Mua 1 đồng USD với giá 50 cent: Tư duy của nhà đầu tư giá trị
Vĩ mô kém thuận lợi đang được nhiều chuyên gia phân tích giải thích cho sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán thời gian qua. Nhưng với những nhà đầu tư theo trường phái giá trị, tiêu biểu là Warren Buffett, vĩ mô xấu lại là cơ hội để mua vào các cổ phiếu tốt với giá rẻ.
Các nhà giao dịch chứng khoán nói chung thường yêu thích và năng động hơn trong thị trường giá lên, giá giảm hoặc đi ngang không phải là “bạn” của những nhà giao dịch này.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư theo trường phái giá trị lại nhìn vào các yếu tố nội tại, cơ bản của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đó. Giá thị trường của cổ phiếu chỉ là một nhân tố quan trọng trong việc ra quyết định giá mua hợp lý cho tầm nhìn dài hạn để có tỷ suất sinh lời tốt hơn với những nhà đầu tư theo trường phái này.
Đi ngược đám đông
Để thấy rõ được tư duy của nhà đầu tư giá trị, thử xét hành động của họ trong hai trạng thái thị trường phổ biến là Bull Market (thị trường con bò, thị trường giá lên) và Bear Market (thị trường con gấu, thị trường giá xuống).
Trạng thái Bear Marrket: Thị trường con gấu thực sự làm giá cổ phiếu giảm rất nhiều và đưa ra cơ hội đầu tư lớn cho chiến lược mua đi ngược lại với tâm lý đám đông. Rất hiếm chọn được một khoản đầu tư thực sự tốt, nhưng rất dễ để phát hiện ra thị trường con gấu.
Khi giới tài chính thông báo rộng rãi ra bên ngoài, tâm lý mọi người trở nên bi quan quá mức và những lời khuyến nghị “hạn chế tham gia, tỷ trọng thấp” liên tục được nhắc tới. Bear market thường xuất hiện sau một thời gian dài thị trường tăng điểm, giá cổ phiếu bị đẩy lên cao, thường được nhắc tới như khái niệm “bong bóng”.
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett tin rằng, nỗi sợ hãi trong giai đoạn điều chỉnh là một cơ hội hoàn hảo cho chiến lược đi ngược đám đông. Ông mua cổ phiếu Coca Cola trong suốt giai đoạn suy thoái năm 1987 và đã gặt hái thành quả lớn từ khoản đầu tư này.
Rất nhiều công ty phải chứng kiến giá cổ phiếu của họ giảm khi trải qua một nền kinh tế ảm đạm, trong khi không có nhân tố nào thực sự nổi bật “ăn mòn” lợi nhuận của các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững trong giai đoạn này. Công ty vẫn tạo ra tài sản dồi dào cho các cổ đông, nhưng trên thị trường, cổ phiếu của công ty ở trong trạng thái “quá bán”. Và Warren Buffett gọi đây là cơ hội “mua đồng 1 USD với giá 50 cents”.
Trạng thái Bull Market: Sau giai đoạn kinh tế suy thoái, ngân hàng trung ương các quốc gia thường có động thái hạ thấp lãi suất cơ bản nhằm kích cầu, khiến lợi nhuận làm ra của doanh nghiệp “có giá trị hơn”. Đây là nguyên nhân trực tiếp kéo giá cổ phiếu tăng trở lại. Khi đó, nhà đầu tư chứng kiến giá cổ phiếu tăng và bắt đầu nhảy vào mua, quá trình này tiếp diễn, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia hơn.
Các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán bắt đầu quay trở lại quảng cáo nhiều hơn để hút vốn. Khi bạn “nhòm ngó” sang người hàng xóm và thấy danh mục họ sinh lời 20 - 30% một cách dễ dàng, người gửi tiền tiết kiệm bắt đầu rút tiền và mua cổ phiếu. Nhà đầu tư theo trường phái đà tăng trưởng bắt đầu xuất hiện, nổi lên với những khoản đầu tư sinh lời khủng.
Trong suốt quá trình thị trường giá lên, một số công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các cá nhân, tổ chức đầu tư khác bắt đầu thay đổi các tiêu chí định giá của họ một cách dễ dàng, hợp lý hóa giá cổ phiếu vẫn đang còn rất rẻ vì giá đang giao dịch dưới mức P/E của thị trường chung. Giá cổ phiếu tiếp tục tăng và những giả định của họ tiếp tục được “biện hộ” một cách thỏa đáng.
Tuy nhiên, một điều thú vị khi giá cổ phiếu tăng tới mốc P/E 40 - 50 lần, thay vì mô hình định giá dựa trên lợi nhuận, dòng tiền thì bây giờ dựa trên doanh thu. Điều này có thể áp dụng cho cổ phiếu của những công ty đơn lẻ, khi công bố tin tức tốt về hợp đồng, đơn hàng nhận được giá có xu hướng đi xa hơn giá trị thực nhận được từ những hợp đồng, đơn hàng này.
Khi những cá nhân, tiểu thương, hộ gia đình nhỏ lẻ cũng rời khỏi công việc kinh doanh truyền thống hàng ngày, liên tục nhắc về khoản lời chứng khoán với thái độ phấn khởi thì cũng là lúc nhà đầu tư giá trị rời khỏi cuộc chơi.
Một trong ba lý do khiến nhà đầu tư giá trị rời khỏi cuộc chơi là khi giá cổ phiếu đi quá xa ngay cả khi so với tiềm năng dài hạn của công ty. Một nền kinh tế được “hâm quá nóng” có nghĩa là lạm phát được đẩy lên cao, các ngân hàng trung ương sẽ có động thái kiềm chế bằng cách nâng lãi suất, siết tăng trưởng tín dụng để làm xì từ từ quả bong bóng này, điều này không xảy ra trong một đêm.
Ban đầu, thị trường sẽ lờ đi các tín hiệu tăng lãi suất này, vì thị trường không quan tâm tới cả lợi nhuận của doanh nghiệp thì khó có thể chú ý tới lãi suất. Trong một trò chơi giá lên, đà tăng trưởng, bạn phải di chuyển tới bất kỳ đâu mà dòng tiền đang tập trung. Trên thực tế, nhà đầu tư giá trị thành công trên thế giới đã bán cổ phiếu từ trước rất lâu khi quả bong bóng thực sự nổ. Họ sẽ kiên nhẫn ngồi trên đống tiền mặt quan sát và chờ đợi cơ hội ở các nhóm ngành, công ty đang bị rơi về mức giá thấp tới mức phi lý.
Những điều trên nghe có vẻ mọi thứ “hoàn hảo” với các nhà đầu tư giá trị và có vẻ dễ dàng trong việc xác định thị trường đang ở trong giai đoạn nào. Nhưng nên nhớ, Warren Buffett không mua cổ phiếu dựa trên việc ông ấy nghĩ thị trường sẽ định làm gì, tức ông không cố gắng dự đoán thị trường như các chuyên gia.
Ông đầu tư khi “giá cả làm cho mô hình kinh doanh có ý nghĩa”, tức ngay cả khi công ty rất tốt nhưng giá cả quá cao cũng không thể là một khoản đầu tư tốt. Điểm chính yếu là nền tảng để thực sự để quyết định nắm giữ một khoản đầu tư lâu dài tự nó đã hài hòa các yếu tố khác trong quá trình tác động của ngoại cảnh.
Peter Lynch dành 15 phút một năm để... phân tích vĩ mô
Một chi tiết thú vị về nhà đầu tư nổi tiếng Peter Lynch, với tỷ suất sinh lời bình quân gần 30%/năm trong suốt 13 năm liền là ông chỉ dành 15 phút một năm để phân tích nền kinh tế vĩ mô. Trước đó, ông cùng một nhóm các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp đã nỗ lực phân tích trong nhiều năm để đưa ra dự đoán, nhưng tất cả đều không tạo ra nhiều giá trị cho việc đầu tư thực sự.
Thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều lý do để giải thích cho sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán trong nước, chẳng hạn: ngành ngân hàng siết tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng vào các ngành có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; các sản phẩm mới mang tính đòn bẩy cao như chứng khoán phái sinh và tới đây là chứng quyền có bảo đảm (CW) xuất hiện đã hút dòng tiền đầu cơ từ thị trường cơ sở; hay tâm lý e ngại của nhà đầu tư về những ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với nền kinh tế trong nước nói chung và với thị trường chứng khoán nói riêng.
Những cách lý giải trên không sai, nhưng không phải là lý do hoàn hảo cho sự suy giảm của thị trường chứng khoán. Việc dòng tiền vào thị trường sụt giảm, chỉ số chứng khoán đi xuống đơn giản là vì chỉ số đã tăng nóng trong một khoảng thời gian ngắn nên không còn hấp dẫn được thêm các dòng tiền đầu cơ ngắn hạn.
Nhìn dài hạn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng, thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng tăng dài hạn kể từ năm 2014 tới nay, tức Việt Nam vẫn đang trong trạng thái Bull Market đan xen; trong đó, vẫn có các ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp có triển vọng và mức giá còn hợp lý trong dài hạn.
Có hàng nghìn lý do để giải thích, hàng triệu dự đoán bao gồm cả các thuyết âm mưu, chiêm tinh học tài chính. Một số nhận định có phần rất tiêu cực về mặt số liệu xác thực dùng trong tính toán GDP, lạm phát…, chung quy lại theo quan điểm người viết, việc phân tích vĩ mô chỉ nhằm hai mục đích chính: một là, nhận diện các thông tin tổng quan, mặt bằng chung về môi trường vĩ mô xung quanh tác động tới hoạt động của một doanh nghiệp; hai là, dự đoán tình hình của nền kinh tế ở trong tương lai, đặc biệt là cố gắng dự báo tính chu kỳ của nền kinh tế.
Trong đó, việc thứ nhất luôn dễ dàng hơn việc thứ hai. Suy thoái, khủng khoảng chỉ biết rõ khi nó đã và và đang xảy ra, các cuộc khủng hoảng đa phần đều không thể dự đoán trước được và với nhiều lý do khác nhau. N
Nói như vậy không có nghĩa là việc tìm hiểu về vĩ mô không tạo ra giá trị gì. Việc này sẽ giúp nhà đầu tư nhìn nhận rủi ro, thách thức cũng như cơ hội liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp cho tới khi các sự kiện thực sự xảy ra, ít nhất nhà đầu tư cũng sẽ có sự chuẩn bị, nghiên cứu trước.