Một tình yêu lớn với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ðó là những lời chân thành thốt lên từ một người phụ nữ Mỹ kém Bác gần 50 tuổi, bà G.xten-xơn (Josephine Stenson), một nhà nghiên cứu lịch sử. Bà đã nói những điều này trong bài phát biểu của mình tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1990) tại Hà Nội hồi tháng 5-1990.
Lòng ngưỡng vọng và đam mê nghiên cứu
Trong bài phát biểu nói trên của bà tại Hà Nội, Stenson bộc bạch rằng, bà đã dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời để nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Mang trong mình sự tò mò cũng như sự ngưỡng vọng dành cho người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, bà đã tự bỏ tiền túi để đi đến tất cả những nơi Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từng đặt chân qua. "Hồ Chí Minh là người mà tôi dành nhiều thời gian nhất trong đời nghiên cứu lịch sử của tôi để tìm hiểu cho được tính cách đích thực của ông. Tôi thuộc thế hệ tuổi con cháu Bác Hồ. Cho phép tôi được ca ngợi lời ca muộn màng của người hậu thế," Stenson chia sẻ.
Toàn bộ cuộc hành trình vượt qua ba đại dương, bốn châu lục và gần 30 quốc gia theo dấu chân tìm đường cứu nước của Bác đã được Stenson truyền tải trong bản tham luận bằng tiếng Anh với nhan đề "Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn của thời đại". Bản tham luận được đánh giá có nhiều điểm mới mẻ, đặc biệt từ góc nhìn của một nữ trí thức Mỹ, sau đó đã được in trong kỷ yếu của hội thảo năm 1990 do Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản.
Vì sao Nguyễn Tất Thành không hề chùn bước trước những khó khăn gian khổ trên hành trình bôn ba khắp các châu lục trên thế giới? Vì sao sự xa hoa tráng lệ của những đô thị và cuộc sống ở phương Tây mà Người có dịp đặt chân đến vẫn không thể cám dỗ và làm lay chuyển được sự quyết tâm và lập trường kiên định của Người?
Những câu hỏi ấy chính là động lực để Stenson tự bỏ kinh phí đi khắp thế giới theo dấu chân hành trình của Hồ Chí Minh để kiểm chứng lại lịch sử, để tìm hiểu xem ở con người này giữa lời nói và việc làm có tương phản với nhau không. Và nhà nghiên cứu sử học người Mỹ thật sự đã thấy, ở Hồ Chí Minh, sự thống nhất gần như tuyệt đối trong suốt cuộc đời là lời nói đi đôi với việc làm.
Stenson đã đi từ Mỹ sang Pháp và Liên Xô (cũ), những nơi mà Hồ Chí Minh từng đặt chân tới, để tìm những di tích gốc về Người. "Tôi đã ở Liên Xô một thời gian tương đối lâu để nghiên cứu về ông. Khi về Mỹ, tôi lại đi từ New York đến các đảo lửa vùng Ðông Bắc châu Mỹ, nơi Hồ Chí Minh đã đi tàu xuyên đại dương đến đó. Tôi quyết tâm đi tìm cho được lai lịch văn hóa Hồ Chí Minh, mặc dù ngày đó người ta đã thừa nhận Người là danh nhân văn hóa của thế kỷ", bà nói.
Ðiểm dừng chân đầu tiên của Stenson chắc chắn phải là thành phố New York quê hương của bà, nơi đặt bức tượng Nữ thần Tự Do, cũng chính là nơi Người đặt chân đến vào một ngày cuối tháng 12-1912. Tại đây, Stenson tìm lại quyển bút tích ghi lại cảm nhận của các vị khách khi họ đến tham quan và chiêm ngưỡng biểu tượng của thành phố. Nguyễn Tất Thành đến thăm thần Tự Do nhưng chỉ nhìn dưới chân tượng và ghi: "Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?".
Tấm lòng nhân ái bao la của Người dành cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động trên toàn thế giới đã làm lay động tâm can Stenson. "Nguyễn Tất Thành nhìn số phận con người, không chiêm ngưỡng hào quang tỏa sáng từ bức tượng thần Tự Do", bà nói.
Tư tưởng tiến bộ, bình đẳng bác ái của Người đã được Stenson khẳng định lại một lần nữa trong hội thảo năm 1990. Chỉ có Hồ Chí Minh là luôn luôn nói về quyền bình đẳng của phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như nam giới. "Chỉ có Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa... Chỉ có Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nói về phụ nữ", nhà sử học người Mỹ nhấn mạnh.
Chuyến hành trình cũng đưa Stenson tới Việt Nam, quê hương của Người. Bà đã vào nhà ở của Người, tìm hiểu của riêng của Người. "Thật là lạ và hiếm thấy, một con người trên cương vị đứng đầu Ðảng cầm quyền 18 năm và 24 năm trên cương vị đứng đầu Nhà nước mà không hề có một chút của riêng cho mình... Bây giờ, mọi người đến thăm nhà sàn của Bác, ao cá của Bác, nói là của Bác nhưng lại là chung của dân tộc, của Ðảng và của muôn đời các thế hệ mai sau," Stenson tâm sự.
Tình yêu lớn với Việt Nam
Stenson lần đầu tới Việt Nam vào tháng 4-1989 khi bà tiến hành thu thập tài liệu phục vụ cho luận văn thạc sĩ về chủ đề lịch sử quân đội. Theo cảm nhận của nữ nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử đến từ Ðại học Florida Atlantic, dù Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau hai cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc, người dân vẫn sẵn sàng bỏ lại nỗi đau phía sau để vững vàng trên con đường xây dựng đất nước.
Cũng trong chuyến đi này, bà đã ấp ủ cho ra đời một cuốn sách của riêng mình có tên "Một người phụ nữ Mỹ ở Việt Nam". Khác với hầu hết các tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam được chấp bút bởi người Mỹ, Stenson dự định khắc họa chân dung của người Việt Nam qua góc nhìn từ chính những người đã trải qua cuộc chiến, thay vì dựa theo những hiểu biết chủ quan. "Tôi nghĩ đã đến lúc phải kể lại câu chuyện từ hướng khác", bà nói.
Không chỉ cảm mến con người Việt Nam, Stenson còn bị mê hoặc bởi những tà áo dài duyên dáng. Chia sẻ trong bài tham luận, Stenson không giấu nổi niềm xúc động: Chưa có một sắc phục phụ nữ nào lại đẹp, có văn hóa, bề dày truyền thống và thanh lịch như chiếc áo dài Việt Nam".
Câu chuyện của bà Stenson đã làm cho chúng ta hiểu đầy đủ hơn về nhân cách của Bác Hồ, lan tỏa đến mọi người, dù họ chưa từng được vinh dự gặp Bác lần nào. Bất kỳ ai, khi họ có cái nhìn trung thực về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh thì họ cũng tìm thấy những điều rất cao cả và sẽ quý trọng nhân cách con người Bác - người bạn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Theo Báo Nhân Dân
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/36202306/mot-tinh-yeu-lon-voi-chu-tich-ho-chi-minh-a435722/