Mua bán clip nhạy cảm: Có thể bị tù đến 15 năm
Việc sử dụng hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác đăng tải, trao đổi hoặc mua bán trên mạng xã hội có thể bị xem xét xử lý hình sự với khung hình phạt lên đến 15 năm tù.
Trong những số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh tình trạng kẻ gian sử dụng các mạng xã hội, lợi dụng chiêu trò rồi dụ dỗ, ép buộc các nạn nhân nữ quay clip nhạy cảm. Sau đó những kẻ này mang các clip của nạn nhân rao bán, trục lợi, còn nạn nhân thì rơi vào những chuỗi ngày lo sợ vì hình ảnh, clip nhạy cảm của mình bị phát tán, rao bán.
Cá nhân có quyền với hình ảnh của mình
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn LS TP.HCM) cho biết cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà chưa được người đó đồng ý, trừ một số trường hợp luật cho phép.
“Bất kỳ người nào sử dụng hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác để đăng tải, trao đổi hoặc mua bán trên mạng xã hội với mục đích khác nhau đều vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và mục đích của người thực hiện hành vi này mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự” - LS Ý nói.
Theo LS Ý, người nào làm ra, trao đổi hay mua bán hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác để đăng tải lên các mạng xã hội với mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của cá nhân thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 10-20 triệu đồng (Điều 102 Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện…).
Trong trường hợp người nào thực hiện một trong các hành vi nêu trên mà bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và được cơ quan tiến hành tố tụng xác định hành vi này có dấu hiệu tội phạm thì có thể bị khởi tố về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, mức phạt tù có thể lên đến năm năm.
Bên cạnh đó, người nào thực hiện hành vi làm ra, đăng tải, trao đổi, mua bán hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác trên mạng xã hội mà các hình ảnh, clip nhạy cảm này được xác định có nội dung khiêu dâm, đồi trụy thì sẽ bị xử phạt 30-50 triệu đồng (khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020).
Nếu hành vi làm ra, đăng tải, trao đổi, mua bán, tàng trữ những hình ảnh, clip nhạy cảm nhằm mục đích phổ biến với nhiều động cơ khác nhau thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, mức phạt có thể lên đến 15 năm tù, bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và phải khắc phục hậu quả.
Ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý nạn nhân
Trong khi đó, LS Lê Văn Thanh (Đoàn LS TP.HCM) nhận định hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến tranh ảnh, phim có nội dung khiêu dâm, đồi trụy có thể bị truy cứu TNHS về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
“Hành vi của những người này có dấu hiệu phạm tội hình sự, cấu thành tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết định khung hình phạt (phạm tội bằng Internet, phạm tội hai lần trở lên, phạm tội với người bị lệ thuộc mình về tinh thần)…” - LS Thanh nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo quy định của BLHS hiện hành, đây còn là loại tội phạm rất nghiêm trọng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn. “Việc này còn gây sang chấn tâm lý đối với người bị hại vì một khi clip, hình ảnh nhạy cảm bị tung ra, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - LS Thanh nhấn mạnh.
Do đó với những trường hợp như vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc và xử lý mạnh để cảnh cáo, răn đe và ngăn chặn những hành vi tương tự, không để kẻ gian lộng hành.
Công an phường phải tiếp nhận mọi tin báo của công dân
Theo tôi, trường hợp chị TKN (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM, nạn nhân 15 lần bị rao bán clip “nóng” và hình ảnh nhạy cảm mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh đến Công an phường 26, quận Bình Thạnh để trình báo nhưng được hướng dẫn về Bình Phước, là chưa đúng quy định.
Bởi Điều 145 BLTTHS 2015 và khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2017 (về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố) quy định mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ và giải quyết kịp thời.
Thông tư 28/2020 của Bộ Công an cũng quy định công an phường là một trong các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Khi tiếp nhận, công an phường phải lập biên bản tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Như vậy, chị N. đang ngụ phường 26 thì công an phường này phải có trách nhiệm tiếp nhận thông tin tố giác mà không cần phân biệt chị N. có đăng ký hộ khẩu thường trú hay tạm trú tại phường 26 hay không.
LS NGUYỄN ĐỨC THẮNG Ý (Đoàn LS TP.HCM)
Nguồn PLO: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/mua-ban-clip-nhay-cam-co-the-bi-tu-den-15-nam-974856.html