MU thua toàn diện khi Rashford tới Barcelona
Marcus Rashford cập bến Barcelona theo dạng cho mượn kèm điều khoản mua đứt 26 triệu bảng, nhưng thương vụ này khiến Man United đứng trước nguy cơ 'mất cả chì lẫn chài' nếu tiền đạo người Anh tỏa sáng ở Camp Nou.

Marcus Rashford cập bến Barcelona theo dạng cho mượn kèm điều khoản mua đứt 26 triệu bảng.
Chỉ hai năm trước, Marcus Rashford vẫn được xem là “viên ngọc” của Manchester United, với giá trị ước tính lên tới 100 triệu bảng. Mùa giải 2022/23, tiền đạo người Anh ghi tới 34 bàn cho cả câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, chạm đến đỉnh cao sự nghiệp.
Khi đó, không ít người tại Old Trafford đã nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để bán Rashford nhằm thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng thay vì “bán đỉnh”, Man United quyết định trao cho anh bản hợp đồng 5 năm với mức lương 325.000 bảng/tuần. Hai năm sau, Rashford lại bị đẩy khỏi Old Trafford, trong bối cảnh phong độ và giá trị của anh lao dốc.
Bài toán khó cho Man United
Việc để Rashford sang Barcelona theo dạng cho mượn mùa này không giống một quyết định chủ động, mà là cách để Man United tháo bớt một gánh nặng tài chính. Đúng là họ sẽ tiết kiệm được 12,75 triệu bảng tiền lương khi Barca đồng ý gánh toàn bộ mức lương khủng của cầu thủ 27 tuổi, nhưng việc không thu về một khoản phí chuyển nhượng vẫn khiến thương vụ này giống như một thất bại về mặt kinh tế.
Barcelona gần như không chịu rủi ro: nếu Rashford không hòa nhập, họ chỉ việc trả anh về; còn nếu anh tỏa sáng, quyền mua đứt với mức giá 30 triệu euro (khoảng 26 triệu bảng) sẽ là một “món hời” hiếm có trên thị trường. Trong cả hai trường hợp, Man United đều ở thế bất lợi: hoặc phải nhìn cầu thủ của mình hồi sinh trong màu áo đội bóng khác, hoặc đón về một “tài sản” đang mất giá trị.
Điều này càng đáng nói hơn khi Rashford bước vào mùa giải với động lực cực lớn - World Cup 2026 đang ở ngay trước mắt. Một màn trình diễn ấn tượng tại Barcelona có thể giúp anh không chỉ cứu vãn sự nghiệp mà còn củng cố vị trí trong đội hình tuyển Anh dưới thời Thomas Tuchel.

Rashford từng bị đẩy sang Aston Villa theo dạng cho mượn.
Rashford chỉ được thi đấu 6 trận dưới thời Ruben Amorim trước khi bị gạt khỏi kế hoạch và cho Aston Villa mượn hồi tháng 1/2025. Sự cứng rắn của Amorim cho thấy ông không chấp nhận những cầu thủ không phù hợp với triết lý 3-4-2-1 mà mình xây dựng.
Nhưng câu hỏi đặt ra: liệu Man United có quá mạo hiểm khi đặt trọn niềm tin vào một HLV mới đến và chưa chứng minh được nhiều tại Premier League?
Amorim đến Old Trafford với lời hứa sẽ khai thác tối đa tiềm năng của đội hình hiện tại. Thế nhưng, quyết định loại bỏ Rashford, đồng thời tước áo số 10 của anh, khiến giá trị của tiền đạo này tụt dốc nhanh chóng. Điều này buộc CLB phải chi 133,5 triệu bảng để mang về Matheus Cunha và Bryan Mbeumo nhằm tái thiết hàng công, trong khi vẫn còn vô số lỗ hổng ở các tuyến khác.
“Bão thanh lý” và áp lực tài chính
Không chỉ Rashford, Man United còn đang cố gắng “giải phóng” ba cầu thủ chạy cánh khác là Garnacho, Sancho và Antony. Alejandro Garnacho từng được định giá 70 triệu bảng, nhưng hiện tại có thể rời Old Trafford với mức phí chỉ khoảng 40 triệu bảng do đội bóng buộc phải đáp ứng yêu cầu của Amorim.
Sancho - thương vụ 73 triệu bảng từ Dortmund - cũng không còn tương lai và gần như sẽ bị đẩy đi theo dạng cho mượn. Antony, dù có nửa mùa giải khá tốt tại Real Betis, vẫn bị định giá quá cao (85,5 triệu bảng) so với khả năng chi trả của các CLB quan tâm. Nếu Man United không giảm giá hoặc chấp nhận điều khoản mua đứt sau khi cho mượn, việc tìm đầu ra cho cầu thủ này sẽ vô cùng khó khăn.
Tất cả động thái đó cho thấy Man United đánh cược rất lớn vào Amorim và hệ thống chiến thuật của ông. Việc đổ quá nhiều tiền vào những bản hợp đồng mới nhưng vẫn chưa cải thiện được chất lượng đội hình chỉ khiến áp lực với nhà cầm quân người Bồ Đào Nha tăng lên gấp bội.

Bản hợp đồng cho mượn Rashford đến Barcelona giống như một canh bạc đầy rủi ro với Man United.
Nếu nhìn từ góc độ của Rashford, thương vụ này là một cơ hội “đổi đời”. Barcelona - đội bóng vừa giành cú đúp quốc nội và sở hữu lối đá tấn công rực lửa - có thể là môi trường lý tưởng để anh tìm lại cảm hứng. Tại Camp Nou, Rashford sẽ không phải gánh vác quá nhiều áp lực như ở Old Trafford, và chỉ cần một mùa giải bùng nổ, anh có thể vực dậy hoàn toàn sự nghiệp.
Trong khi đó, Man United đứng trước nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”: không thu được phí chuyển nhượng lớn, mất đi một cầu thủ trưởng thành từ học viện và còn có thể bị chỉ trích nếu Rashford tìm lại phong độ đỉnh cao trong màu áo Barca.
Bản hợp đồng cho mượn Rashford đến Barcelona giống như một canh bạc đầy rủi ro với Man United. Họ vừa muốn dọn chỗ cho kế hoạch của Amorim, vừa không thể tìm được một thương vụ bán đứt như mong đợi. Trong khi đó, Rashford - với động lực từ World Cup và một môi trường giàu tính cạnh tranh ở La Liga - có nhiều cơ hội để hồi sinh.
Nếu Rashford tỏa sáng, người hứng chịu chỉ trích đầu tiên sẽ không ai khác ngoài ban lãnh đạo và HLV Amorim, những người đã quyết định “thanh lý” anh quá vội vã. Còn nếu anh tiếp tục mờ nhạt, Man United cũng chẳng thu được lợi ích gì ngoài khoản tiết kiệm lương. Đây chính là một tình thế mà “Quỷ đỏ” gần như không thể chiến thắng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/mu-thua-toan-dien-khi-rashford-toi-barcelona-post1570845.html