Mua bán lan đột biến hàng nghìn tỉ đồng, Cục Quản lý thị trường nói gì?

Chỉ một nhánh lan bằng que đũa nhưng được định giá từ vài trăm đến vài tỉ… thậm chí có trường hợp đến 1.400 tỉ khiến dư luận xôn xao. Tại sao hoa lan đột biến lại có giá đắt đỏ đến như vậy?

Mua bán lan đột biến hàng nghìn tỉ đồng, Cục Quản lý thị trường nói gì?

Vụ giao dịch lan đột biến với giá 1.400 tỉ đồng được hé lộ trên mạng, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm tra, quản lý.

Ảo hay thật?

Các loại hoa lan có giá đắt đỏ chủ yếu nằm ở dòng lan phi điệp đột biến. Lý do tại sao lại ở dòng lan phi điệp? Theo kiến giải của nhiều diễn đàn cây cảnh bởi đó là loại hoa có nguồn gốc tự nhiên cũng là loại có nhiều đột biến nhất trong các loại lan. Thêm nữa, chơi lan có truyền thống dành cho vua chúa – đó là tinh hoa và đề cao tính độc tôn. Vì vậy, cây hoa lan nào đột biến trổ hoa, lá khác biệt so với tất cả các loại hoa còn lại thì được định giá cao nhất. Giá trị hoa cũng giảm dần theo tính độc nhất này.

Theo anh N. V. Thái, một người có thời gian chơi phi điệp đột biến gần 2 năm nay thì có một số nguyên tắc của giới chơi phi điệp. Nếu phát hiện ra loại lan phi điệp đột biến nào đầu tiên thì người phát điện được phép đặt tên cho hoa (Ví dụ như Yên Thủy, ngươi đẹp Bắc Kạn, thỏ ngọc, mắt nâu, má đào, hiển oanh…)

Cây được phát hiện đầu tiên là cây được định giá cao nhất. Sau đó, nếu người chơi nhân giống loại lan đó ra thì có nghĩa là tính độc nhất giảm dần, loại lan đó càng phổ biến thì giá càng giảm. Tuy nhiên, giá rẻ nhất của các loại phi điệp đột biến cũng rơi vào vài trăm ngàn cho đến vài trăm triệu/cm. Ngoài ra, người chơi còn bán lan theo ki (mắt lan), mỗi mắt có thể mọc lên 1 cây lan mới.

Dựa vào độ hiếm của từng loại phi điệp đột biến, nhiều nhóm chơi lan đưa bảng giá chung để tiện cho các giao dịch trong giới. Hiện một số dòng phi điệp đột biến giá rẻ như tuyết ngọc giá 350.000đ/cm, gái nhảy 500.000đ/cm, Phú Thọ 2 triệu đồng/cm, Củ Chi 2.500.000đ/cm, chị Sáu 20 triệu đồng/cm, vọng xưa 50 triệu đồng/cm, thỏ ngọc 60 triệu/cm… Người chơi sẽ phải bỏ từ ít nhất chục triệu cho đến vài trăm triệu cho 1 giò phi điệp đột biến, tùy vào số nhánh và độ dài của cây.

Một số loại phi điệp đột biến có giá vài trăm triệu/cm như: Trường Sa khoảng 100 triệu đồng/cm, vô thường, Bảo Duy, sơn nữ Sơn La khoảng 200 triệu đồng/cm, tiên sa khoảng 300 triệu/cm. Với mức giá này, người chơi sẽ phải bỏ ít nhất vài trăm cho đến vài tỉ đồng nếu muốn sở hữu những loại lan vừa nêu.

Một vụ chuyển nhượng lan bạc tỉ được giới chơi lan truyền tai nhau trên mạng.

Cá biệt, một số loại lan đột biến thuộc loại "độc nhất vô nhị" không có giá cụ thể mà phụ thuộc vào "máu chơi" của mỗi người. Điển hình nhất gần đây là vụ giao dịch 1 giò lan với giá 83 tỉ đồng và phi vụ khiến dư luận ồn ào được giao dịch 1.400 tỉ đồng/giò.

Chưa có cơ quan nhà nước nào định giá lan đột biến

Trả lời Giáo dục & Thời đại, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Hiện chưa có cơ quan nhà nước nào đứng ra định giá hoa phong lan nói riêng cũng như thị trường cây cảnh nói chung. Giá giao dịch thường được thỏa thuận bởi bên mua và bên bán và giao dịch trong giới chơi lan. Phía quản lý thị trường Hà Nội cũng chưa tiếp nhận, kiểm tra trường hợp chơi lan cảnh với giá hàng chục thậm chí hàng trăm tỉ đồng, vì nhiều người chơi thường ở các tỉnh khác.

Cũng theo ý kiến ông Kiên thì việc quản lý mặt hàng này cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng như quản lý thị trường, thuế, công an để kiểm tra và xử lý các trường hợp lừa đảo khi chơi cây cảnh.

Thú chơi lan được cho là chỉ dành cho các bậc vua chúa ngày xưa...

Anh N. Nhật Huy, một người chơi lan đột biến tại Hà Nội cũng thừa nhận, giá lan biến thay đổi liên lục. Bảng giá do hội chơi lan nào đó tự đặt ra. Với những trường hợp đột biến "độc nhất vô nhị" thì không bàn. Nhưng với những loại phi điệp đột biến phổ biến hiện nay vẫn tuân theo chu kỳ tăng giảm trong năm như đầu năm giá thấp, tầm tháng 5 - tháng 10 giá cao, ai thích thì có thể giao dịch công khai hoặc bí mật với nhau.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mua-ban-lan-dot-bien-hang-nghin-ti-dong-cuc-quan-ly-thi-truong-noi-gi-20200715144954731.html