Mùa bắt dông

Quê tôi - vùng đất cát ven biển, một thời nổi tiếng “thủ phủ dông”. Ngày xưa qua hết tháng Giêng, thời tiết bắt đầu nắng gắt, công việc đồng ruộng tạm ổn, người dân tranh thủ đi bắt dông để cải thiện bữa ăn và làm mồi “đưa cay”…

Dông là một loại bò sát (thuộc loài máu lạnh), sống thích nghi vùng đất cát tự nhiên, chúng đào hang để trú ngụ và thường ra khỏi hang để tìm thức ăn và điều hòa thân nhiệt vào buổi sáng, rồi vào hang lúc xế chiều. Thức ăn ưa thích nhất của chúng là các loài cỏ dại, nước uống chủ yếu là những hạt sương trên cỏ.

Tầm 9 giờ sáng thì đội quân bắt dông khởi hành, dụng cụ mang theo là cần dông, chỉ khác nhau về độ dài của cần và độ lớn của ống tre để phù hợp với độ rộng của miệng hang nơi dông ở.

Chủ nhật, những đứa trẻ xóm tôi háo hức được theo cha, theo chú đi bắt dông. Ngày đó ở những bãi soi hay những bãi cát của rừng dương (phi lao) rộn tiếng í ới của những người đi bắt dông …

Tài “săn” dông hơn nhau ở chỗ biết hang nào có ,hang nào không có dông. Cha tôi giải thích: “Nhìn kích cỡ miệng hang biết dông lớn hay nhỏ và trước cửa hang có dấu chân mới và đường lằn trên mặt cát do đuôi của nó để lại… ắt là có dông, nếu cũ thì hang đó không còn dông”.

Muốn bắt được dông, ngoài kinh nghiệm còn phụ thuộc vào sự khéo tay để làm cần dông. Hồi ấy, cha tôi lấy thanh tre dài hơn nửa thước, chọn hai phần ba thanh tre vót mỏng để có độ bật nảy, lắp ống tre già chiều dài chừng sáu phân, miệng ống tre cắm bắt dông lớn thì hơn sáu phân, bắt dông nhỏ hơn bốn phân.

Trên ống tre khoan một lỗ bằng đầu đũa, đầu cần cột sợi dây nhợ và thắt nút thòng lọng, trên sợi dây cha làm một cái cò (chốt, cái lẩy)… Tìm và xác định hang có dông, cha tôi cắm chiếc cần dông luồn xỏ sợi dây qua lỗ ống tre, nhẹ nhàng dùng ngón tay bung nhẹ nút thòng lọng ra ép theo trong ống tre và gài cò… Cha cũng không quên ngắt vài cọng cỏ non rải trước cửa hang để dụ dông mau chui ra ăn cỏ để sập bẫy.

Tầm xế chiều, người lớn đi thu cần và gỡ dông bỏ vào giỏ lưới sắt đem về chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Rừng dương rộng, người bắt dông đông đảo nhưng không ai lấy trộm của nhau và không bao giờ mất cần dông vì hang dông của người nào người ấy cắm một cây cờ “đuôi nheo” màu sắc, kích cỡ khác nhau để làm dấu…

Chúng tôi xin cha một hai con dông nán lại chia nhau tìm củi dương đốt lửa, lấy que xiên con dông, hơ qua lửa ngọn sem sém lớp da, để nguội lột sạch da bên ngoài, kéo bỏ ruột, đem nướng lại trên lửa than cho tới khi mỡ vừa rỉ ra, thịt dông có màu vàng ươm là ăn được...

Thịt dông chế biến được nhiều món, nhưng thông thường, người dân quê tôi làm thịt dông, bằm nhuyễn với gia vị, vò viên nấu canh đu đủ. Da và đuôi dông làm sạch rồi chiên xù, làm mồi nhậu…

Khu rừng dương quê tôi giờ đã quy hoạch khu dân cư nam thành phố, việc bắt dông đã lùi vào dĩ vãng. Với tôi, mùa bắt dông trở thành kỷ niệm đẹp, và thịt dông là một món ngon không thể quên trong ký ức!

HOÀNG HÀ THẾ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/253558/mua-bat-dong.html