bình Long khi Bình Long tổng động viên tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi ấy, bà là Trung đội phó phụ trách Đội nữ xe thồ thuộc Ban Hậu cần, Tỉnh đội Bình Long. "Ngày đó, tôi mới 20 tuổi, vào đội thồ được các anh hướng dẫn cách ràng dây, thồ hàng. Mới đầu, chưa quen thì tôi thồ ít, mỗi bên 40kg, hai bên là 80kg, dần dần lên 100kg, rồi 120kg. Tôi xác định theo cách mạng thì việc nào hoàn thành cũng đều là vinh quang. Tôi luôn tâm niệm phải cố gắng thồ được nhiều để bộ đội đánh giặc ở chiến trường có đủ gạo ăn" - bà Sáu Nhài kể.
Chiếc xe đạp thô sơ được cải tiến thành xe thồ bằng cách buộc thêm vào tay lái một đoạn tre dài khoảng 1m để điều khiển xe; buộc vào trục yên xe một đoạn tre, cao hơn yên khoảng 50cm vừa để cầm vừa giữ thăng bằng xe, đẩy xe đi. Dù thân hình nhỏ nhắn nhưng mọi thành viên trong Đội nữ xe thồ Bình Long ngày ấy đều cố gắng thồ được lượng hàng nhiều nhất. “Tham gia đội thồ lúc đó tôi mới 16 tuổi, có ba mấy ký à, đi xe đạp còn dở mà. Mới vô, các anh, các chú ban đầu chưa tin tưởng tôi làm được. Nhưng với quyết tâm, phấn đấu không để thua các bạn và phục vụ tốt cho chiến trường, tôi đã làm được” - bà Phạm Thị Lụa nhớ lại.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đội nữ xe thồ Bình Long được thành lập với mục đích vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men cho Tiểu đoàn 368 chiến đấu ở chiến trường Bình Long. Khi ấy, đội có 19 người. Người ít tuổi nhất 16, người lớn tuổi nhất cũng chỉ mới 22. Thế nhưng mỗi ngày, họ đều vượt hàng chục cây số cả đi lẫn về. Từ hậu phương, họ thồ hàng lên tiền tuyến để nuôi quân, bảo đảm các chiến sĩ nơi chiến trường được no bụng và luôn sẵn sàng vũ khí chiến đấu.
Không biết mệt mỏi
Những cô gái tuổi đôi mươi của Đội nữ xe thồ bước chân vào chiến trường chẳng có gì ngoài tuổi trẻ và lòng quyết tâm. Dù “mưa bom, bão đạn”, dù khó khăn, vất vả, họ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Đường bằng họ tự đi, đoạn dốc thì 3, 4 chị em hỗ trợ nhau. “Ngày đó, những người nhỏ tuổi như tôi lúc về được cho chạy xe đạp đi trước, các chị cáng thương binh đi sau. Đến đoạn nào dốc thì tôi dừng lại để đẩy phụ các chị đưa mấy anh về cứ chữa trị” - bà Lụa nói.
Cứ thế, họ vượt dốc băng rừng, vượt nắng mưa, đưa hàng ngàn tấn hàng ra tiền tuyến rồi lại đưa chiến sĩ bị thương về hậu phương chữa trị, không hề thua kém đàn ông. “Nhiều khi đang đi, trời đổ mưa, có tăng thì dùng để che gạo với vũ khí, còn mình chấp nhận ướt…” - bà Sáu Nhài nhớ lại những tháng ngày gian khó.
Mưa rừng dầm dề, vắt, đỉa bám lên người không ngăn được bước chân của những cô gái trên cung đường tải lương thực, tải đạn. Chị em dìu nhau đi bằng yêu thương, bằng sự quan tâm của tình đồng đội. “Lúc đó, không nghĩ gì đến cá nhân, gác hết tâm tư nhớ nhà, không biết mệt mỏi là gì. Mưa gió, nắng nóng vẫn quyết tâm đi đến nơi về đến chỗ, không bao giờ bỏ cuộc” - bà Vũ Thị Nở, thành viên Đội nữ xe thồ Bình Long khẳng định.
“Thương đồng đội mình lắm”
Bà Nở lặp đi lặp lại câu nói đó trong lúc kể về trận bom bên dòng sông Măng làm Đội nữ xe thồ người còn, người mất. “Khi nghe bom đánh, tôi đã qua sông Măng rồi, chuẩn bị để về cứ. Tôi chạy xuống là biết chị em, bạn bè mình chắc chắn bị thương rồi. Lúc đó, tôi cứ cầu trời khấn phật là đừng có chết chóc gì. Khi chạy tới thì trước mắt mình là hình ảnh đồng đội người bị thương, người hy sinh... Tôi vừa đau lòng, thương đồng đội mình vừa căm hận giặc” - bà Nở kể về trận bom với đôi mắt hoe đỏ nhưng giọng nói vẫn kiên gan như ngày nào.
Trận bom đó cả 3 người phụ nữ đều gánh chịu, chứng kiến. Hôm ấy, đội nữ xe thồ được lệnh vận chuyển gạo tới mặt trận; khi trở về cáng thêm thương binh. 6 giờ sáng, đội bắt đầu từ mặt trận trở về; đến 10 giờ 30 phút, vừa đến bên bờ sông Măng, chỉ còn khoảng 30 phút nữa là về đến căn cứ thì bất ngờ bị bom đánh. Bà Nhài kể: “Tôi nghĩ máy bay không phát hiện được mình, nhưng nó thấy dấu đường xe đi xuống bờ sông Măng nên thả bom. Lúc máy bay thả bom, tôi với chị Hiếu đang cáng anh thương binh tên Long người Hà Nội... Tôi thấy máy bay thả bom xuống là nhắm mắt chờ chết rồi...”. May mắn, bà Nhài chỉ bị thương và bất tỉnh. Lúc bà tỉnh lại, đồng đội bà là chị Hiếu và anh thương binh tên Long đã hy sinh. “Khi cáng thương về anh Long còn xin địa chỉ, hẹn ngày sẽ tìm gặp, mới đó mà đã không còn…” - bà Nhài ngậm ngùi.
Chiến tranh đã lùi xa, với những người phụ nữ từng đi qua cuộc chiến, tháng ngày tham gia chiến trường chống Mỹ cứu nước ác liệt năm xưa giờ chẳng còn gì lưu lại ngoài ký ức và một vài tấm hình trắng đen không rõ mặt. Kỷ vật thì không còn nhưng ký ức dường như là mãi mãi…
Khi mỗi người biết yêu thương, tự nhiên trong họ sẽ sinh ra trách nhiệm. Với những người phụ nữ ấy, sự mạnh mẽ bên trong luôn vượt qua nét yếu đuối bên ngoài. Bởi vậy, khi được hỏi có bao giờ chùn bước, họ luôn khẳng định một từ “không”. Mưa rừng, rắn rết, ngay cả sau trận bom khốc liệt cướp đi đồng đội, họ vẫn hừng hực khí thế và quyết tâm, xả thân khi Tổ quốc cần. “Tận mắt thấy đồng đội người bị thương, người hy sinh, tôi vừa bị sốc vừa đau lòng. Nhưng sau đó, tôi xốc lại tinh thần, tiếp tục lăn xả thực hiện nhiệm vụ. Người ở lại làm thay phần người ra đi” - bà Lụa kết lại câu chuyện bằng sự khẳng định chắc nịch.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/146353/mot-thoi-tho-hang-nuoi-quan