Một tượng đài trở lại

Ngày 23-9-1954, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ký quyết định thành lập Đoàn công tác thể dục thể thao Quân đội, gọi tắt là Thể Công. Lúc đầu, Thể Công chỉ có 23 cán bộ, chiến sĩ kiêm nhiệm các vai trò huấn luyện viên (HLV), cầu thủ, thi đấu 3 môn thể thao được yêu thích nhất thời điểm đó là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ.

Riêng về bóng đá, khởi đầu đội có đúng 11 người, vừa đủ một đội hình. HLV đầu tiên của Thể Công rất nổi tiếng, là danh thủ Nguyễn Thông, người có biệt danh Túc cầu Tiểu vương. Chuyện kể rằng, ngày xưa bên Hương Cảng (Trung Quốc) có một cầu thủ lừng danh tên gọi Lý Huề Đường.

Ông này cao lớn, phong thái thi đấu ung dung, chững chạc nên được người Hoa coi là Túc cầu Đại vương. Nay vì khâm phục tài năng của Nguyễn Thông, lại thấy ông ít tuổi hơn nên người hâm mộ bóng đá Việt Nam bảo nhau: Họ có Đại vương thì ta có Tiểu Vương chứ kém gì! Thế là giới hâm mộ bóng đá nước nhà đều nhất trí gọi Nguyễn Thông là Túc cầu Tiểu vương. Biệt danh ấy gắn bó với Nguyễn Thông suốt cả cuộc đời còn bởi tích “đầu Thông-chân Viễn”.

 Viettel FC đổi tên thành Thể Công-Viettel ở mùa giải V-League 2023-2024. Ảnh: Viettel FC

Viettel FC đổi tên thành Thể Công-Viettel ở mùa giải V-League 2023-2024. Ảnh: Viettel FC

Chuyện là ở đội tuyển Bắc kỳ hồi ấy có Văn Viễn chơi ăn ý với trung phong Nguyễn Thông. Cứ mỗi khi Văn Viễn xuống sát biên ngang rồi lật bóng vào vòng cấm, ngay lập tức khán giả sẽ đứng dậy hò reo khắp khán đài bởi cú bật cao, đánh đầu mạnh như búa bổ của Nguyễn Thông làm tung lưới đối phương. 10 cú như một. Tài năng, đức độ, nên khi được gọi vào xây dựng Thể Công, mọi thành viên đều nhất trí tôn Nguyễn Thông là HLV-một người thầy bình dị, khiêm tốn.

Chấp hành chỉ thị của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các đơn vị trong toàn quân, từ Việt Bắc đến Khu 4, Khu 5, miền Đông, miền Tây Nam Bộ... nhất loạt giới thiệu và gửi những cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu thể dục-thể thao bổ sung cho Thể Công. Trong số các cầu thủ từ miền Nam ra Bắc, nổi bật là cha con danh thủ Trương Tấn Bửu-Trương Tấn Nghĩa, thủ môn Đàm Thu Trang, hậu vệ Nguyễn Minh Cảnh; các tiền đạo Mười Tiền (Nguyễn Văn Tiền), Nguyễn Thanh Tiền, Hứa Tấn Hỷ...

Ở miền Bắc, từ các đơn vị chiến đấu cho đến các quân khu, quân đoàn giới thiệu cho Thể Công nhiều cầu thủ tài năng, trong đó có Phạm Tất Thắng, một tiền vệ có thể coi là “bộ não” của đội bóng. Ông là cầu thủ toàn năng, lại có trí tuệ hơn người nên sớm trở thành trụ cột của Thể Công không chỉ trong vai trò cầu thủ mà còn là lãnh đạo của Thể Công những năm sau này.

Cùng với việc cử những cầu thủ có tài năng đi học nước ngoài như các danh thủ Phạm Tất Thắng, Ngô Xuân Quýnh, Lê Nhâm, Hứa Tấn Hỷ... năm 1961, Thể Công bắt đầu tuyển chọn và xây dựng lớp bóng đá trẻ đầu tiên và đã gặt hái được thành công bước đầu, qua kết quả thi đấu ở Giải vô địch miền Bắc mà đại diện là Nguyễn Sỹ Hiển, Nguyễn Quý Thiêm, Thái Nguyên Bên, Vũ Thế Luân, Nguyễn Mạnh Sơn. Tiếp đó, Thể Công tuyển chọn lứa vận động viên 15-17 tuổi của 4 môn thể thao, gồm: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và thể dục dụng cụ, cử đi tập huấn ở CHDCND Triều Tiên, Hungary, CHDC Đức, tạo nên sự chuyển biến về chất nhằm có một lực lượng thể thao đủ mạnh để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Đặc biệt, lớp Thể Công nhập ngũ năm 1965 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng loạt cầu thủ Thể Công thế hệ 1965 như Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Trọng Giáp, Trần Văn Khánh, Phan Văn Mỵ, Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Văn Nhật, Bùi Xuân Thêu, Vũ Đình Bội... được giới hâm mộ tôn vinh cả tài và đức. Kế tiếp những năm sau đó, cứ khoảng từ 5 đến 6 năm/lần, Thể Công tiếp tục tuyển chọn các lứa cầu thủ trẻ nhằm củng cố và phát triển đội bóng.

Năm 1997, HLV Vương Tiến Dũng được giao nhiệm vụ xây dựng lại đội bóng Quân đội với những cầu thủ nhập ngũ năm 1988 như Nguyễn Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng và thế hệ trẻ hơn như Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng... HLV Vương Tiến Dũng vận dụng triệt để “kỷ luật là sức mạnh của Quân đội”, giúp đội bóng thi đấu khởi sắc và trở thành nhà vô địch mùa giải 1998.

Phấn khởi trước hình ảnh đội bóng mạnh mẽ, đầy sức chiến đấu, tháng 8-1998, lãnh đạo Bộ Quốc phòng ký quyết định cho đội bóng được sử dụng lại tên Thể Công. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, bóng đá Việt Nam bước vào thời kỳ chuyên nghiệp (V-League), thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chơi... để rồi quyết định cất phiên hiệu Thể Công từ ngày 22-9-2009, khiến nhiều người hâm mộ đội bóng tiếc nuối.

...Chứng kiến CLB Viettel thi đấu trưởng thành, giàu bản lĩnh trong những năm qua, đặc biệt là chức vô địch V-League 2020 (cũng trong năm 2020, đội trẻ Viettel cũng vô địch giải U.21 quốc gia), ngày 21-11-2023 vừa qua, Bộ Quốc phòng một lần nữa trao cái tên Thể Công - Viettel cho đội bóng Quân đội. Thế là từ nay, một tượng đài đã trở lại sân cỏ bóng đá nước nhà.

VŨ MẠNH HẢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/mot-tuong-dai-tro-lai-753811