Mua bán thuốc online: Tiện lợi hay hiểm họa tiềm ẩn?
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, việc mua thuốc trực tuyến đã trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều lo ngại về an toàn và chất lượng của sản phẩm. Người tiêu dùng cần phải hết sức cẩn trọng để tránh những rủi ro không đáng có.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm từ 16-30% trong 4 năm qua, cao nhất thế giới. Trong đó, lĩnh vực bán thuốc online chiếm một phần không nhỏ. Nhiều nhà thuốc truyền thống đã chuyển đổi sang bán hàng online hoặc kết hợp cả hai kênh bán hàng để tiếp cận khách hàng một cách toàn diện.
Đa dạng hình thức mua – bán
Theo tìm hiểu của VnBusiness, hiện nay nhiều công ty dược phẩm và nhà thuốc đã xây dựng các trang web hoặc ứng dụng chuyên biệt để bán thuốc online. Những nền tảng này thường cung cấp danh mục sản phẩm phong phú, bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn, với thông tin chi tiết về công dụng, liều lượng, và tác dụng phụ. Người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và mua sắm ngay trên thiết bị di động hoặc máy tính cá nhân.
Mua thuốc trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống ngày càng bận rộn và tình hình dịch bệnh phức tạp. Thay vì phải đến nhà thuốc, người tiêu dùng chỉ cần vài cú “click chuột” là có thể mua được loại thuốc mình cần, và nhận hàng ngay tại nhà.
Ngoài ra, trên các trang web bán thuốc, người mua có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm, so sánh giá cả giữa các cửa hàng và chọn được mức giá hợp lý nhất. Đặc biệt, đối với những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi có ít nhà thuốc hoặc các loại thuốc hiếm, việc mua thuốc trực tuyến là một giải pháp tiện lợi và hiệu quả.
Các trang web và ứng dụng bán thuốc cũng thường có đội ngũ dược sĩ tư vấn trực tuyến, giúp người tiêu dùng nhận được thông tin chính xác và hỗ trợ kịp thời khi cần. Nhờ vậy, quá trình mua thuốc trở nên thuận tiện hơn và giảm bớt rủi ro về việc sử dụng sai thuốc hoặc liều lượng.
Đặc biệt, hiện nay, trên một số nền tảng mạng xã hội: Facebook, TikTok đã xuất hiện rất nhiều tài khoản bán thuốc, thực phẩm chức năng theo hình thức livestream.
Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; song pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng này. Thuốc là mặt hàng kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe.
Mặc dù, mua thuốc trực tuyến mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro mà người tiêu dùng cần phải cẩn trọng. Một trong những nguy cơ lớn nhất là việc mua phải thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là một vấn nạn toàn cầu, đặc biệt là khi mua bán trực tuyến. Những loại thuốc này không những không mang lại hiệu quả điều trị mà còn có thể gây hại đến sức khỏe.
Rủi ro từ những “nhà thuốc online”
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, việc mua thuốc online cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là về mặt quản lý và kiểm soát chất lượng. Không ít trường hợp người tiêu dùng mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc thậm chí là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thị trường.
Chia sẻ với VnBusiness, chị Nguyễn Thị Linh (36 tuổi - Hà Nội) đã mua phải thuốc giả qua một cửa hàng trên Facebook để điều trị ho cho con gái. Tin tưởng lời quảng cáo, chị đặt mua loại thuốc được cam kết là hàng nhập khẩu chính hãng. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, con gái chị không những không đỡ mà còn bị ngộ độc với các triệu chứng nôn mửa và nổi mẩn đỏ.
Khi đi khám, bác sĩ xác nhận thuốc mà chị Linh mua là giả, không có hoạt chất điều trị như quảng cáo. Người bán sau đó đã biến mất, chặn hết liên lạc với chị Linh.
Việc mua và sử dụng những sản phẩm này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với những loại thuốc kê đơn hoặc thuốc điều trị các bệnh mãn tính.
Bên cạnh đó, việc tư vấn trực tuyến từ các trang web bán thuốc không phải lúc nào cũng đảm bảo chất lượng. Không phải tất cả các dược sĩ tư vấn qua mạng đều có đủ chuyên môn và kinh nghiệm. Trong một số trường hợp, thông tin được cung cấp có thể không chính xác, dẫn đến việc sử dụng sai thuốc hoặc dùng sai liều lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Để giảm thiểu rủi ro khi mua thuốc trực tuyến, các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản. Đầu tiên, nên chỉ mua thuốc từ những trang web uy tín, có giấy phép kinh doanh dược phẩm rõ ràng và được quản lý bởi cơ quan chức năng. Kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, bao gồm xuất xứ, hạn sử dụng, và tem chống giả nếu có.
Ngoài ra, cần thận trọng với những loại thuốc có giá quá rẻ so với thị trường, vì đây có thể là dấu hiệu của thuốc giả. Người tiêu dùng cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định mua và sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là những thuốc điều trị các bệnh lý nghiêm trọng.
Bác sĩ Lê Khánh Linh (Bệnh viện Hà Thành) khuyến cáo: “Dù việc mua thuốc online mang lại nhiều tiện ích, nhưng người tiêu dùng cần phải luôn tỉnh táo và cẩn trọng để tránh rơi vào bẫy của những kẻ buôn bán không có đạo đức. Người dân hãy trở thành những người tiêu dùng thông minh, cần sử dụng thuốc và mua thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ, đến các nhà thuốc có chứng nhận Thực hành tốt nhà thuốc (GPP) để mua thuốc nhằm bảo đảm thuốc được kiểm định, cấp phép lưu hành”.