MTTQ là mái nhà chung để các tôn giáo cùng phát triển
Nhà nước luôn tạo điều kiện để người Việt Nam được tự do sinh hoạt và hoạt động tôn giáo theo pháp luật, khuyến khích các tôn giáo tham gia đóng góp vào các hoạt động chung của xã hội, đoàn kết xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Ảnh: VGP/Hoàng Long
Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận được tổ chức vào chiều 4/9 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trong năm 2015, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức các đoàn tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, các giới trong đó có các tôn giáo cả nước để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
“Ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 cũng đã khẳng định lại điều này, không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo”, Chủ tịch MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam chủ trương phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường...
Đến nay, đóng góp của các tổ chức tôn giáo đối với các lĩnh vực này là hết sức quan trọng. Đơn cử, trong lĩnh vực giáo dục, đến nay cả nước có 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập, chiếm 15,6% so với số trường mầm non ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc.
Trong lĩnh vực y tế, tính đến nay các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã mở được 185 cơ sở khám chữa bệnh. Trong 3 năm (2011-2014), tổng số lượt người được khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo của các tôn giáo là trên 1,4 triệu lượt.
Đặc biệt, trong hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề, đến nay trên cả nước có 402 cơ sở bảo trợ xã hội trong đó có 233 cơ sở ngoài công lập (đa số của các tổ chức, cá nhân các tôn giáo), thực hiện việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 41.000 đối tượng, trong đó có 11.365 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi.
Ngoài các đóng góp trên, các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động từ thiện xã hội khác, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

Ảnh: VGP/Hoàng Long
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Việt Nam đã có Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, có Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Quốc hội đang xây dựng dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo kế hoạch, tháng 10/2015 dự thảo luật sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận phiên đầu tiên, dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối năm 2016. Một trong những nội dung chính của buổi tiếp xúc giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức tôn giáo là ghi nhận ý kiến về dự án luật này.
Theo lời Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, buổi tiếp xúc là dịp “để chúng ta lắng nghe nhau”.
“Các tôn giáo đều sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhà nước luôn tạo điều kiện để người Việt Nam được tự do sinh hoạt và hoạt động tôn giáo theo pháp luật, khuyến khích các tôn giáo tham gia đóng góp vào các hoạt động chung của xã hội, đoàn kết xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo”, người đứng đầu MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chức sắc tôn giáo để tổng hợp, gửi ban soạn thảo dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo bày tỏ hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc của Đoàn Chủ tịch với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, để cùng lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của các tôn giáo. Với cách làm này, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp cần triển khai, duy trì thường xuyên việc tiếp xúc theo định kỳ từ 3 đến 6 tháng/lần.
Góp ý dự án Luật đang được soạn thảo, hầu hết các ý kiến đều ghi nhận dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lần này có nhiều nội dung mới, cởi mở hơn và quy định rõ hơn so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành.
Dự thảo Luật đã nhìn nhận, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người, quyền con người chứ không bó hẹp trong phạm vi quyền công dân. Dự thảo Luật đã nhìn nhận về vai trò của các "tổ chức tôn giáo" trong việc tham gia xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội... và quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như vai trò của tổ chức tôn giáo Việt Nam trong việc suy cử chức sắc và công nhận tổ chức tôn giáo trực thuộc ở nước ngoài...
Theo Chinhphu.vn
Theo
Link gốc: