Một xã ở Cà Mau đối diện với sạt lở bất thường

Mỗi mùa mưa bão, tình hình sạt lở bờ sông tại tỉnh Cà Mau lại diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân.

Một cây cầu bắc qua sông trên địa bàn xã Thanh Tùng bị biến dạng do một đầu bị sạt lở.

Một cây cầu bắc qua sông trên địa bàn xã Thanh Tùng bị biến dạng do một đầu bị sạt lở.

Trong bối cảnh đó, xã Thanh Tùng mới (hợp nhất từ xã Thanh Tùng và xã Ngọc Chánh thuộc huyện Đầm Dơi cũ) nổi lên như một trong những "điểm nóng" về sạt lở của tỉnh. Đáng chú ý, sạt lở không chỉ tác động đến đời sống người dân mà còn đang đe dọa một di tích lịch sử cấp tỉnh nằm tại địa bàn.

Sạt lở bất thường và những thiệt hại khó lường

Chỉ tính từ đầu năm 2025 đến nay, xã Thanh Tùng đã hứng chịu 23 vụ sạt lở, gây thiệt hại về tài sản và hạ tầng giao thông, với ước tính gần 1,7 tỷ đồng. Các vụ sạt lở đã làm hư hỏng 11 căn nhà, 8 đoạn đường giao thông, một cây cầu nông thôn và một công trình di tích lịch sử cấp tỉnh. Trước tình hình cấp bách, chính quyền xã đã chi hơn 460 triệu đồng để thực hiện các biện pháp gia cố và khắc phục tạm thời tại các điểm sạt lở.

Một trong những vụ việc nghiêm trọng gần đây là sự cố sạt lở trên tuyến đường Kênh Mới tại ấp Thanh Tùng. Đoạn đường bê tông rộng 3m, dài 1,2 km được xây dựng với kinh phí 1,8 tỷ đồng và mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 6 năm 2025.Vào rạng sáng ngày 17/7, một đoạn đường dài 30m đã bất ngờ sạt lở xuống sông trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương.

Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Khê và bà Trần Thị Đẹt, sự việc như một cú sốc lớn. Niềm vui ngắn ngủi khi có con đường mới đi ngang nhà đã vụt tắt, thay vào đó là cảnh tượng tan hoang và nỗi lo kinh tế ập đến. Vụ sạt lở không chỉ cuốn trôi con đường mà còn phá hỏng chiếc cống xổ tôm của gia đình, ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Quang, (53 tuổi) con trai ông Khê cho biết đã sinh sống ổn định trên mảnh đất này qua nhiều thế hệ. Ông Quang khẳng định khu vực này có nền đất chắc chắn, không hề có dấu hiệu sạt lở; trong quá trình thi công đường, lòng sông cũng không bị tác động. Giờ đây, mong muốn lớn nhất của gia đình là được hỗ trợ xây dựng lại cống xổ tôm để có thể ổn định cuộc sống.

Một đoạn đường bê tông trên tuyến Kênh Mới thuộc ấp Thanh Tùng bị sạt lở.

Một đoạn đường bê tông trên tuyến Kênh Mới thuộc ấp Thanh Tùng bị sạt lở.

Giải thích về việc chưa thể khắc phục tuyến đường ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Tùng Mai Việt Triều cho biết, do thời tiết vẫn còn mưa nhiều và kết cấu đất tại khu vực vừa sạt lở không ổn định, chính quyền địa phương chủ trương chờ một thời gian để nền đất ổn định trở lại mới tiến hành xây dựng lộ mới. Hiện tại, để đảm bảo việc đi lại, xã đã dùng đá và ván gỗ để làm lối đi tạm cho người đi bộ. Người dân muốn di chuyển bằng xe máy có thể đi vòng qua một tuyến đường khác ở bên kia sông.

Tình trạng sạt lở trên địa bàn càng trở nên khó lường hơn do những yếu tố bất thường trong mùa mưa. Vụ sạt lở trên tuyến Kênh Mới là một minh chứng điển hình, khi nó xảy ra tại một khu vực có nền đất được cho là chắc chắn và không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Sự kết hợp giữa các yếu tố tiềm ẩn và tác động của thời tiết cực đoan khiến việc dự báo chính xác các điểm có nguy cơ sạt lở trở nên vô cùng khó khăn, đẩy người dân vào thế bị động trước thiên tai.

Trước đó, vào giữa tháng 6/2025, một vụ sạt lở nghiêm trọng khác đã xảy ra tại khu vực miếu Bà Thủy Long (thuộc ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng), một di tích lịch sử cấp tỉnh. Vụ việc tạo ra một đoạn sạt lở dài 55m, ăn sâu vào bờ 15m.

Sự cố đã làm hư hỏng 36m của công trình bờ kè chống sạt lở vừa mới được xây dựng và làm sập hoàn toàn 300m² sân miếu, ước tính thiệt hại hơn 750 triệu đồng. Đáng chú ý, công trình bờ kè này có chiều dài 90m với tổng mức đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân xã Thanh Tùng cũ làm chủ đầu tư, đã được nghiệm thu sơ bộ và đang chuẩn bị đưa vào sử dụng chính thức. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng hoàn thành, hơn 1/3 chiều dài bờ kè đã bị sạt lở.

Theo đánh giá của địa phương, nguyên nhân sạt lở là do địa hình thủy văn phức tạp, nền sân yếu, kết hợp với vị trí ngã ba sông có dòng nước chảy xiết và tác động của mưa lớn, triều cường.

Dấu tích một vụ sạt lở gây ảnh hưởng đến đường giao thông và tài sản người dân, chính quyền đã bắc cầu tạm để người dân khu vực lưu thông qua lại.

Dấu tích một vụ sạt lở gây ảnh hưởng đến đường giao thông và tài sản người dân, chính quyền đã bắc cầu tạm để người dân khu vực lưu thông qua lại.

Sau vụ sạt lở, nhiều vết nứt đã xuất hiện gần nền khu Chánh điện, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của tòa miếu. Để ứng phó khẩn cấp, chính quyền đã cho đóng cừ tràm xung quanh chân miếu để gia cố, hạn chế nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến khu chánh điện. Hiện tại, chính quyền đã đặt biển cảnh báo để hạn chế người dân ra vào khu vực nguy hiểm.

Chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân

Theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, địa bàn xã Thanh Tùng hiện vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông nông thôn. Cụ thể, tuyến đường ven sông đi qua các ấp Phú Hiệp, Thanh Tùng và Hiệp Hòa Tây đang bị uy hiếp nghiêm trọng. Nhiều đoạn sạt lở đã ăn sâu vào chân lộ, làm kết cấu nền đất trở nên yếu và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Đặc biệt, một cây cầu tại ấp Thanh Tùng cũng trong tình trạng báo động khi sạt lở đã làm biến dạng một bên trụ cầu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và gây chia cắt giao thông.

Trước tình hình sạt lở phức tạp, chính quyền xã Thanh Tùng khẳng định đang chủ động và linh hoạt trong các phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người dân. Trao đổi với phóng viên, ông Mai Việt Triều, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, cho biết chính quyền luôn thấu hiểu và chia sẻ sâu sắc với những khó khăn của người dân.

Ông Triều nhấn mạnh, sau khi hợp nhất, việc phân bổ ngân sách đã ổn định, cho phép xã chủ động hơn trong việc sử dụng kinh phí để ứng phó khẩn cấp với các sự cố. Tinh thần chủ động này còn được thể hiện qua sự chung tay, hỗ trợ kịp thời của các cấp hội, đoàn thể cùng các lực lượng tại địa phương sau mỗi vụ việc. Lãnh đạo xã cam kết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, cân nhắc các giải pháp phù hợp nhất với thực tế để đưa ra những phương án ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Theo thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 50 vụ sạt lở đất ven sông với tổng chiều dài hơn 1,3 km, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và hạ tầng, tổng thiệt hại ước tính hơn 16 tỷ đồng.

Hiện trường vụ sạt lở quanh miếu Bà Thủy Long (ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng), chính quyền đã đặt biển cảnh báo để hạn chế người dân ra vào khu vực.

Hiện trường vụ sạt lở quanh miếu Bà Thủy Long (ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng), chính quyền đã đặt biển cảnh báo để hạn chế người dân ra vào khu vực.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương hành động. Cụ thể, các đơn vị được yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để rà soát, khoanh vùng các khu vực sạt lở, thiết lập hành lang an toàn và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến. Song song đó, toàn bộ hệ thống công trình giao thông trong tỉnh cũng sẽ được rà soát để kịp thời phát hiện, cảnh báo các vị trí có nguy cơ nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người dân.

Bài, ảnh: Trung Kiên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/mot-xa-o-ca-mau-doi-dien-voi-sat-lo-bat-thuong-20250723130303856.htm