Một tình yêu biển đảo, quê hương sâu nặng

(Đọc “Pháo đài thép trên Biển Đông" của Nguyễn Thanh Đạm)

Tình yêu biển đảo thiêng liêng sâu nặng là điều mà bất cứ ai khi đọc tuyển tập ký và ghi chép “Pháo Đài Thép Trên Biển Đông” của cố nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm. Dẫu sách đã được NXB Văn Học ấn hành cách đây 9 năm (12/2012), nhưng những giá trị vẫn còn tươi nguyên đối với cuộc sống hôm nay.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm

Trong bối cảnh cả đất nước luôn đau đáu hướng về biển đảo thì đây là một tiếng nói đanh thép và hào sáng thể hiện chủ quyền dân tộc linh thiêng. Điều mà không gì có thể suy suyển theo năm tháng thời gian. Đối với những độc giả, nhất là những nhà nghiên cứu, những thế hệ sinh viên trẻ thì đây còn là một nguồn tư liệu quý, phong phú chất đời, chất sử.

Điều dễ nhận thấy nhất khi đọc tác phẩm lớn này là những cảm xúc đa cung bậc thấm đẫm trong từng trang ký và ghi chép của Nguyễn Thanh Đạm. Chúng ta có thể cảm nhận rõ điều ấy qua từng câu chuyện ông kể, từng vùng đất ông qua. Tác giả kể và tả một cách chân thực, tinh tế bắt đúng “mạch” nhân vật, cảnh huống đến nỗi ta cứ tưởng như câu chuyện ấy đang hiển hiện ngay trước mắt ta vậy. Xuyên suốt toàn bộ tập ký, ghi chép ta bắt gặp những điều rất đời thường và bình dị, nhưng qua giọng văn ăm ắp yêu thương của Nguyễn Thanh Đạm là rất nhiều điều bổ ích, thi vị. Hơn một phần tư cuốn sách ông dành cho những trang viết về quần đảo Trường Sa yêu dấu của Tổ quốc. Có lẽ ai cũng biết, suốt bao năm năm nay vấn đề chủ quyền biển đảo luôn là vấn đề nóng hổi nhận được nhiều quan tâm của mỗi người dân yêu nước và cả dư luận quốc tế. Nhà báo Nguyễn Thanh Đạm với “Pháo đài thép trên biển Đông” đã bước những bước chân miệt mài đi sâu vào thực tiễn ở từng hải lý, trên quần đảo Trường sa để kịp thời truyền tải những thông tin “vàng” đến chúng ta. Ông ghi chép lại những gì tai nghe mắt thấy một cách chân thực nhưng cũng đầy sắc sảo khiến người đọc cảm động.

Điều gì đã làm cho những trang viết của ông có sức lay động lòng người mãnh liệt đến vậy? Chỉ có một sự kiến giải duy nhất ở đây là: Cái tình. Đúng vậy! Nguyễn Thanh Đạm đã dành hết tâm huyết của mình cho từng trang viết. Mỗi câu, mỗi chữ trong cuốn sách đều thấm đượm một tình yêu sâu sắc và bỏng cháy của một nhà báo, một nhà thơ luôn sống và yêu đến tận hơi thở cuối cùng của mình.

Đó là những câu chuyện giản dị của trung úy Nguyễn Văn Quân - người yêu đảo bằng tấm lòng chất phác, nhân hậu. Hay câu chuyện xúc động về liệt sỹ Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng - người trong lúc gian nguy đã “nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho chiến sĩ yếu nhất”... Tuy vậy, tác giả không sa đà vào kể lể, hô hào mà ông chọn lọc tình tiết quan trọng để ghi lại chuyến đi của mình một cách tinh tế, bằng lăng kính của một người yêu biển đảo của dân tộc mình bằng cả một tấm lòng sâu nặng. Chính điểu đó đã gây xúc động lòng người, khơi gợi cho người đọc một tình yêu tha thiết và niềm tự hào vô biên về từng mét vuông biển và từng tấc đất trên đảo quê hương.

Đọc “Pháo đài thép trên biển Đông” ta còn nhận thấy: Tác giả không chỉ viết riêng về biển đảo mà còn dành nhiều bài viết đầy thi vị về Lâm Đồng - vùng đất đang ngày một thay da đổi thịt trên con đường đổi mới của Đảng và nhà nước. Hay những trang viết đầy chiêm nghiệm về đời sống, con người Trung Hoa qua lăng kính của một triết gia, một nhà sử học uyên bác... Là một người sống và gắn bó với mảnh đất cao nguyên mấy chục năm nay, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm hiểu và cảm hơn ai hết sự đổi thay qua từng sắc hoa, ngọn cỏ trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió này. Vì thế, trong những ghi chép của ông luôn dạt dào thương cảm. Lúc thì ông dùng giọng văn đầy nâng niu, ôm ấp để viết về vùng đất thiêng Tân Hà trong “Đất mẹ linh thiêng”. Khi thì giọng văn của ông tràn đầy niềm tự hào vui sướng lúc nhìn thấy những đổi thay của đời sống người dân tộc thiểu số bên dòng sông Đạ Đờn. Bằng kinh nghiệm của một nhà báo lão luyện dày dạn thâm niên, ông khéo léo đưa vào mỗi bài viết những con số đầy thuyết phục để mổ xẻ về vấn đề cần phân tích so sánh. Những con số khách quan và những lập luận sắc sảo đã làm cho những bài ký, bài ghi chép của ông luôn thấu tình đạt lý và nâng tầm mỗi bài viết.

Đảo Đá Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: C.Thành

Đảo Đá Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: C.Thành

Bên cạnh những trang ký về vùng đất cao nguyên đầy sức sống ấy, “Pháo đài thép trên biển Đông” còn có những bài viết thật giàu chất thơ về những gương mặt tiêu biểu của thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Ta có thể bắt gặp những câu chuyện về nhà điêu khắc, nhà thơ Phạm Văn Hạng trong “Phạm Văn Hạng Bắt mạch thời gian”. Hay những câu chuyện về một tấm gương sáng đã tự lực cánh sinh làm giàu bằng đôi bàn tay kỳ diệu và khối óc đầy ý tưởng độc đáo như vợ chồng Võ Văn Quân và Hoàng Thị Xuân trong “Khơi dòng từ góc phố Hòa bình”... Mỗi bài viết đó của ông đều ấm áp một tình bằng hữu thân thương, một lòng cảm mến đầy trân trọng.

Tựu chung, sau 9 năm, (một độ lùi thời gian cần thiết) đọc lại “Pháo đài thép trên biển Đông” của Nguyễn Thanh Đạm, từng mạch văn từng còn chữ vẫn như những mạch biển mặn mòi chảy qua tâm khảm của mỗi chúng ta. Từng câu, từng chữ đều có sức truyền lửa mạnh mẽ khơi dậy trong ta niềm tự hào về biển đảo với bề dày lịch sử nói chung, cũng như về đất và người Lâm Đồng trong công cuộc đổi mới nói riêng. Lật từng trang sách như mở từng trang đời, giúp thế hệ già lắng lòng mình lại để chiêm nghiệm thêm về cuộc sống và giúp thế hệ trẻ hiểu hơn, yêu hơn biển đảo Tổ quốc mình.

LÊ HÒA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202105/mot-tinh-yeu-bien-dao-que-huong-sau-nang-3054896/