Mua bán bất động sản 'hai giá': Đừng để 'tham thực cực thân'

Cùng với tăng cường các hoạt động thu ngân sách, thu hồi nợ thuế, chống thất thu thuế ở các lĩnh vực rủi ro cao, nhất là lĩnh vực bất động sản đã góp phần khai thác tốt các khoản thu, đảm bảo minh bạch trong giao dịch bất động sản.

 Hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục

Hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục

Rủi ro cao

Việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá giao dịch thực tế đang được không ít người áp dụng, nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước. Người mua bán bất động sản thường sẽ sử dụng song song hai loại hợp đồng, một hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có công chứng theo quy định với giá nhà đất khai thấp hơn giá thực tế giao dịch và một hợp đồng viết tay do đôi bên tự ký, ghi theo giá thực tế giao dịch. Một số trường hợp chuyển nhượng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai khi thực hiện thủ tục công chứng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư. Hoặc khi đã được cấp sổ, người nộp thuế khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư nhằm giảm số thuế phải đóng.

Những hành vi trên đều được xem là hành vi trốn thuế và đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không chỉ trong quá trình chuyển nhượng tài sản mà còn trong thực hiện quyền và nghĩa vụ thuế liên quan.

Bằng chứng là rất nhiều địa phương hiện nay đã thực hiện lập, gửi biên bản vi phạm hành chính đến các đối tượng kê khai hai giá do văn phòng công chứng cung cấp. Trường hợp xác định được đối tượng, hành vi vi phạm, cơ quan thuế cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; hoặc chuyển cơ quan công an đối với hồ sơ có dấu hiệu tội phạm. Chưa nói, người mua, bán bất động sản còn có thể gặp các rủi ro liên quan đến tranh chấp, kiện tụng khi thực hiện giao dịch bất động sản hai giá, hoặc mua bán không qua công chứng.

Sẽ kiểm tra so sánh giá giao dịch

Trước tình trạng mua bán hai giá ngày càng phổ biến, Thừa Thiên Huế đã thực hiện khá tốt công tác điều chỉnh giá đất sát với giá thị trường. Đồng thời, ngành thuế cũng đã tăng cường các giải pháp chống thất thu thu ngân sách trong lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, trong những tháng đầu năm 2024, Cục Thuế tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1754/QĐ-UBND, ngày 17/7/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề án chống thất thu trong giao dịch, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh đến 2025. Cục Thuế chỉ đạo các chi cục thuế thực hiện nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả đề án.

Trong đó phải kể đến việc các chi cục thuế đã thành lập tổ công tác chống thất thu chuyển nhượng bất động sản để thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản từ cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông hoặc từ người nộp thuế. Các chi cục thuế khu vực, huyện, thành phố cũng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, phát hiện các trường hợp chuyển nhượng bất động sản bằng giấy viết tay không qua công chứng, chứng thực. Đồng thời, tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh để phát hiện các trường hợp trốn thuế.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ cơ quan thuế, do tình hình giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh còn trầm lắng, mức độ giao dịch, chuyển nhượng không còn sôi động như những năm 2022 trở về trước, nên số thu từ công tác chống thất thu trong lĩnh vực này chưa bằng các năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số thu từ các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực này chỉ đạt 60% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản là sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan chưa đồng bộ, thiếu sự hỗ trợ, hợp tác từ các ban, ngành trong việc khai đúng giá trị chuyển nhượng. Công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản chủ yếu thực hiện đấu tranh, vận động, tuyên truyền, thuyết phục người nộp thuế mà không thực hiện được việc thẩm tra, xác minh lại giá trị giao dịch. Vì thế, thời gian tới Cục Thuế tỉnh tăng cường chỉ đạo các chi cục thuế khu vực, huyện, thành phố áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thuế, giám sát tình hình kê khai thuế của người nộp thuế đối với các giao dịch, chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, sẽ có biện pháp kiểm tra, so sánh để hạn chế tình trạng kê khai thuế không trung thực.

Qua kiểm tra, rà soát, nếu có hiện tượng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng chưa trung thực, chưa chính xác thì yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung và thực hiện các biện pháp quản lý thuế để chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Cục Thuế cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng; kết hợp tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế, nghĩa vụ của công dân trong việc thi hành pháp luật về thuế; tạo sự đồng thuận, chuyển biến tích cực của người nộp thuế, người dân trong việc chấp hành và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Cục Thuế cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập các tổ xác minh liên ngành để kiểm tra, rà soát giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản, làm cơ sở chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của các tổ chức, cá nhân vi phạm khi có dấu hiệu hoặc có đủ chứng cứ về hành vi trốn thuế, gian lận thuế

Theo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, từ ngày 1/8, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bắt buộc thanh toán qua ngân hàng khi mua nhà. Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản, dự án bất động sản thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam sẽ góp phần minh bạch giá trị chuyển nhượng bất động sản, hạn chế được phần nào tình trạng mua bán hai giá đang diễn ra.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/mua-ban-bat-dong-san-hai-gia-dung-de-tham-thuc-cuc-than-143703.html