Một tuần tăng giá gấp 3, tranh nhau mảnh đất ven đô đầy cỏ dại
Lô đất ở Đông Trúc (Thạch Thất) đang được rao bán 18-20 triệu đồng/m2 trong khi một tuần trước, giá chỉ khoảng 7-8 triệu đồng. Trước Tết chỉ 4-5 triệu đồng/m2 nhưng không ai hỏi mua.
Đua nhau tăng giá
Trong thời điểm dịch, xã Đông Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) nườm nượp xe ô tô ra vào, xếp hàng chật kín. Hàng trăm nhà đầu tư cùng môi giới nhà đất xuất hiện khiến không khí bình yên của khu vực này không còn. Trên tay cầm giấy, bản đồ, họ chỉ trỏ xem xét, với cái nhìn trầm ngâm tính toán của nhà đầu tư.
Sau thông tin các tập đoàn lớn đề nghị huyện Thạch Thất cho phép xây dựng các siêu khu đô thị rộng cả ngàn vào đầu tháng 3/2020, dù chính quyền thành phố chưa có ý kiến gì các nhà đầu tư đã đổ xô đi tìm cơ hội.
Ai cũng như vớ được vàng nếu không biết chớp cơ hội này. Các nhà đầu tư đến đây cũng chủ yếu với mục đích lướt sóng, kiếm lời. Nhiều người đã nhanh tay kiếm vài trăm triệu mỗi ngày.
Sau cơn sốt cách đây chục năm, thị trường khu vực này rơi vào trầm lắng và bỗng chốc bừng tỉnh. Theo khảo sát, giá đất tại đây mỗi ngày tăng từ 1-1,5 triệu đồng/m2. Thậm chí, không chỉ tăng theo ngày mà còn theo giờ. Một mảnh đất sổ đỏ có diện tích khoảng 103m2, nằm ở mặt ngoài trục đường, được rao với giá 16 triệu đồng/m2. Vài giờ sau, cũng mảnh đất ấy đã có giá 18 triệu đồng/m2. Khu đất ở phía trong giá dao động từ 12-15 triệu đồng, trước cơn sốt cũng chỉ có giá 5-6 triệu đồng/m2, thậm chí chỉ 4-4,5 triệu đồng nhưng không ai mua.
Cách đây tầm 10 năm khi có quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hòa Lạc rộ tin đồn sẽ thành khu đô thị vệ tinh. Ngay lập tức, giá đất tại đây đã tăng 5-7 lần, dù khi đó Hòa lạc chỉ là vùng đất hoang sơ, cơ sở hạ tầng còn yếu kém.
Lý giải hiện tượng tăng giá của khu vực này, giới nhà đất cho rằng, Hòa Lạc có hệ thống hạ tầng giao thông và những tín hiệu tích cực từ xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nhà đầu tư đón đầu nhiều dự án lớn để xây nhà cho các kỹ sư công nghệ cao, sinh viên đại học, người lao động thuê hoặc sử dụng làm ngôi nhà thứ hai bởi nơi đây có cảnh quan sinh thái, thiên nhiên...
“Giá đất Hòa Lạc so với mặt bằng chung đang rất vừa tầm, thấp hơn so với nhiều cùng ven khác. Do đó, là thời điểm thích hợp để đầu tư”, một môi giới nhận định.
Ảnh hưởng của dịch bệnh, điểm nóng Thạch Thất nhanh chóng bị nguội dần. Sau 10 ngày diễn ra cơn sốt ảo, chính quyền đã vào cuộc để cánh báo người dân và tại xã Đồng Trúc hiện tại, không còn ai đến mua bán hay giao dịch gì nữa.
Sau thời gian dài bị lãng quên, thời gian gần đây, bất động sản Hòa Bình lại được nhắc đến. Nhiều thông tin cho biết, giá đất rục rịch tăng vài tháng nay. Trong tương lai, HĐND tỉnh Hòa Bình thông qua chủ trương sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào TP. Hòa Bình. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Đất vùng ven như Đông Anh cũng từng gây sốt. Giá đất tại Đông Anh có nơi đã tăng 5-7 triệu đồng/m2 chỉ trong vài tuần như xã Vân Nội, Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, dao động từ 20-60 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Hiện tại, giá đất các khu có vị trí đẹp cũng chỉ trên 50 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Trong các ngõ 3,5 m cũng chỉ dao động từ 48-50 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - thừa nhận thông tin giá đất nền trong khu dân cư cạnh các dự án tăng giá nhẹ khi dự án Thành phố thông minh động thổ là có thật, nhưng khó có khả năng đất tại khu vực này lại tăng vọt như một số thời điểm trước đây.
Nhu cầu nghỉ dưỡng tăng
Lý giải một phần giá đất ven đô tăng mạnh, một phần do xu hướng mới sau dịch, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được nhận định là kênh đầu tư tiềm năng.
Dịch Covid-19 đã cảnh tỉnh người dân của các quốc gia về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng trong bối cảnh phải sống chung với dịch bệnh lâu dài và những tác động của biến đổi khí hậu nói chung. Nhu cầu về không gian sống xanh, sạch và biệt lập đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời gian tới, nhất là đối với các tầng lớp trung lưu, có thu nhập cao và ổn định.
Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN (VNREA) Đoàn Văn Bình nhận định, các sản phẩm bất động sản xanh, gần gũi với môi trường, có tính riêng tư như nhà ở riêng lẻ sẽ được người mua quan tâm bởi sự an toàn vừa ở, vừa đầu tư sinh lợi, vừa có không gian giãn cách xã hội khi cần.
Bên cạnh đó, người Việt có thói quen tiết kiệm. Ảnh hưởng của dịch bệnh là ngắn hạn, trong khi nhu cầu nhà ở, đầu tư là dài hạn nên sức mua thực tế vẫn tốt. Lượng cầu có khả năng thanh toán vẫn cao.
Theo ông Trần Nam Sơn, Quỹ Vietnam Capital Partners, về xu hướng đầu tư BĐS của người giàu thì GDP càng cao, nhà đầu tư càng hướng đến BĐS nghỉ dưỡng.
Ông Sơn cho rằng, ở thời điểm hiện tại, giới nhà giàu sẽ mua nhà để cho thuê lại nhưng từ 2020 trở đi thì người giàu có sẽ mua BĐS để đi nghỉ dưỡng. Đây sẽ là xu hướng của thị trường BĐS trong 5-10 năm tới.
Một nghiên cứu gần đây của Savills cho biết, số lượng nhà giàu tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ mức 250.000 năm 2016 lên 530.000 hộ vào năm 2020. Hiện những công dân cao tuổi vẫn chưa nhận thấy được tiềm năng của khu nghỉ hưu. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ sớm thay đổi.
Nhu cầu ngôi nhà thứ hai ven đô luôn luôn hiện hữu tuy nhiên, trào lưu này liệu có bền vững hay chỉ là nhất thời “cả thèm chóng chán”, cần phải có thời gian mới trả lời được câu hỏi này.