Mù Cang Chải đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về xuất khẩu lao động
Huyện sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên là những người đã đi lao động xuất khẩu (LĐXK) hoặc người thân của những người đang làm việc tại nước ngoài; xây dựng, duy trì chuyên mục 'Thanh niên tham gia XKLĐ' bằng nhiều thứ tiếng; biên soạn tài liệu tuyên truyền; thành lập các tổ tuyên truyền, vận động và các câu lạc bộ, nhóm Zalo những gia đình có người thân đi XKLĐ để chia sẻ thông tin, lan tỏa hiệu quả chính sách.
Thực hiện Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024-2030; Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 27/8/2024 của UBND tỉnh Yên Bái về triển khai thực hiện Đề án, UBND huyện Mù Cang Chải chủ động triển khai ban hành các văn bản, kế hoạnh thực hiện Đề án đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030.
Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện; tổ chức rà soát, xác định nhu cầu xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại các xã, thị trấn; tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn XKLĐ, đào tạo nghề gắn với đào tạo ngoại ngữ và tổ chức các hoạt động hỗ trợ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, qua các hội nghị tư vấn, phát tờ rơi, tờ gấp… tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách của tỉnh về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với hình thức phù hợp từng nhóm đối tượng; đưa nội dung XKLĐ vào chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT…
Đồng thời, sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên là những lao động đã đi XKLĐ, hoặc người thân của những người đang làm việc tại nước ngoài; xây dựng, duy trì chuyên mục "Thanh niên tham gia XKLĐ” bằng nhiều thứ tiếng phát sóng trên hệ thống thông tin và trang thông tin điện tử của huyện; biên soạn tài liệu thông tin, tuyên truyền; thành lập các tổ tuyên truyền, vận động về XKLĐ ở các xã, thị trấn. Đồng thời kết nối, thành lập các câu lạc bộ, nhóm Zalo những gia đình có người thân đi XKLĐ để chia sẻ thông tin, lan tỏa hiệu quả các chính sách, gây quỹ câu lạc bộ và hỗ trợ lao động tham gia XKLĐ…
Trong năm 2024, huyện Mù Cang Chải đã mở được 11 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với 325 học viên. Công tác đào tạo nghề được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.338/1.300 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,4% (trong đó, qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 25%); số lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là 450/400 người; tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp đạt 21,96%; tuyển sinh đào tạo nghề 1.045/1.000 người.
Huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Yên Bái tổ chức 8 hội nghị việc làm tại Trường THPT huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trường THPT Púng Luông và một số xã cho hơn 270 lao động.
Hết tháng 11/2024, huyện Mù Cang Chải có 14 lao động đi XKLĐ, chủ yếu tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anggola.Dù vậy, quá trình triển khai phối hợp tuyên truyền, vận động NLĐ tham gia học nghề đi XKLĐ của huyện còn gặp nhiều khó khăn như: công tác phối hợp với các xã, thị trấn trong việc rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề và mở các lớp dạy nghề còn chậm; kinh phí hỗ trợ cho NLĐ tham gia học nghề còn thấp, chưa đủ sức thu hút lao động; lao động có tâm lý ngại học ngoại ngữ, sợ vay vốn để học xong không trúng tuyển nên nhiều lao động chưa mạnh dạn đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc đòi hỏi cao về chất lượng lao động, số lượng tuyển dụng hạn chế nên NLĐ có trình độ thấp khó đáp ứng được các điều kiện; NLĐ còn có tâm lý ngại đi xa làm việc, chỉ mong muốn làm gần nhà hay lao động thời vụ để được gần gia đình...
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục làm tốt công tác điều tra, khảo sát lao động địa phương nhất là lao động ở các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có nhu cầu tham gia học nghề và đi làm việc ở nước ngoài; dẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác đào tạo nghề và đưa lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh, đến trực tiếp từng đối tượng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, tổ chức các hội nghị tư vấn, sàn giao dịch lao động việc làm, chọn đơn hàng có thu nhập cao, ổn định; tăng cường liên kết đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm bền vững, góp phần giảm nghèo cho người dân địa phương.