Mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội: Người lao động cần cảnh giác

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm tổ chức mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội. Các giao dịch khá sôi động dù ngành Bảo hiểm xã hội đã cảnh báo nhiều về tình trạng này. Thiệt thòi cuối cùng vẫn là người lao động.

Người lao động không nên bán sổ bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa.

Người lao động không nên bán sổ bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa.

Thuận mua vừa bán

Do nhu cầu nên nhiều người lao động đã cầm cố hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội, sau đó viết ủy quyền cho người mua để đến cơ quan bảo hiểm xã hội làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Không khó để tìm kiếm nguồn bán sổ bảo hiểm xã hội trên Facebook, chỉ cần gõ cụm từ “thanh lý sổ bảo hiểm xã hội” thì có hàng chục hội nhóm, tài khoản xuất hiện. Điển hình như tài khoản Bảo Trâm liên tục đăng trên nhóm “Mua bảo hiểm xã hội - Cầm Bảo hiểm xã hội” nội dung: “Anh chị em cần thanh lý bảo hiểm xã hội liên hệ em hỗ tr. Inbox hoặc alo số 0567319…, nhận sổ nghỉ trước 14-2-2024 trên 3 năm. Nhận tất cả sổ lỗi, giao dịch Bắc Trung Nam”. Tài khoản Đào Quốc Đạt cũng thường xuyên đăng thông tin trên nhóm nhằm mời chào người bán sổ bảo hiểm xã hội: "Hỗ trợ lãnh tiền bảo hiểm xã hội trước và sau hạn, xử lý sổ lỗi. Chụp sổ báo giá trước hoặc mang sổ đến gặp trực tiếp qua số điện thoại 0965286…".

Thông qua các hội nhóm này, phóng viên đã liên hệ với những người từng bán sổ bảo hiểm xã hội và biết được quy luật giao dịch chỉ 50-60% giá trị mà người bán được hưởng từ lĩnh bảo hiểm xã hội một lần. Chẳng hạn, chị Nguyễn Thu H. (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) vừa đăng trên nhóm “Mua bảo hiểm xã hội - Cầm bảo hiểm xã hội” với nội dung: "Bảo hiểm xã hội 6 năm, nghỉ tháng 12-2023 cần thanh lý, khu vực Hà Nội", ngay lập tức có khoảng 10 tài khoản đề nghị nhắn tin riêng để tư vấn. Chị H. cho biết, bên mua đề nghị mức giá chỉ 55-60% so với tổng số tiền sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần. Sau khi tính toán, dù biết là thiệt thòi nhưng do cần tiền nên chị H. đã bán lại cho một tài khoản tên Lê Hoàng L.

Như tình cảnh anh Nguyễn Văn Tr., quê tỉnh Nam Định lên Hà Nội làm việc tại một công ty về gang thép 4 năm thì nghỉ việc. Anh Tr. đã tính phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, do phải về quê gấp nên anh Tr. lên mạng tìm một người chuyên mua sổ bảo hiểm xã hội để giao dịch. Với quy định phải nghỉ việc sau 12 tháng mới được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, anh Tr. bị ép giá chỉ còn 35 triệu đồng, trong khi nếu anh tự đến rút bảo hiểm xã hội, con số thực lĩnh là 60 triệu đồng.

Cần xử lý nghiêm vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về vấn đề này, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội) Dương Thị Minh Châu cho biết, theo quy định tại Khoản 6, Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Do vậy, người được ủy quyền không bị cấm và có thể làm thủ tục hưởng chế độ một lần. Tuy nhiên, ngày 29-6-2024, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/ 2024/QH15, trong đó điểm mới là tại Điều 9 nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, lúc đó, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội để trục lợi.

Thực tế, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã từng có công văn lưu ý các giao dịch liên quan đến một số đối tượng mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội đang bị cơ quan điều tra giải quyết. Trong đó, ngày 25-4-2024, Công an quận Phú Nhuận đã gửi công văn cho Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đề nghị lưu ý giao dịch với đối tượng trong diện điều tra là Đoàn Thị Hương Giang; ngày 13-10-2023, đề nghị chú ý giao dịch với đối tượng Nguyễn Tuấn Đạt, phường 12, quận Bình Thạnh và đối tượng Trần Quang Khải, phường 9, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh (công văn ngày 2-8-2023). Sau đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các đơn vị lưu ý giao dịch đối với các đối tượng nêu trên, kịp thời thông báo ngay đến cơ quan điều tra.

Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn vị này cũng liên tục có công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội trên môi trường internet. Đơn vị này đã có nhiều văn bản cảnh báo người lao động nêu cao cảnh giác; đồng thời yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội.

Tuy vậy, hiện nay, việc xử lý triệt để tình trạng nêu trên vẫn phải chờ khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Mong rằng, sau khi luật có hiệu lực, mọi hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội sẽ chấm dứt để người lao động bớt thiệt thòi và bảo vệ được giá đỡ an sinh khi về già.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mua-ban-cam-co-so-bao-hiem-xa-hoi-nguoi-lao-dong-can-canh-giac-678296.html