Môtô ngày càng được trang bị nhiều công nghệ hiện đại hơn

Các mẫu môtô đầu bảng hiện nay được trang bị khá nhiều công nghệ hỗ trợ, mang lại trải nghiệm an toàn nhất cho người lái.

Không chỉ ôtô, các hãng môtô dần quan tâm đến sự an toàn cho người lái trong nhiều năm qua. Những chiếc môtô không chỉ đơn thuần cạnh tranh về kiểu dáng hay sức mạnh động cơ, tính năng hỗ trợ an toàn là yếu tố đang được “chạy đua” hiện nay. Thậm chí, một vài công nghệ hỗ trợ còn được thửa từ ôtô tiền tỷ.

Hãy cùng tìm hiểu những công nghệ hỗ trợ hiện đại đang được trang bị cho các mẫu môtô tại Việt Nam.

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS - Anti-lock Braking System

Phanh ABS là trang bị gần như mặc định trên mọi phân khúc môtô, thậm chí là xe phổ thông. Do đó, nếu mẫu môtô nào ra mắt mà không có ABS thì mất rất nhiều tính cạnh tranh.

 Phanh ABS là trang bị phổ biến nhất trên các dòng xe 2 bánh hiện nay. Ảnh: Thượng Tâm.

Phanh ABS là trang bị phổ biến nhất trên các dòng xe 2 bánh hiện nay. Ảnh: Thượng Tâm.

Với môtô, phanh ABS xuất hiện đầu tiên trên chiếc Royal Enfield Super Meteor ở cuối thập niên 1950. Khi đó, công nghệ này còn khá thô sơ và chỉ mang tính thử nghiệm. Phải đến năm 1988, phanh ABS điện tử được ứng dụng nhiều hơn trên các mẫu môtô. Tại Việt Nam, các mẫu môtô có phanh ABS trở nên phổ biến từ sau năm 2010.

Nguyên lý hoạt động của phanh ABS khá đơn giản như chính tên gọi là chống bó cứng phanh. Khi phanh gấp, hệ thống ABS ngăn cản việc piston kẹp chặt đĩa phanh dù người lái đang siết phanh. Thay vào đó, hệ thống nhấp nhả má phanh liên tục nhờ vào các cảm biến gắn trên đĩa phanh giúp bánh xe không bị khóa chặt và trượt trên mặt đường.

Hệ thống ABS bao gồm 3 bộ phận chính: Mắt đọc gắn trên đĩa phanh, bộ điều chỉnh áp lực thắng và bộ điều khiển trung tâm (ECU). Để các mắt đọc làm việc hiệu quả, xe có thêm vòng xung với các khe hở lắp ở phía trong của đĩa phanh. Đây cũng là chi tiết để nhận biết xe có phanh ABS hay không.

Hệ thống sang số nhanh - Quick Shifter

Tương tự phanh ABS, hệ thống hỗ trợ sang số nhanh cũng dần trở nên phổ biến trên các mẫu môtô. Mỗi lần sang số, tổ hợp các thao tác nhả ga, bóp côn, lên xuống cần số tiêu tốn thời gian khoảng 1 giây. Hệ thống sang số nhanh sẽ giúp người lái tiết kiệm một nửa thời gian cũng như bỏ qua giai đoạn bóp côn.

 Hệ thống sang số nhanh giúp người lái tiết kiệm thời gian chuyển số cũng như lược bỏ nhiều thao tác. Ảnh: Thượng Tâm.

Hệ thống sang số nhanh giúp người lái tiết kiệm thời gian chuyển số cũng như lược bỏ nhiều thao tác. Ảnh: Thượng Tâm.

Hệ thống này gồm một cảm biến được gắn trên cần số nối với ECU. Khi phát hiện ra có tác động vào cần số, cảm biến sẽ truyền tín hiệu về ECU và hệ thống sẽ ngưng đánh lửa động cơ trong 0,015 giây để việc chuyển số dễ dàng hơn. Loại bỏ được thao tác bóp/nhả côn và giảm ga giúp xe vận hành mượt mà hơn.

Hệ thống kiểm soát độ bám đường - Traction Control System

Mang trên mình cỗ máy mạnh mẽ, môtô thường gặp tình trạng xoáy bánh sau khi vặn ga nhanh. Khi bánh sau bị mất đi độ bám đường, nó sẽ quay nhanh hơn bánh trước và dẫn đến tình trạng xe bị quăng đuôi. Tình trạng này sẽ cực kỳ nguy hiểm khi xảy ra trên đoạn đường cong, cua.

 Hệ thống Dynamic Traction Control trên BMW S 1000 RR có nhiều chế độ tùy chỉnh. Ảnh: Thượng Tâm.

Hệ thống Dynamic Traction Control trên BMW S 1000 RR có nhiều chế độ tùy chỉnh. Ảnh: Thượng Tâm.

Hệ thống Traction Control được sinh ra để giải quyết vấn đề này. Cơ bản, hệ thống này sẽ can thiệp và làm giảm công suất truyền đến bánh sau, qua đó giúp bánh sau không quay quá nhanh so với bánh trước. TCS trở nên hữu ích hơn khi cầm lái chiếc xe quá mạnh đi trên đường ướt - nơi mà bánh xe thường xuyên mất độ bám đường.

Về nguyên lý hoạt động, TCS sẽ nhận dữ liệu về vòng quay bánh xe, bướm ga, tốc độ thông qua các cảm biến và xử lý thông tin. Nếu phát hiện bánh xe bị mất độ bám vào mặt đường, ECU sẽ ra lệnh để điều chỉnh công suất động cơ.

Để giảm công suất truyền đến bánh sau, các hãng có cách can thiệp riêng. Hiện nay, có 3 phương pháp can thiệp chính là làm chậm quá trình đánh lửa, ngắt đánh lửa trong xy-lanh và điều chỉnh bướm ga điện tử.

Vì công dụng hạn chế xoáy bánh sau, hệ thống kiểm soát độ bám đường thường được trang bị cho xe trên 600 cc.

Công nghệ chống bốc đầu - Anti Wheelie Control

Bốc đầu và đi chỉ bằng bánh sau là kỹ năng mà nhiều tay chơi môtô muốn rèn luyện. Với những mẫu xe mạnh như hiện nay, việc bốc đầu trở nên dễ dàng hơn với vài thao tác đơn giản của côn và ga. Việc chiếc xe 1.000 cc nhấc bánh trước khỏi mặt đất dễ gây mất kiểm soát xe với người cầm lái.

 Nhiều mẫu xe của Ducati được trang bị tính năng chống bốc đầu. Ảnh: Thượng Tâm.

Nhiều mẫu xe của Ducati được trang bị tính năng chống bốc đầu. Ảnh: Thượng Tâm.

Công nghệ chống bốc đầu không thực sự thông dụng như các công nghệ kể trên. Hệ thống này được trang bị chủ yếu trên các dòng xe superbike đầu bảng, có sức mạnh và mô-men xoắn cao như Yamaha R1, BMW S 1000 RR, Ducati Panigale V4, Kawasaki ZX-10R, Honda CBR1000RR-R…

Nhiệm vụ chính của hệ thống này là giúp bánh trước của xe không bị nhấc lên khỏi mặt đường khi tăng tốc đột ngột. Hệ thống gồm 3 bộ phận chính gồm cảm biến tốc độ ở 2 bánh xe, cảm biến độ giãn của giảm xóc trước và cảm biến trọng tâm xe.

Khi 3 cảm biến phát hiện xe có dấu hiện bị nhấc bánh trước như vòng quay giữa 2 bánh không đều, giảm xóc trước nhẹ hơn và trọng tâm dồn về sau, sẽ thông báo về ECU xử lý và ngắt tạm thời động cơ cho đến khi bánh trước có độ bám đường trở lại.

Về sau, các hãng xe tích hợp công nghệ chống bốc đầu làm tính năng phụ trong gói hỗ trợ tăng tốc (Launch Control).

Dù hiện đại đến đâu, các công nghệ này chỉ dừng ở mức hỗ trợ, không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lái. Do đó, các biker cần lái xe một cách an toàn nhất có thể, tuân thủ tốc độ, hướng dẫn trên đường chứ không nên phó mặc tất cả cho các hệ thống hỗ trợ.

Bên cạnh đó, chủ xe có thể tập luyện kỹ năng lái xe an toàn để chủ động xử lý tình huống nguy hiểm xảy ra trên đường.

Minh Quân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moto-ngay-cang-duoc-trang-bi-nhieu-cong-nghe-hien-dai-hon-post1409897.html