Mưa bão tăng tần suất, chuyên gia khuyến cáo giải pháp ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Thời gian gần đây, mưa lớn xuất hiện với tần suất dày cùng cường độ lớn ngay từ trước mùa mưa bão hàng năm kéo theo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Tuyến đường Phan Đình Giót từ xã Nhuận Trạch ra Quốc lộ 6, đoạn khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Tuyến đường Phan Đình Giót từ xã Nhuận Trạch ra Quốc lộ 6, đoạn khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Trước tình hình đó, các chuyên gia địa chất, khí tượng thủy văn đã đưa ra nhận định và giải pháp kịp thời ứng phó với thiên tai.

Mưa bão diễn biến phức tạp

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau El Nino, hiện tượng La Nina sẽ tiếp nối với sự xuất hiện của những cơn bão mạnh, có đường đi phức tạp.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông có 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó, 5 - 7 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nhiều hơn bình quân các năm từ 1 - 2 cơn, diễn ra từ khoảng tháng 8 đến nửa đầu tháng 12 và ảnh hưởng nhiều tới khu vực Trung Bộ.

Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều lại trùng với mùa mưa ở khu vực Trung Bộ nên trong nửa cuối năm 2024, các tỉnh miền Trung cần lưu ý tổ hợp thiên tai mưa, bão, lũ có khả năng xảy ra dồn dập. Ngoài ra, các hiện tượng mưa lũ kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh, gió đông mạnh thì có khả năng xảy ra mưa rất lớn ở khu vực miền Trung.

Do đó, các đô thị miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Hội An... có nguy cơ mưa lũ rất cao; khả năng xảy lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi từ Thanh Hóa trở vào Quảng Ngãi sẽ nhiều hơn các năm.

Đối với khu vực Bắc Bộ, ông Hưởng cho biết mùa mưa sẽ tập trung chính từ nay cho đến tháng 9. Đây là một trong những khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất. Thời gian qua, dù mới bắt đầu mưa nhưng đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, do đặc điểm địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu gió mùa với cường độ mưa lớn trong mùa mưa, sạt lở đất đá ở khu vực miền núi là một trong những thiên tai thường xuyên xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La rất dễ xảy ra sạt lở đất đá do địa hình hiểm trở và mưa lớn. Các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng thường xuyên xảy ra sạt lở đất do có độ dốc lớn và mưa lớn.

Những vùng núi càng cao sẽ càng có nguy cơ xảy ra thiên tai và sạt lở. Bản chất là do sau những trận mưa liên tiếp nhiều ngày, nước sẽ làm cho các tầng đất đá bồi giảm tác dụng ma sát. Dưới tác dụng của trọng lực, những loại đất đá này sẽ có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Đây cũng chính là nguồn gốc của những sự trượt lở hay lũ được hình thành.

Khuyến cáo kịp thời cho người dân

Mưa lớn gây ngập tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, ngày 9/6/2024. Ảnh: TTXVN phát

Mưa lớn gây ngập tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, ngày 9/6/2024. Ảnh: TTXVN phát

Trước tình hình đó, các chuyên gia địa chất, khí tượng thủy văn đã đưa ra những khuyến cáo ứng phó với lũ quét và sạt lở đất cho người dân.

Theo các chuyên gia, sạt lở đất là hiện tượng địa chất có tính nguy hiểm cao. Hiện tượng này xảy ra khi có một khối đá, một tầng đất hoặc những khối mảnh vụn của đất đá rời rạc trượt xuống triền núi hoặc đồi, thậm chí một địa tầng. Sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ đâu từ thành phố, thị trấn tới các khu đồi núi cao.

Một số dấu hiệu giúp sớm nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất như: Mưa nhiều ngày, mưa lớn; có vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, màu nước sông, suối từ trong chuyển thành đục...; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất.

Sạt lở đất bắt nguồn từ những tác động của ngoại lực vào khối đất đá trên mái dốc, đỉnh đồi làm đất đá vỡ ra và lăn xuống với vận tốc lớn. Ngoại lực này thường đến từ những cơn mưa lớn, tuyết tan, động đất hay vỡ đập thủy điện. Lượng nước lớn đổ xuống khu vực sẽ làm phân rã các mối liên kết của đất đá và rễ cây, thảm thực vật gây ra sạt lở đất.

Hiện nay, đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức. Các công trình dân sinh dưới chân núi ảnh hưởng tới địa tầng. Kết hợp cùng các cơn bão dữ dội, tình trạng sạt lở đất ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo các chuyên gia, để phòng ngừa và giảm thiểu tối đa hậu quả do sạt lở gây ra, cần chủ động theo dõi các thông tin về thời tiết để nắm bắt tình hình khu vực và sơ tán khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường trồng rừng, tăng lớp phủ bề mặt cho đất. Trồng rừng là biện pháp an toàn để chống sạt lở đất, do đó, không được khai thác rừng bừa bãi. Đồng thời, cần thực hiện quy hoạch đô thị hợp lý, đảm bảo cấu trúc đất và an toàn cho người sử dụng đất; gia cố nhà cửa, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ.

Cũng theo các chuyên gia, 100% các nhà máy thủy điện trong khu vực cần đảm bảo an toàn thủy điện, phòng chống các trường hợp vỡ hồ chứa, xả lũ đột ngột gây các rủi ro về lũ lụt và sạt lở đất.

Chính quyền địa phương cần chú ý các biến đổi bất thường như nước sông từ trong thành đục; cây nghiêng ngả trong cơn mưa lớn dài ngày; các vết nứt bất thường trên tường nhà, núi đồi, mái dốc; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển cùng các tiếng động lạ… để thông báo cho chính quyền địa phương gần nhất. Đồng thời, sử dụng rọ đá, thảm đá và vải địa hình để chống xói mòn, rửa trôi đất…

Tiến sỹ Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, Viện đang triển khai thực hiện 2 Đề án "Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi" và "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam".

Theo Tiến sỹ Trịnh Hải Sơn, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một Trung tâm cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá; đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá.

Ngoài ra, các hệ thống cảnh báo sớm về trượt lở đất đá theo thời gian thực tại một số địa điểm là những công cụ vô cùng quan trọng cho công tác cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.

Thu Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/mua-bao-tang-tan-suat-chuyen-gia-khuyen-cao-giai-phap-ung-pho-lu-quet-sat-lo-dat-20240822154458782.htm