Mùa ân mật

Ấy là khi nao nao gió mùa về theo những chùm nắng cánh ong cuối năm gọi chiều rời rợi. Có ai đó nhắc rằng rét đến, thì chỉ ít nữa thôi là Tết. Tôi nhớ đến những mùa ân mật của ao sâu ruộng cả ở quê tôi.

Trong hanh hao nắng khô và sương muối, hiu hiu bấc gọi áo khăn, tứ bề đồng không khô giòn gốc rạ. Nhìn đâu quanh quất cũng chỉ thấy một màu rạ nâu rụi trong đất khô, từng bờ cỏ cũng lốm đốm úa vàng, thấp thoáng những luống cày tươi tăm tắp nằm phơi ải. Tưởng đâu cả cánh đồng, cả làng quê lúc này dìu nhau lặn sâu vào cơn ngủ hanh hao tránh rét, chờ xuân sang xấp xới mưa bay mới thức nhau trở dậy gõ cửa chào mùa. Thì một vụ củ niễng “trong ngọc trắng ngần” như gạo của đồng quê, lại hân hoan vào mùa vụ mới. Tôi gọi đó là mùa ân mật. Là Tết ấm của vườn ao. Một cái “Tết ấm” lâng lâng, xôn xao trong dạ người làm vườn trồng ao từ giữa tháng Mười ta, dư âm no đủ kéo qua làm mùa đông bớt rét. Người nông dân được mùa niễng, thì cái Tết cổ truyền năm ấy, cỗ Tết cũng to hơn, qua Giêng sang tháng ba giáp hạt, bụng cũng ấm hơn.

Những ngày thu hoạch niễng đâu chỉ chừng hơn tháng. Rét về rất sớm, mùa gặt tháng Mười đã thấp thoáng sương muối gió bấc, nắng hanh, khô lạnh. “Ngày tháng Mười chưa cười đã tối”, thóc phơi trên sân là phải tranh thủ từng giờ phút vì nắng mà lạnh nên thóc chậm săn. Tôi trông thóc, ngả cái nia hay cái nong ra góc sân, phải lựa chỗ có nắng mà ngồi cho ấm nên má cứ bỏng nẻ, da chân da tay cũng khô mốc. Mẹ nhìn má tôi lựng căng như trái cà chua chín, hay cười bảo: “Bà khen con bà tốt, đến tháng Mười Một thì bà biết con bà!”. Bố tôi thì bảo, cố ít ngày nữa hết niễng, nhà mình tát ao, bố lấy mỡ cá rô rán lên cho con bôi, đỡ nẻ.

Những khi đó là ao niễng nhà tôi đến kỳ thu hoạch, chị tôi đi bẻ niễng về. Rơm rạ hút gió heo may đã khô vàng thơm tho, được đánh cây gọn gàng đẹp đẽ để dành đun trong mùa đông. Thóc chỉ mới ráo, còn phải phơi mấy nắng nữa, cho “săn giòn cầng cậc” - chữ mẹ tôi dùng - đến độ tiêu chuẩn có thể đóng cót cất dành ăn cả năm. Lúc này, hãy cứ đóng tạm thóc vào các bao dứa, xếp chồng lên nhau ở góc nhà, có lẽ mai kia mang lên sân kho hợp tác, phơi vài ngày là săn cả, để nhường chỗ cho niễng về.

Niễng mang theo cái ướt lạnh về nhà, phải rải tấm nilon to tướng ra nền nhà hứng niễng. Củ niễng ao thường nhô lên chút xíu hoặc xâm xấp mặt nước, bẻ được củ niễng thì người lội ao phải mặc thêm cái áo tơi mưa. Gặp khi trời rét dữ, thì ngồi trên thuyền len lỏi vào niễng, dùng liềm mà cắt. Nhưng có niễng về là ấm lòng, ấm dạ. Củ niễng là một món hàng được giá, trồng lại dễ, không đòi hỏi chăm sóc cầu kì thường xuyên.

Hồi ấy nhà tôi có hai cái ao lớn, một vuông ruộng và bờ ngòi một dải, dành để trồng niễng. Đúng ra là niễng được trồng chung với rau muống. Rau muống thì thu hoạch từ xuân đến hết mùa thu, còn củ niễng một năm chỉ thu hoạch một vụ ngắn ngày, vào tháng Mười, Mười Một.

Kể chuyện ao rau muống củ niễng có lẽ nên bắt đầu từ tháng Chạp. Tại sao lại đi ngược vào lúc kết thúc mùa vụ của ao sâu mà tôi gọi đó là mùa ân mật? Là bởi, lúc này một vụ củ niễng vừa kết thúc, là lúc phải dọn ao để chuẩn bị cho sự ươm mầm rau, niễng cho mùa sau. Đầu tiên là cấp tập rút dây muống già để tát ao. Trong độ dăm ngày, mẹ và các chị tôi lội ngập, chỗ sâu có khi nước đến ngang bụng, mà rút lên những dây muống dài cả sải, chít thành từng bó. Ngồi thuyền cũng có thể rút được dây rau, nhưng chậm, lội xuống nước thì lực rút mạnh hơn, dễ dàng hơn. Rau muống rút về, xếp chồng thành đống ở góc sân, phủ ít lá niễng khô, tàu chuối lên để giữ ẩm. Dây rau được ủ sẽ tự khắc tức chồi. Đến khi giáp Tết, mưa xuân xấp xới là dây rau ngả vàng, ở từng mắt dây thấy lốm đốm rễ trắng và chồi nhú lên như hạt gạo, thì mang dây rau đi rải luống.

Trồng rau luống là cả một sự kỳ khu. Điều này liên quan đến việc dọn ao, tát ao vào đầu tháng Chạp. Khi dây rau đã được rút hết, là bắt tay vào dọn gốc niễng. Niễng thường được trồng vào một góc ao, ở độ sâu vừa phải. Khi niễng hết vụ, ao cuối năm thường cạn, gốc niễng dần trơ ra trên mặt nước và cây niễng con sẽ mọc lên rất nhanh, có khi tốt như lúa. Niễng vốn còn được gọi là giao bạch, lúa bắp, lúa miêu. Cũng như lúa trên đồng, nếu gặt theo kiểu hớt ngọn lúa, để lại thân rạ, thì sau đó cây lúa dài sẽ mọc, và cũng lên đòng, ra bông, cho thóc, chỉ có điều bông bé và hạt thóc phần nhiều sẽ lép.

Mẹ tôi thường kể, xưa kia, hết vụ gặt chiêm đâu hơn tháng là con gái trong làng rủ nhau đi lấy lúa dài. Niễng cũng mọc cây con và ra bắp vớt vụ. Loại củ này nhỏ mà đã già, nhiều đốm muội đen, không ngon như củ chính vụ, nên thường cũng không bán được, chỉ thỉnh thoảng mót về nhà ăn. Sau đó thì niễng chính thức lụi đi, sức sống của nó còn âm ỉ trong những cụm gốc cứng cáp, to như cái thúng, cắm rễ sâu xuống bùn đen. Đấy là lúc nhà tôi sẽ rút dây rau, dọn gốc niễng, tát ao, thu hoạch cá. Cá ao niễng ngoài phần chia biếu anh em họ hàng làng xóm, phần đem bán, thì một phần được thả vào chiếc bể con để dành ăn Tết. Cỗ Tết nhà tôi không thể thiếu hai món ngon từ cá ao niễng, là cá quả ám rau cần, cá quả ủ trấu kho khô.

Từ đầu tháng Chạp, nhà thực sự bận rộn với việc dọn ao, tát ao, sang sửa, bồi luống. Thử hình dung, lòng ao rau muống khác hoàn toàn với ao thả cá. Nó như một vuông ruộng dốc, gồm những luống đất trải dài thoai thoải từ bờ bên này xuống đáy ao - giờ chỉ còn như một rãnh nước áp phía bờ bên kia, để nước mưa từ các luống rau thoát xuống, rau không bị úng. Thu hoạch rau cạn chừng vài ba tháng thì nuôi dần cho rau dài ra theo mực nước, cho đến khi rau lớn thành dây khỏe khoắn bơi trong nước ngập.

Khi các luống rau đã sẵn sàng, mẹ tôi đợi mưa xuân rắc bụi thì đem dây rau rải luống, trát bùn. Những gốc niễng cũng được cắt tỉa gọn gàng rồi trát bùn non lên. Mưa xuân lây rây ẩm ướt là điều kiện thích hợp tuyệt vời để ươm cho dây muống và ủ niễng lên mầm. Sau chừng một tháng, sang Giêng ấm áp, những luống rau xanh lên lúc nào chẳng rõ. Niễng cũng đã phất phơ như lúa đồng chiêm rồi xanh dần tươi tốt.

Mưa xuân rả rích suốt tháng Giêng Hai không đủ lượng nước làm ngập luống rau, đôi khi trời nắng khô còn phải tưới cho rau đỡ khát. Nhưng vào độ tháng Ba, khí trời dần ấm nắng, sấm động ì ầm báo mưa vào hạ cho lúa chiêm xấp xới “phất cờ mà lên”, là lúc nhà tôi phải trông mưa mà canh nước ao rau. Mưa ít thì mỗi chiều đều đặn gầu dây tát nước chừng một tiếng. Ao rau đánh luống dốc nên hố nước sâu hoắm, sợi gầu phải nối dài, cúi gò lưng mới múc được gầu nước mà hất lên. Gặp trận mưa lớn, chỉ sau một đêm, ao rau ngập trắng, phải nhờ cậy thêm hàng xóm xúm lại mỗi người một tay, tối ngày cấp tập tát nước gầu đôi. Sau người làng có máy bơm rơ-le, mỗi lần ao ngập, mẹ tôi thuê họ chạy máy hút nước để cứu rau.

Mỗi đận cứu rau bị mưa ngập, nhà tôi quay cuồng như chạy lũ. Việc đã biết sẽ xảy ra vào mỗi mùa mưa, khi rau chưa đủ dài để bơi được theo mực nước, mà vẫn cứ nao núng sức người, mẹ tôi nhiều khi nhìn nước ao mênh mông mà khóc lặng. Nhưng mẹ tôi kiên quyết không bao giờ bỏ rau muống củ niễng mà nuôi cá. Từng luống rau do tay mẹ tạo dựng không biết từ bao giờ vững chãi trong lòng ao. Khi tôi còn bé, lần đầu được mẹ dắt ra thăm ao, đã thấy tăm tắp luống dài đẹp đẽ. Rồi năm này qua năm khác, công cuộc dọn ao, rút dây muống, bồi luống, ươm rau cứ diễn ra mỗi tháng Chạp. Hết niễng thì tát ao, có cá ăn Tết. Ao rau muống để trang trải cuộc sống quanh năm, nuôi các con ăn học; vụ niễng được mùa thì cái Tết vui vầy, ấm cúng, tháng ba giáp hạt đỡ chênh vênh.

Một gia đình nông dân, có ao sâu ruộng cả, nếu không gặp mưa bão hay hạn hán gây mất mùa, thì lúa thóc đầy nong, ao sâu cho mùa ân mật, cũng đủ để cùng nhau gồng gánh, đắp đổi qua ngày rộng tháng dài. Tôi cứ ngắm nhìn những luống mùa xuân xanh xanh cung bậc, nhớ thảm rau về đông phơ phất lá vàng, rung rinh hoa muống tím, nhớ thảo thơm củ niễng trong ngọc trắng ngần trong giá rét, mà hình dung những công sức mồ hôi nước mắt của mẹ, của chị, đã đổ xuống bao nhiêu cho mật ngọt của mùa màng.

Tùy bút của Trang Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/mua-an-mat-i313049/