Mua bán trẻ sơ sinh có thể phải đối diện hình phạt nào?

Hiện vụ mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn, liên quan 32 tỉnh, thành đang gây xôn xao dư luận. Nhiều độc giả đặt câu hỏi, nhóm đối tượng này có thể sẽ bị xử lý thế nào?

Công an TP HCM đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 16 đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đối tượng bị khởi tố về các hành vi "Mua bán người dưới 16 tuổi" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Cơ quan công an xác định từ đầu năm 2024 đến nay, đường dây tội phạm trên thông qua hội nhóm kín trên mạng xã hội để liên hệ, kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 đứa trẻ (có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi), với số tiền từ 10 triệu đồng - 23 triệu đồng/1 trẻ; sau đó, bán lại với số tiền từ 35 triệu - 75 triệu đồng/1 trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

 Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ em.

Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ em.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ án hình sự rất nghiêm trọng, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, xâm phạm đến quyền trẻ em, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội và có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến xã hội.

Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến đường dây mua bán người dưới 16 tuổi, làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Cường cho biết thêm, đây là loại tội phạm không mới, tuy nhiên hành vi của các đối tượng là vô cùng táo tợn, lợi dụng các tính năng của mạng internet, các nền tảng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng đánh vào tâm lý của những phụ nữ trẻ, sinh con ngoài ý muốn và nhu cầu nhận con nuôi của nhiều cặp vợ chồng nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Nguy hiểm hơn, đối tượng còn sẵn sàng bán trẻ em ra nước ngoài, cho bất kỳ ai miễn là có tiền. Hành vi của các đối tượng này là táng tận lương tâm, coi thường dư luận, có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Chúng coi những đứa trẻ như những món hàng, sẵn sàng trao đổi để có được lợi nhuận mà không cần quan tâm cuộc sống, tương lai, hạnh phúc, sự an toàn của các đứa trẻ đó ra sao.

Với hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, các đối tượng sẽ phải chịu mức hình phạt thấp nhất là 7 năm tù, mức cao nhất là tù chung thân. Trường hợp kết quả điều tra cho thấy các đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, Hoặc đối với người dưới 06 tuổi thì sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, phạm tội nhiều lần thì sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc, có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân

Theo luật sư Cường, điều đáng chú ý trong vụ việc này là có những người phụ nữ đã nhẫn tâm bán con mình để lấy tiền. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính của từng trẻ em phải làm rõ hành vi của những người mẹ, những đối tượng môi giới, những đối tượng trực tiếp mua bán và những đối tượng chủ mưu cầm đầu trong vụ việc này để xác định trách nhiệm pháp lý. Trong trường hợp những người phụ nữ sinh ra những đứa trẻ, nhưng vì hám lợi, thiếu trách nhiệm mà đã bán con mình đi thì người mẹ đó cũng bị xử lý hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tất cả các đối tượng dù là vai trò chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, đối tượng giúp sức hay xúi giục thì đều được xác định là đồng phạm và đều bị xử lý hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi

Để thực hiện hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, các đối tượng còn làm các giấy tờ tùy thân của các cháu như giấy khai sinh, giấy chứng sinh và các giấy tờ có liên quan. Hành vi này xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước phải có dấu hiệu của tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức theo quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự. Với hành vi làm giả từ 06 con dấu tài liệu trở lên thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Luật sư Cường phân tích thêm, khi kết tội đối với các bị cáo về nhiều tội danh thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt đều là tù có thời hạn thì sẽ là tổng hình phạt nhưng không quá 30 năm. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính của trẻ em, danh tính của những người mẹ đã sinh ra các cháu bé này và những người đã mua các cháu bé này để giải quyết theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra sẽ yêu cầu những người đã mua các cháu bé này phải trả lại cha mẹ hoặc đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để đảm bảo quyền lợi của các cháu. Tất cả các đối tượng tham gia, thực hiện hành vi mua, bán người dưới 16 tuổi đều phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Xem thêm video: Phát hiện thi thể trẻ sơ sinh trôi dạt trên sông

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/mua-ban-tre-so-sinh-co-the-phai-doi-dien-hinh-phat-nao-2026708.html