Mùa cạo mủ mới ở vùng cao

Về các xã Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) thời gian này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của đồng bào nơi đây khi giá mủ cao su tăng trở lại mang theo nhiều hy vọng vụ mùa mới.

Mùa cạo mủ mới ở vùng cao

Người dân bán mủ cao su cho Trạm thu mua mủ cao su Đông Giang.

Người dân bán mủ cao su cho Trạm thu mua mủ cao su Đông Giang.

3 giờ sáng, hai vợ chồng chị K’Thị Huyên ở xóm 4 – thôn 2, xã Đông Giang đã dậy chuẩn bị đồ nghề gồm dao cạo, găng tay và chiếc đèn pin đội đầu đi cạo mủ cao su. Những hộ dân khác cũng thế với sự hăng hái, vì mủ cao su mùa này đang có giá cao. Hơn 20 năm gắn bó với cây cao su, chị Huyên nói: “Nghề cạo mủ cao su khá nhọc nhằn nhưng đi nhiều rồi cũng thành quen, chỉ lo mủ rớt giá không ai lên rẫy thôi…”.

Năm 2000, chị Huyên trồng 200 cây cao su theo Đề án 327 Nhà nước hỗ trợ, thấy hiệu quả chị mua đất, năm 2012 mở rộng diện tích trồng cao su lên diện tích 2ha. Một thời, cây cao su mang lại thu nhập cao cho gia đình chị cũng như nhiều đồng bào vùng cao Đông Giang, La Dạ. Thế nhưng, mấy năm gần đây, mủ cao su liên tục rớt giá, có lúc chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg khiến nhiều hộ bỏ vườn cây không chăm sóc. Riêng chị Huyên vẫn bám vườn. Cây cao su thời gian sinh trưởng dài phải mất 6 - 7 năm mới cho khai thác, khi cây chưa khép tán chị trồng xen thêm các cây ngắn ngày như đậu, bắp… theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” vừa cải tạo đất, chống xói mòn, giữ độ ẩm cho đất, mà còn tạo thu nhập thêm để đầu tư cây cao su. “Giá mủ cao su nhích dần lên, gia đình mình chủ yếu tự cạo lấy công làm lời chứ không thuê công bởi lo ngại thuê thợ cạo nếu không đúng kỹ thuật cạo sẽ bị phạm không còn mạch cạo”, chị Huyên cho biết. Với khoảng 700 cây cao su, Trạm thu mua mủ cao su Đông Giang mua mủ chén đông với giá hiện tại 13.000 đồng/kg, ngày cạo ngày nghỉ cũng đem về cho gia đình chị thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi lần cạo. Còn anh Nga Minh Tân ở thôn 1, xã La Dạ cũng chung niềm vui khi vườn cao su 400 cây gia đình anh đang cho khai thác. Anh Tân nói: “Dù chưa bằng thời kỳ được ví là “vàng trắng”, nhưng giá mủ cao su hiện nay đã là niềm vui với đồng bào nơi đây bởi cho thu nhập cao hơn một số cây trồng khác ở xã”.

Ông Tạ Quang Bảo – Quản lý Trạm thu mua mủ cao su Đông Giang cho biết: “Trước tín hiệu mừng khi giá thu mua tăng lên tạo niềm phấn khởi cho đồng bào. Trước khi thu hoạch, trạm đã hướng dẫn bà con kỹ thuật cạo mủ, qua kiểm tra bà con cũng nắm kỹ thuật tương đối, nhờ vậy lượng mủ thu mua vụ này tăng lên”.

2 xã Đông Giang, La Dạ hiện có hơn 250 ha cao su được trồng từ Dự án trồng và chăm sóc cây cao su của tỉnh do Ban Dân tộc tỉnh triển khai năm 1997. Qua thời gian khai thác hiện một số diện tích vườn cao su đã bị kiệt, không ra mủ hoặc ra mủ ít, sản lượng, chất lượng mủ thấp... Thực hiện chủ trương của tỉnh, thời gian tới sẽ triển khai Đề án tái canh cây cao su trên địa bàn 2 xã này. Vì thế, giá mủ cao su đang tăng hiện tại là yếu tố quyết định để triển khai đề án thuận lợi.

T.Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/mua-cao-mu-moi-o-vung-cao-140735.html