Mua bán vàng phải xuất hóa đơn: Giải pháp giúp minh bạch thị trường vàng
Việc xuất hóa đơn theo từng lần bán đối với các cửa hàng kinh doanh vàng sẽ góp phần tạo sự minh bạch cho thị trường vàng và hạn chế việc buôn lậu, đầu cơ thao túng giá vàng.
Mua bán hàng hóa phải xuất hóa đơn
Mua bán hàng hóa dịch vụ phải xuất hóa đơn là câu chuyện được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Nhất là sau khi ngành Thuế triển khai thành công hóa đơn điện tử với 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện hóa đơn điện tử từ 1/7/2022.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho hay, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ nêu rõ “khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua” và kinh doanh vàng cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, theo một khảo sát nhỏ tại các cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn cho thấy, chỉ có một số cửa hàng kinh doanh vàng lớn có xuất hóa đơn cho khách hàng trong từng lần bán hàng.
Theo đó, các nhân viên cửa hàng này sẽ lấy đầy đủ thông tin khách hàng và xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế cho khách hàng. Hóa đơn này vừa chứng minh giá trị pháp lý cho mặt hàng khách hàng mua, vừa sẽ kiêm giấy đảm bảo và giấy kiểm định sản phẩm để phục vụ cho việc trao đổi, bảo hành sản phẩm. Sau khi xuất, hóa đơn sẽ được lưu trữ trên hệ thống hóa đơn của đơn vị có thể tra cứu khi có nhu cầu. Với những sản phẩm mua bán có hóa đơn này, cửa hàng sẽ áp dụng chế độ ưu đãi theo quy chế hiện hành.
Theo khảo sát, hầu hết cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ trên địa bàn hầu như chưa thấy nhân viên cửa hàng chủ động xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng. Thay vì xuất hóa đơn điện tử, các cửa hàng đều giao cho khách hàng 1 tờ biên lai in sẵn. Biên lai này được viết tay các thông tin về tên sản phẩm, tuổi vàng, số lượng món hàng, đơn giá và thành tiền.
Tuy nhiên thời gian gần đây, một số cửa hàng không còn áp dụng biên lai tay mà chỉ bán “niềm tin” cho khách hàng. Điều này dẫn đến câu chuyện khi khách hàng có nhu cầu bán vàng (bán tại các cơ sở kinh doanh khác), cơ sở kinh doanh sẽ mua vào với giá thấp hơn so với giá niêm yết với lý do vàng không đủ tuổi, không phải là sản phẩm của cửa hàng…
Khi được hỏi về vấn đề xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng, chủ một cửa hàng vàng chia sẻ, nếu bắt buộc cửa hàng vàng phải xuất hóa đơn khi mua bán vàng chúng tôi sẽ chấp hành. Song, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng cần có sự thống nhất trong điều hành. Cụ thể, cần có lộ trình để các cửa hàng có thể đầu tư hạ tầng cần thiết, cũng như có sự chỉ đạo thống nhất trong cách làm không để xảy ra tình trạng cửa hàng này xuất hóa đơn, cửa hàng kia không... gây mất công bằng trong hoạt động kinh doanh.
Phối hợp tạo sự minh bạch cho thị trường vàng
Thời gian qua, các vấn đề liên quan đến giá vàng và quản lý vàng luôn là chủ đề nóng, khi hiện nay chênh lệch giá giữa giá vàng miếng SJC trong nước và vàng thế giới đang rất lớn. Nếu trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng ra đời, mức chênh lệch này chỉ giữ ở mức 2 triệu đồng/lượng thì nay mức chênh lệch này đang ở mức 10 - 11 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm mức chênh lệch này đạt đến con số 20 triệu đồng/lượng, giá trị chênh lệch tương đương 30% giá vàng quốc tế. Chưa nói, chênh lệch giá mua vào và bán ra thời điểm này khá cao khoảng 2 triệu đồng/lượng đối với SJC và vàng 9999 chênh lệch trên thị trường giao động ở mức 1,5 triệu đồng/lượng. Trong khi một vài thời điểm, chênh lệch này chỉ ở mức 1 triệu đồng/lượng
Số liệu của Cục Thống kê tỉnh cũng cho thấy, chỉ số giá vàng đang tăng trưởng rất lớn. Trong tháng 3/2024, chỉ số giá vàng đã tăng 4,63% so với tháng trước, tăng 9,41% so với tháng 12 năm trước và tăng 23,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2024 tăng 19,52% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Việc giá vàng tăng trưởng nóng đang đặt các cơ quan quản lý trước những vấn đề về tính minh bạch trong thị trường.
Tại các cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các giao dịch mua bán vàng phải có hóa đơn điện tử để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý thị trường vàng; thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của các đơn vị; kịp thời xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng theo thẩm quyền. Đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định liên quan về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính, đặc biệt là mua, bán vàng miếng.
Đại diện Cục Thuế tỉnh chia sẻ, Cục Thuế Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh triển khai xuất hóa đơn từ máy tính tiền. Theo đó, đối tượng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh: trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí; cửa hàng kinh doanh vàng và các dịch vụ khác. Riêng với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngành thuế sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp, cá nhân đang kinh doanh lĩnh vực này để đưa vào diện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.