Một vụ cưỡng chế… không diễn ra: Hành trình 12 năm hóa giải bằng sự thấu cảm
Chỉ là một căn nhà nhỏ, nằm trên mảnh đất phải thi hành án, nhưng phía sau là một câu chuyện dài 12 năm, với vô vàn lần 'họp lên họp xuống', những đắn đo, trăn trở và cả sự kiên trì không mỏi mệt của cán bộ thi hành án, chính quyền địa phương cùng các bên liên quan. Một vụ cưỡng chế mà cuối cùng… không diễn ra, nhưng để lại nhiều bài học nhân văn.

Vụ việc ở xã Văn Bán khép lại không bằng biên bản cưỡng chế, mà bằng sự sẻ chia và thấu hiểu.
Ngôi nhà của bà Hà Thị Lâm ở xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ nằm trong diện phải cưỡng chế theo một bản án có hiệu lực từ năm 2007.
Theo đó, bà Lâm – người phải thi hành án, buộc phải trả lại mảnh đất cho ông Hán Văn Sương, người được thi hành án. Đây là vụ việc tranh chấp dân sự, tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế lại kéo dài suốt hơn một thập kỷ với nhiều khúc mắc về con người, tình cảm và cả những ràng buộc xã hội.
Bà Lâm là một phụ nữ neo đơn, sức khỏe yếu, lại mắc bệnh tim. Căn nhà nhỏ ấy là nơi bà đã sống nhiều năm, là chốn nương thân duy nhất giữa tuổi già. Còn ông Sương – người được thi hành án, có quyền hợp pháp với mảnh đất. Nhưng giữa quyền và tình, giữa lý lẽ và cảm xúc, không dễ để tìm được một cách giải quyết thấu đáo.
“Lúc đầu, ai cũng nghĩ việc này có thể cưỡng chế dứt điểm trong vài tháng. Nhưng rồi khi đối mặt với thực tế, chúng tôi mới thấy: nếu dùng biện pháp cưỡng chế, hậu quả có thể rất lớn, không chỉ về mặt pháp lý mà còn về nhân đạo” – ông Nguyễn Quang Ngọc, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lâm Thao nhớ lại.
Thực tế, việc cưỡng chế hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, khi đối tượng thi hành án là người già yếu, mang bệnh, cán bộ thi hành án buộc phải tính đến mọi hệ lụy. “Chúng tôi lo rằng nếu tiến hành cưỡng chế, bà Lâm có thể không chịu nổi. Lúc đó, trách nhiệm không chỉ là pháp luật nữa mà là lương tâm nghề nghiệp” – ông Ngọc trăn trở.
Trong suốt 12 năm, vụ việc liên tục được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc họp. Chính quyền xã Văn Bán, UBND huyện, cơ quan thi hành án, tòa án… đã phối hợp chặt chẽ, với mục tiêu cao nhất là: không để xảy ra cưỡng chế nếu còn hy vọng hòa giải. Vận động, giải thích, thuyết phục, kiên nhẫn từng bước một… có thời điểm tưởng như bế tắc.
“Họp lên họp xuống. Có những buổi ngồi cả tiếng đồng hồ chỉ để bàn một câu: bà Lâm có đồng ý di dời hay không? Nhưng rồi lại thất vọng vì bà vẫn sợ, vẫn hoang mang và thiếu tin tưởng” – một cán bộ xã Văn Bán nhớ lại.
Chính quyền địa phương đã từng bước vào cuộc, hỗ trợ tìm kiếm phương án bố trí cho bà Lâm một mảnh đất khác sau khi thi hành án. Tuy nhiên, tâm lý người già neo đơn, lại thiếu hiểu biết pháp luật, khiến bà lo sợ và từ chối nhiều lần. Mỗi lần vận động không thành, là thêm một lần cán bộ rời đi trong nặng lòng.
Điều bất ngờ và đáng quý là sau nhiều năm kiên trì vận động, chính người được thi hành án, ông Hán Văn Sương, đã chấp nhận đề nghị đổi đất: tiếp nhận phần đất dự kiến dành cho bà Lâm, và đồng ý để bà tiếp tục ở lại trong ngôi nhà cũ, cũng chính là mảnh đất ban đầu thuộc về ông.
Giải pháp tưởng như không thể ấy, cuối cùng đã kết thúc một vụ việc kéo dài hơn một thập kỷ. Kết quả lớn nhất không phải là thi hành án xong… mà là không ai phải rời nhà, không ai tổn thương
Ông Ngọc chia sẻ: “Cưỡng chế có thể là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất về mặt thời gian. Nhưng với người làm công tác thi hành án, cái khó không chỉ nằm ở luật – mà nằm ở con người. Làm sao để vừa đảm bảo bản án được thực thi, vừa giữ được sự ổn định xã hội, đặc biệt là không để lại những hậu quả nặng nề cho người dân – đó mới là bài toán khó.”
Vụ việc ở xã Văn Bán khép lại không bằng biên bản cưỡng chế, mà bằng sự sẻ chia và thấu hiểu. Người được thi hành án đồng thuận, người phải thi hành án được an cư, còn cán bộ thi hành án và chính quyền địa phương thì nhẹ lòng vì đã giúp một câu chuyện đầy mâu thuẫn khép lại trong yên ấm.
Đó không chỉ là một bài học nghề nghiệp, mà còn là một thông điệp sâu sắc: thi hành án dân sự, nếu làm đúng, sẽ không chỉ thi hành pháp luật – mà còn thi hành cả sự công bằng, lòng nhân và niềm tin vào lẽ phải.