Một vòng Hồ Tây điểm danh chùa cổ

Chùa cổ ở Hồ Tây là những ngôi chùa hội tụ nét văn hóa độc đáo và là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhiều Phật tử Việt Nam. Vãn cảnh chùa mang đến sự thanh tịnh, yên bình trong tâm hồn.

Mục lục bài viết

Chùa cổ ở Hồ Tây là những ngôi chùa hội tụ nét văn hóa độc đáo và là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhiều Phật tử Việt Nam. Vãn cảnh chùa mang đến sự thanh tịnh, yên bình trong tâm hồn.

1.Chùa cổ Hoằng Ân
2.Chùa cổ Trấn Quốc
3.Ngôi chùa cổ kính Vạn Niên

Chùa cổ ở Hồ Tây là những ngôi chùa hội tụ nét văn hóa độc đáo và là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhiều Phật tử Việt Nam. Vãn cảnh chùa mang đến sự thanh tịnh, yên bình trong tâm hồn.

Tác giả: Nguyễn Thúy Anh

Hồ Tây là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn ở Hà Nội. Đến với Hà Nội, mỗi người phật tử nhất định phải ghé thăm những ngôi chùa cổ ở Hồ Tây bởi vẻ đẹp, sự cổ kính và linh thiêng Phật giáo mang lại. Chùa cổ ở Hồ Tây là những ngôi chùa hội tụ nét văn hóa độc đáo và là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhiều Phật tử Việt Nam. Vãn cảnh chùa mang đến sự thanh tịnh, yên bình trong tâm hồn. Dưới đây là 3 ngôi chùa cổ kính nhất Hồ Tây đã có hơn 1500 năm tuổi.

1.Chùa cổ Hoằng Ân

Chùa Hoằng Ân, Chùa Quảng Bá hay có tên khác là chùa Báo Ân (ngõ 12 phố Đặng Thai Mai (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) là một trong số rất ít những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội. Chùa do Thiền Sư Ngộ Ấn (1019- 1088) người làng khởi dựng.

Sách Tây Hồ chí viết chùa nằm trên Hồ Tây thuộc phường Quảng Bố (Quảng Bá) dựng từ đầu triều Lý, khoảng niên hiệu Thông Thụy, đạo sĩ Trần Tuệ Long đắc đạo ở đó, môn đồ thu xá lợi, nhập bảo tháp (nay không còn dấu vết).

Ảnh: St

Mùa xuân niên hiệu Hưng Long thứ 16 đời Trần Anh Tông, nhà sư Huyền Quang đệ tam tổ Trúc Lâm từ núi Yên Tử về triều dự lễ đến đây giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Chùa do các Thiền sư thuộc phái Tào Động trụ trì, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến nay chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ.

Theo văn bia ghi lại vào năm Vĩnh Tộ thứ 10 đời Lê Thần Tông (1628) chùa được xây dựng lớn bởi Nguyễn Phúc Ngọc Tú, con gái chúa Nguyễn Hoàng, vợ chúa Trịnh Tráng, sau đó chùa được đổi tên thành chùa Long Ân. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), nhân chuyến tuần du ra Bắc, vua Minh Mạng đã đến thăm chùa, lúc này chùa được đổi tên thành Sùng Ân tự. Năm Tân Sửu (1841) vua Thiệu Trị đến thăm chùa Sùng Ân cho tu sửa lại chùa và đổi thành chùa Hoằng Ân.

Ảnh: St

Sách “Tây Hồ chí” có ghi: “Chùa ở trên hồ Tây thuộc phường Quảng Bá. Ðầu triều Lý, còn có tên gọi khác là Báo Ân…”. Theo đó, Hoằng Ân tự ban đầu chỉ là một am nhỏ thờ Phật, sau trở thành Báo Ân tự là nơi tu tập của nhiều vị cao tăng.

Hoằng Ân tự cũng là một trong những danh lam của kinh thành Thăng Long, vẻ đẹp được miêu tả trên tấm văn bia trong chùa như sau: “Phía trước là Tây Hồ mênh mông, phía sau là Tam Ðảo xanh ngắt, nhà cửa san sát, xóm bao bọc xung quanh, muôn phần tươi đẹp”.

Tổng thể mặt bằng của chùa hiện nay gồm: vườn, chùa chính, hai nhà dải vũ, nhà thờ tổ, tăng phòng, nhà thờ mẫu, vườn tháp.

Các công trình kiến trúc của chùa được bố trí hài hòa trong một không gian rộng, thoáng. Chùa quay về hướng nam, nhìn ra Hồ Tây. Những nếp nhà cổ của chùa ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ xanh tươi tạo cho chùa thêm sự thanh u tĩnh lặng. Chùa có kết cấu “nội công ngoại quốc”.

Tòa tiền đường năm gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình hổ phù đội mặt trời. Phía trước hai hồi xây dựng hai cột trụ đỉnh trụ đắp hình búp sen.

Tường chùa xây bằng gạch vồ của thế kỷ XV – XVII. Mặt bằng nội thất có sáu hàng chân cột gỗ tròn, đặt trên các chân tảng đá xanh mịn. Bộ khung đỡ mái gồm sáu bộ vì kèo. Vì kèo làm kiểu “chồng rường – con nhị”. Chùa được bao đố lụa, ba gian giữa có hệ thống cửa bức bàn, cửa làm kiểu “thượng song – hạ bản”. Kiến trúc đơn giản chỉ bào trơn đóng bén. Nền nhà lát gạch Bát Tràng.

Tòa thượng điện, một nếp ba gian, xây dọc chạy về phía sau, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, có bốn hàng chân cột gỗ tròn đỡ mái, cột làm kiểu “thượng thu hạ thách” đặt trên tảng đá xanh mịn, bộ khung đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo làm kiểu “chồng rường”, nền nhà lát gạch Bát Tràng.

Nhà dải vũ ở hai bên hồi thượng điện, mỗi dãy bảy gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Ba gian đầu hồi nối với nhà thờ tổ để trống dùng làm nơi tiếp khách. Bốn gian sau được xây kín để làm trai phòng (nơi ở của các vị sư). Các vì kèo đỡ mái làm đơn giản theo kiểu kèo cầu quá giang, nền nhà lát gạch Bát Tràng.

Trong chùa có một vườn hoa cây cảnh với nhiều loài hoa quý như hồng trà, hoa mộc, hoa hồng, đào, quất bốn mùa tỏa hương thơm ngào ngạt. Đặc biệt, có cây bồ đề sum suê được trồng tại vườn.

Ảnh: St

Cách bài trí của chùa như sau:

– Lớp thứ nhất: Tượng Tam Thế Phật.

– Lớp thứ hai: Tượng Quan Âm Nam Hải.

– Lớp thứ ba: Tượng A Di Đà, hai bên là tượng Quan Âm và Thế Trí.

– Lớp thứ tư: Bộ tượng Hoa Nghiêm tam thánh.

– Lớp thứ năm: Tượng Phật Bà Quan Âm thiên thủ, thiên nhỡn.

– Lớp thứ sáu: Tượng Ngọc Hoàng.

– Lớp thứ bảy: Tòa cửu long và Phật Thích Ca sơ sinh.

Chùa cổ Hoằng Ân hay chùa Quảng Bá hiện nay còn lưu giữ được bộ di vật có giá trị cao về lịch sử nghệ thuật.

Ba mươi pho tượng tròn được phủ sơn son thiếp vàng lộng lẫy và tạo tác công phu, tinh xảo thuộc nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Trong số đó có pho tượng Quan Âm Nam Hải rất đặc biệt, mặc dù kích thước tượng không lớn lắm. Tượng có nét mặt thuần hậu, mặc áo cà sa nhiều nếp, ở tư thế thiền tọa, chân chống chân buông, dẫm lên đài sen nhỏ.

Trong chùa hiện còn giữ được nhiều hiện vật quý: hai quả chuông đồng, trong đó một chuông niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba, thời vua Lê Hiển Tông (1743), chuông cao 1,5m, đường kính rộng 80cm. Vai chuông khắc nổi lên bốn chữ Hán “Long Ân tự chuông”, thân chuông chia làm bốn múi tượng trưng cho bốn mùa, trên thân khắc bài văn chuông ghi việc hưng công đúc chuông. Quả chuông nhỏ hơn có niên hiệu thời Nguyễn.

Ba mươi tấm bia làm bằng những phiến đá xanh mịn. Một tấm dựng vào năm Chính Hòa thứ 21 (1700). Đặc biệt có một bia khắc hình tượng một ni sư. Nhiều người cho đó là hình tượng Công chúa Ngọc Tú. Những tấm bia còn lại đều có niên đại thuộc thời Nguyễn. Chùa còn giữ được nhiều hoành phi, câu đối chữ Hán.

Chùa Quảng Bá là một di tích nổi tiếng, một thắng cảnh của Hồ Tây, được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 1728-QĐ-BVH ngày 2/10/1991 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

2.Chùa cổ Trấn Quốc

Ảnh: St

Chùa Trấn Quốc nằm ở số 46 đường Thanh Niên, phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa cổ kính nằm trên mặt Hồ Tây là một thắng cảnh rất nên thơ.

Chùa Trấn Quốc khi mới xây dựng có tên là chùa Khai Quốc, được vua Lý Nam Đế lệnh xây dựng. Theo dòng lịch sử, ngôi chùa này được nhiều đời vua ban phát tiền bạc để mở rộng, tôn tạo. Đến đời vua Lê Hy Tông, chùa này được đổi tên thành chùa Trấn Quốc. Thời vua Thiệu Trị, nhà vua đổi tên chùa thành Trấn Bắc. Tuy nhiên, cái tên Trấn Quốc đã quá quen thuộc với dân chúng nên vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Vào thời nhà Lý, Trần, đây là trung tâm Phật Giáo của nước Đại Việt. Chùa Trấn Quốc theo phái Bắc Tông. Trong chùa có thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Quan Âm. Ngoài ra, khuôn viên chùa cũng có ban thờ Đức Ông, Quan Vũ, Quan Bình, Chu Thương cùng các thị giả.

Theo bảng xếp hạng của Wanderlust.co.uk, chùa cổ Trấn Quốc đứng vị trí thứ 3 trong số 10 ngôi chùa có cảnh đẹp “không thể tin được“. Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long, Hà Nội khi có lịch sử lên đến 1.500 năm. Theo sử sách ghi lại, chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội) nguyên là chùa Khai Quốc, được dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến thời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần).

Chùa Trấn Quốc được coi là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội và từng là Trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý, nhà Trần. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã. Ngôi chùa cổ kính đẹp thơ mộng, từng được ví như đài sen nổi trên mặt nước hồ Tây mênh mông, tĩnh lặng.

Trong văn bia “Tái tạo Trấn Quốc tự bi” do Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi năm Cảnh Hưng thứ 40 Phạm Lập Trai soạn, đã ca ngợi: “Đứng trên cao ngắm cảnh chùa, mây lồng đáy nước, mặt hồ ánh xanh xanh khiến du khách lâng lâng. Tiếng chuông chùa gọi ai tỉnh mộng trần tục…” Nằm trên một hòn đảo phía Đông của Hồ Tây, chùa Trần Quốc luôn được xem như một trong những danh thắng bậc nhất ở kinh thành Thăng Long, nay thuộc quận Tây Hồ.

Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (năm 541-547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi “Khai Quốc” (nghĩa là mở nước). Dưới triều vua Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan đã nhiều lần đến chùa cùng các vị cao tăng đàm đạo. Đến đời vua Lê Thái Tông (năm 1434-1442), nhà vua đổi tên chùa là chùa An Quốc.

Hàng năm, nước sông Hồng lên to xói mòn làm lở bãi sông. Cho nên, năm 1615 đời vua Lê Kính Tông, dân làng Yên Phụ dời chùa vào gò đất Kim Ngưu (Cá vàng), nơi vào đời Lý và đời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua. Khoảng thế kỷ thứ XVII, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau gọi chệch ra thành Cổ Ngư, nay là đường Thanh Niên) nên mới có đường nối đê với đảo Cá vàng.

Đến đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1681-1705), chùa được đổi tên là Trấn Quốc. Bức hoành phi đề chữ “Trấn Quốc Tự” treo tại gian đại bái hiện nay được làm từ thời đó.

Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được người dân quen gọi đến tận ngày nay.

Do nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên kiến trúc chùa là sự tiếp biến phong cách kiến trúc của các thời kỳ như: Trong các năm 1624, 1628 và 1639 (thời Chúa Trịnh), chùa được trùng tu, mở rộng; Trải qua thời Tây Sơn, chùa bị rơi vào cảnh hoang phế, khi đó cư dân địa phương đã xin được tu sửa lại chùa. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm Ất Hợi, niên hiệu Gia Long 14. Năm 2010, tu bổ để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2010.

Giống như hầu hết những ngôi chùa khác ở nước ta, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện theo hình chữ Công.

Tiền đường hướng về phía Tây, hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Cách bài trí gác chuông sau chùa giống với kiểu bài trí tại chùa Keo (Thái Bình).

Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Tấm bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815. Phía sau chùa có một số mộ tháp cổ từ đời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng (thế kỉ 18).

Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng được gọi là Cửu phẩm liên hoa cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.

Thượng tọa Thích Thanh Nhã, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: “Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp”.

Ngôi chùa cổ kính này hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị như bộ tượng thờ ở thượng điện. Đây là những pho tượng được tạo tác tỉ mỉ, trau chuốt và mang nét đẹp đặc trưng riêng. Đáng nói nhất là pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn được đánh giá là một trong những bức tượng Niết bàn đẹp nhất ở Việt Nam.

Bằng vào những giá trị kiến trúc, cảnh quan và lịch sử, trước kia, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong Toàn xứ Đông Dương. Năm 1962 chùa được công nhận xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 313VH-VP ngày 28/4/1962.

3.Ngôi chùa cổ kính Vạn Niên

Ảnh: ST

Tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội, Chùa Vạn Niên được xây dựng vào năm thứ 2 Thuận Thiên, tính đến nay đã trải qua hàng ngàn năm kể từ ngày Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư – Ninh Bình ra kinh thành Thăng Long. Toàn bộ kiến trúc chùa Vạn Niên được làm từ gỗ. Những công trình được làm bằng gỗ đều được trang trí, trạm khắc hoa văn vô cùng tinh xảo đậm nét văn hóa phương Đông.

Để vào chùa Vạn Niên có 2 cổng, một cổng nằm ngay trên mặt đường Lạc Long Quân (đây được gọi là cổng phụ của chùa), cổng nằm ở hướng ven hồ Tây là cổng chính. Tổng thể thiết kế kiến trúc của chùa bao gồm cổng tam quan, chùa chính (đền Mẫu thờ bà chúa Liễu Hạnh), nhà Tăng và nhà phụ. Xung quanh không gian của chùa được trồng nhiều cây cảnh tạo sự trong lành cho ngôi chùa.

Chùa chính được xây theo kiểu kiến trúc nhà 5 gian, phần cửa hay các cột chính của đền Mẫu đều được làm bằng gỗ. Khu vực nội điện chùa Vạn Niên, nơi bạn sẽ cảm nhận được rõ rệt mùi thơm từ gỗ và hương, cùng không khí mát lạnh, trong lành.

Chùa còn lưu giữ bộ di vật gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn có giá trị tâm linh, lịch sử và văn hóa nghệ thuật cao, còn có Bài ký trên chuông đồng “Vạn Niên Tự Chung” đúc vào đời Gia Long.

Ngoài giá trị về kiến trúc Phật Giáo, chùa còn lưu giữ các bộ sưu tập có giá trị văn hóa, lịch sử như đạo sắc phong thần thời Lê và Tây Sơn, chuông đồng có từ thời Nguyễn… Quả chuông đồng “Vạn Niên Tự Chung” được đúc dưới thời Vua Gia Long (1802 – 1820) có bài ký miêu tả chùa Vạn Niên là một danh lam cổ tự bề thế ở phía Tây kinh thành Thăng Long.

Chùa Vạn Niên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1996.

Chùa Vạn Niên đang ngày một khang trang và được nhiều phật tử gần xa biết đến. Tuy có nhiều đổi mới nhưng chùa vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và độc đáo về văn hóa kiến trúc xen giữa lòng thủ đô hiện đại và phát triển.

Ngoài ra, còn rất nhiều di tích đền chùa khác tại quận Tây Hồ, điển hình nhất vẫn là 3 ngôi chùa cổ kính kể trên.

Tác giả: Nguyễn Thúy Anh (t/h)

***

Nguồn tham khảo: Wikipedia; Báo điện tử Lao động Thủ đô, Báo VOV

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/mot-vong-ho-tay-diem-danh-chua-co.html