Mù mắt sau tiêm filler, ca cứu được mỗi năm 'chỉ đếm trên đầu ngón tay'
Trên thế giới mỗi năm xảy ra hàng trăm ca tai biến mù mắt sau tiêm filler tại spa, những ca có thể nhìn thấy ánh sáng 'chỉ đếm trên đầu ngón tay'.
Chỉ trong một tháng gần đây, Khoa Phẫu thuật hàm mặt - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp tai biến sau tiêm filler nâng mũi tại các cơ sở spa, thẩm mỹ chui, tiệm cắt tóc,... Trường hợp nhẹ thì bị hoại tử da, bầm tím xung quanh mắt; các ca nặng hơn đã có dấu hiệu hôn mê, liệt; mù mắt trái hoàn toàn, co giật.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - Tạo hình thẩm mỹ chia sẻ, các ca tai biến do tiêm filler, botox trái phép ngày càng có xu hướng lan rộng. Nếu như giai đoạn trước, bệnh nhân chủ yếu là phụ nữ trẻ chỉ từ 19-22 tuổi, chưa có điều kiện kinh tế, vì ham rẻ nên lựa chọn cơ sở spa không được cấp phép, thậm chí đưa nhau về nhà tự tiêm thì tới nay đã có rất nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi 45-50, có điều kiện kinh tế. Họ đều tâm sự, đến spa do được người quen giới thiệu, “nghe nói nhiều người đã tiêm nhưng không sao nên tin tưởng”.
Ca bệnh nặng nhất bác sĩ Hà và các đồng nghiệp điều trị gần đây là một phụ nữ 47 tuổi ở Hà Nội.
Theo chia sẻ của người bệnh, 10h sáng ngày 2/4, chị tiêm filler nâng mũi tại một spa của người quen. Sau tiêm khoảng 10-15 phút, khi nhân viên spa đang tiến hành nắn chỉnh lại mũi, bệnh nhân đột ngột xuất hiện triệu chứng nóng toàn bộ đầu, hoa mắt, chóng mặt, co giật, mắt bên trái mất thị lực hoàn toàn.
Nhân viên spa ngay lập tức tiêm một loại thuốc giải đã chuẩn bị sẵn nhưng không hiệu quả. Người phụ nữ sau đó được đưa lên bệnh viện tuyến huyện cấp cứu, chuyển tuyến lên bệnh viện TP, cuối cùng chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
“Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân sau khoảng 3,5 tiếng kể từ thời điểm bắt đầu được tiêm filler. Lúc này, mắt trái người bệnh đã mất thị lực, đồng tử giãn toàn bộ, sưng huyết phù nề; toàn bộ vùng mũi và trán bị tím, thâm đen; có dấu hiệu đau đầu và cơn co giật. Ngoài triệu chứng tại chỗ rất nặng, bệnh nhân cũng có triệu chứng nghi ngờ toàn thân, gợi ý tình trạng tắc động mạch não cấp tính và các động mạch cấp máu cho da vùng mũi, trán; theo dõi nghi ngờ tắc các mạch bên trong não”, PGS Hà thông tin.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà thăm khám cho nữ bệnh nhân 47 tuổi - Ảnh: Quỳnh Anh
Các bác sĩ xác định, đây là cấp cứu tối khẩn cấp, cần chạy đua với thời gian để hy vọng cấp cứu tối đa cho người bệnh. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã huy động đội ngũ bác sĩ tạo hình, các bác sĩ trung tâm đột quỵ, bác sĩ chuyên về thông tắc mạch và nhờ đội ngũ y bác sĩ từ Bệnh viện Mắt trung ương hỗ trợ điều trị, chuẩn bị phương tiện hồi sức cấp cứu sớm nhất.
Đến ngày thứ 10 sau can thiệp, bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp được, chỉ còn đau đầu, không bị liệt tay chân. Toàn bộ vùng da ở trán và mũi trước đó có dấu hiệu hoại tử, bầm tím và thâm đen thì ới nay chỉ còn lốm đốm vài nốt thâm đen, đường kính 1cm. Các tổ chức của hốc mắt, các cơ vận động nhãn cầu không có dấu hiệu hoại tử tăng thêm.
Đặc biệt, mắt trái từ mất thị lực hoàn toàn, chỉ thấy màu đen kịt đến nay khi chiếu đèn cũng đã phân biệt được chỗ có ánh sáng. Đây là dấu hiệu cho thấy các tế bào thần kinh chưa chết hoàn toàn. Tuy nhiên, theo PGS Hà, tiên lượng hồi phục thị lực cho bệnh nhân tương đối dè dặt.
“Trường hợp này sau khi bị tai biến đã tự tiêm thuốc giải ở nhà, sau đó chuyển qua nhiều cơ sở y tế mới đến Bệnh viện Việt Đức, thời gian vàng để cấp cứu đã qua đi. Hơn nữa, chất filler bệnh nhân đã tiêm lại không rõ nguồn gốc xuất xứ nên khi tiêm thuốc giải, rất khó để khẳng định chắc chắn filler gây tắc mạch có thể tan hết hay không”, PGS cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, mù mắt là một trong những biến chứng nặng nhất của tiêm filler. Việc tiêm các chất làm đầy phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, có chuyên môn phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Họ biết được vị trí giải phẫu của các mạch máu, của hệ thần kinh nên khi tiêm sẽ tránh được việc làm tổn thương các thành phần quan trọng này.
PGS Hà quan sát phim chụp của 1 ca bệnh bị biến chứng mù mắt sau tiêm filler nâng mũi tại spa - Ảnh: Quỳnh Anh
Với nhân viên các spa, quán cắt tóc, cơ sở thẩm mỹ chui - những người không có chuyên môn, kinh nghiệm sẽ rất dễ tiêm chất filler vào các mạch máu, có thể đi thẳng vào trong não hoặc đi lên động mạch mắt. Nặng nhất, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng nhồi máu não dẫn đến hôn mê, liệt tay chân hoặc gặp biến chứng không kém phần nguy hiểm khác là tắc động mạch mắt, gây mù vĩnh viễn.
PGS Hà thông tin, trên thế giới mỗi năm có hàng trăm ca bệnh tai biến mù mắt sau tiêm filler tại các cơ sở không được cấp phép. Những ca cứu được, có thể nhìn thấy ánh sáng “chỉ đếm trên đầu ngón tay”, còn hồi phục thị lực, đọc viết được thì trước nay chỉ có 4 bệnh nhân.
Bác sĩ khuyến cáo người dân có nhu cầu tiêm filler làm đẹp nên tới cơ sở chuyên khoa, được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép; người thực hiện tiêm phải là bác sĩ, được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ. Các chất làm đầy tiêm vào cơ thể cũng cần đảm bảo đạt chuẩn chất lượng; không nên mua hàng trôi nổi về tự tiêm.
Trường hợp không may xảy ra tai biến sau tiêm filler, cần ngay lập tức đến cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa để triển khai cấp cứu đa chuyên khoa và hồi sức trong thời gian nhanh nhất có thể. Nếu được cấp cứu sớm, bệnh nhân sẽ được tăng thêm hy vọng hồi phục.