Một Việt Nam chân thành, khát vọng hợp tác cùng phát triển
Tiếp hai vị khách quý đến từ Vatican và Brazil trong các chuyến thăm quan trọng tới Việt Nam, chắc hẳn những người đứng đầu ngành Ngoại giao của hai quốc gia đều cảm nhận được một Việt Nam khát vọng hòa bình, mong muốn hợp tác cùng phát triển, tất cả vì người dân và cộng đồng...
Trong hai ngày từ 9-11/4, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Cộng hòa Liên bang Brazil Mauro Vieira thăm chính thức Việt Nam. Trong khi đó, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher thăm Việt Nam từ ngày 9-14/4, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Những bước tiến quan trọng
Tiếp Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher trong chuyến thăm cấp Bộ trưởng lần đầu tiên tới Việt Nam, chiều 9/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, chuyến thăm góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Tòa thánh, đồng thời là dịp để Bộ trưởng chứng kiến sự phát triển năng động của Việt Nam, cũng như đời sống tôn giáo phong phú, sôi động của cộng đồng Công giáo tại Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Người đứng đầu ngành Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó tôn giáo là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam luôn dành sự quan tâm và tạo thuận lợi cho các tôn giáo, trong đó có Công giáo, hoạt động và phát triển theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đánh giá cao cộng đồng Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của Công giáo trong đời sống xã hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, Bộ trưởng nhấn mạnh những đóng góp tích cực của cộng đồng theo tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt là công dân tốt”.
Điểm lại những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam với Tòa thánh thời gian qua, thể hiện qua các chuyến thăm, tiếp xúc Lãnh đạo cấp cao, kết quả các vòng đàm phán của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican và nhất là việc hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam, Bộ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và cơ chế đối thoại; phát huy vai trò kết nối của Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam và khẳng định Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan chức năng liên quan sẽ tạo điều kiện để Đại diện Thường trú Tòa thánh hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Tòa thánh ngày càng phát triển.
Chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam, Tổng giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Paul Richard Gallagher bày tỏ vui mừng chứng kiến Giáo hội Công giáo Việt Nam phát triển, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và tin tưởng cộng đồng Công giáo Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong công cuộc phát triển đất nước Việt Nam.
Chia sẻ đánh giá của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Paul Richard Gallagher nhất trí thúc đẩy các tiếp xúc, trao đổi, tăng cường hợp tác hai bên thông qua cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican cũng như trên các diễn đàn đa phương và quốc tế.
Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher mong muốn Bộ Ngoại giao và các cơ quan, địa phương Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đại diện thường trú Tòa thánh và bày tỏ tin tưởng quan hệ hai bên sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 10/4, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Trao đổi về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trong đó cộng đồng Công giáo phát triển mạnh mẽ với hơn 7,2 triệu giáo dân; khẳng định Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân với hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng hoàn thiện, bảo đảm hành lang pháp lý cho các hoạt động tôn giáo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thành tựu phát triển của Việt Nam với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, củng cố đại đoàn kết dân tộc trong đó có cộng đồng công giáo, xây dựng Nhà nước pháp quyền do dân, vì dân, lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí với Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Paul Richard Gallagher về việc tiếp tục thúc đẩy các tiếp xúc cấp cao trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Giáo hoàng Francis.
Triển khai định hướng cụ thể của Brazil
Trong hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira sáng 10/4, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, chuyến thăm của người đồng cấp đến từ nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Mỹ góp phần củng cố, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, hướng tới nâng tầm khuôn khổ quan hệ song phương khi hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm nay. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn, Brazil với tư cách là thành viên của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tích cực thúc đẩy sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và khối này.
Về phần mình, vị khách quý đến từ Nam Mỹ đánh giá cao chính sách đối ngoại và tiến trình hội nhập kinh tế, thương mại và trong các lĩnh vực khác cũng như những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Ông Mauro Vieira khẳng định, Chính phủ Brazil coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam. Chuyến thăm lần này là một trong những bước đi cụ thể để triển khai định hướng đó.
Tại hội đàm, hai Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Brazil trong tổng thể quan hệ đối ngoại mỗi nước. Lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao đánh giá cao những tiến triển tích cực của quan hệ hai nước thời gian qua, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, hợp tác tại các diễn đàn đa phương quốc tế, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, khoa học, công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân… trong đó nổi bật là chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 9/2023 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hai nước, tiếp tục duy trì và đưa kim ngạch song phương vượt xa hơn nữa mốc hơn 7,1 tỷ USD trong năm 2023.
Trên nền tảng quan hệ hai nước tiếp tục đạt những thành tựu ấn tượng bất chấp khoảng cách xa xôi, hai Bộ trưởng cho rằng còn rất nhiều tiềm năng có thể cùng hợp tác, nhất là các lĩnh vực ứng phó chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, sản xuất thực phẩm tiêu chuẩn Halal….
Hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục phát huy nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp để thúc đẩy hợp tác cả về song phương và đa phương sâu sắc, mạnh mẽ hơn nữa. Hai bên đánh giá cao việc hai nước duy trì hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, G20, G77, WTO, Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC), hợp tác Nam-Nam, tiếp tục góp phần thúc đẩy hợp tác giữa mỗi nước với khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm, cũng như hợp tác giữa hai khu vực ASEAN-Mỹ Latinh.
Không quản khoảng cách địa lý xa xôi, hai vị khách quý - một từ Tây Âu và một từ Nam Mỹ cùng thăm đất nước hình chữ S, với sự chào đón nồng ấm và trọng thị của Việt Nam, chắc hẳn sẽ cảm nhận được một Việt Nam chân thành, đáng tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và đang nỗ lực vươn mình với khát vọng hợp tác cùng phát triển, vì các mục tiêu chung, lấy người dân làm trung tâm, cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và hơn thế nữa.
Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira ngày 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Brazil lên tầm cao mới, đồng thời chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Brazil trong chuyến thăm của Thủ tướng vào tháng 9/2023.
Nhấn mạnh quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp, Thủ tướng đề nghị Brazil sớm công nhận Quy chế Kinh tế thị trường của Việt Nam, tiếp tục phối hợp với các nước thành viên MERCOSUR sớm khởi động đàm phán Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và khối, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2025 và 15 tỷ USD vào năm 2030.
Chiều cùng ngày, tiếp Bộ trưởng Mauro Vieira, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ với các chính đảng ở Brazil, trong đó có Đảng Lao động Brazil cầm quyền và Đảng Cộng sản Brazil.