Mùa chôm chôm chín muộn với nhiều nỗi lo

Mọi năm, vào tháng 4, nhiều vườn chôm chôm trên địa bàn tỉnh đã chín đỏ, khoảng một tháng sau đó là chín rộ. Nhưng năm nay, hiện chỉ có một số vườn bắt đầu có trái chín, chôm chôm vào vụ trễ từ 1-2 tháng so với vụ thu hoạch thường kỳ.

Thu hoạch chôm chôm sớm tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên

Thu hoạch chôm chôm sớm tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên

Không chỉ trễ vụ, nhiều nhà vườn trồng chôm chôm bị mất mùa nặng. Nguồn cung ít nhưng giá chôm chôm đầu mùa cũng nhanh hạ nhiệt, khiến nông dân trồng chôm chôm lo vụ thu hoạch mất mùa, mất giá.

Chôm chôm bị dịch bệnh, mất mùa

Ở Đồng Nai, những vùng đất đen trồng chôm chôm thường cho thu hoạch sớm hơn ở những vùng đất đỏ. Mọi năm, thời điểm này, những vùng trồng chôm chôm đất đen đã chín rộ nhưng năm nay, hiện chỉ có một số ít vườn mới bắt đầu cho trái bói, sản lượng thu hoạch trái đầu mùa cũng giảm mạnh so với mọi năm.

Vùng chuyên canh chôm chôm tại ấp Ngô Quyền (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) nổi tiếng là vùng trồng chôm chôm cho thu hoạch sớm của tỉnh. Ngoài yếu tố thổ nhưỡng đất đen, nông dân trồng chôm chôm ở vùng này cũng có kinh nghiệm xử lý để cây trồng cho thu hoạch sớm. Mọi năm, từ tháng 3, nhiều nhà vườn ở đây đã bắt đầu thu hoạch chôm chôm. Nhưng năm nay, đến giữa tháng 5 mà vùng chôm chôm này chỉ mới có một số nhà vườn có trái chín.

Theo nhiều nông dân trồng chôm chôm tại xã Bàu Hàm 2, đợt chôm chôm đang làm bông thì gặp những cơn mưa trái mùa nên thay vì kết trái thì cây ra đọt, nên vụ thu hoạch năm nay vào vụ trễ từ 1-2 tháng so với mọi năm.

Tổng diện tích chôm chôm trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2024 còn khoảng 8,5 ngàn hécta, sản lượng 143 ngàn tấn. Kế hoạch năm 2025, toàn tỉnh còn hơn 8,1 ngàn hécta với sản lượng còn 142,7 ngàn tấn.

Đặc biệt, năm nay, dịch bệnh trên cây chôm chôm xuất hiện nhiều, diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân khiến cây trồng này mất mùa nặng. Trong đó, bệnh phấn trắng và rầy trắng gây hại cho cây chôm chôm rất nhiều. Cụ thể, khi chôm chôm bị phấn trắng bám trên trái, nhẹ thì trái bị đèo, mẫu mã xấu nên bán mất giá, nặng thì trái bị khô mất thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Phượng, nông dân trồng 3 hécta chôm chôm tại xã Bàu Hàm 2, cho biết vụ thu hoạch năm nay, năng suất chôm chôm của gia đình bà giảm khoảng 50% so với vụ năm ngoái. Hiện nhiều cây chôm chôm mới trổ bông thì xem như mất trắng. Trong đó, chôm chôm Thái bán được giá cao mất mùa nặng hơn chôm chôm thường. Dịch phấn trắng lây lan nặng khiến nhà vườn tốn chi phí hơn nhiều trong xử lý bệnh.

Vườn chôm chôm rộng gần 1 hécta tại xã Bàu Hàm 2 của ông Nguyễn Ngọc Toàn hiện là một trong số ít nhà vườn trong vùng có chôm chôm chín sớm, năng suất, chất lượng cũng đạt hơn các vườn xung quanh. Tuy nhiên, năm nay, năng suất chôm chôm của gia đình ông Toàn giảm khoảng 30% so với vụ thu hoạch năm ngoái, mẫu mã chôm chôm cũng không đẹp bằng mọi năm. Theo ông Toàn: “Đây là vùng chôm chôm thường cho thu hoạch sớm vì ngoài yếu tố thổ nhưỡng, nông dân địa phương có kỹ thuật để xử lý ra hoa, kết trái sớm để bán được với giá tốt. Việc xử lý cho cây thu hoạch sớm cũng có nhiều rủi ro vì chi phí đầu tư cao hơn, có thể mất mùa khi thời tiết biến động bất thường như vừa qua”.

Lo giá bấp bênh

Ngoài nỗi lo mất mùa, trễ vụ, nông dân còn lo vụ thu hoạch thất thu về giá. Điều này thể hiện qua sự biến động thất thường của giá chôm chôm đầu vụ. Cụ thể, khoảng một tháng trước, chôm chôm có giá rất cao. Chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái loại đẹp thương lái mua với giá 45 ngàn đồng/kg, chôm chôm thường có giá từ 25-28 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ sau 2-3 tuần, chôm chôm Thái, chôm chôm nhãn chỉ còn khoảng 30 ngàn đồng/kg, chôm chôm thường chỉ còn từ 15-18 ngàn đồng/kg. Theo nông dân trồng chôm chôm, đầu mùa năm nay nguồn cung ít nên chôm chôm bán được với giá cao. Thế nhưng, giá chôm chôm đầu mùa cũng “hạ nhiệt” rất nhanh nên đa số nông dân trồng chôm chôm không được hưởng lợi.

Bà Đặng Thúy Nga, thương lái thu mua chôm chôm trên địa bàn huyện Xuân Lộc, nhận xét nhiều vùng trồng chôm chôm năm nay bị mất mùa nhưng có nhiều vùng vẫn đạt về năng suất nên nguồn cung vẫn dồi dào. Điểm khác biệt lớn nhất là mọi năm, vùng đất đen trồng chôm chôm thường cho thu hoạch sớm hơn các vùng đất đỏ. Theo đó, chôm chôm đất đen thu hoạch gần xong thì các vùng chôm chôm đất đỏ mới chín rộ. Nhưng năm nay, do yếu tố thời tiết, các vùng chôm chôm đất đen và đất đỏ sẽ thu hoạch cùng thời điểm. Dự đoán khi rộ vụ thu hoạch, nguồn cung chôm chôm dồi dào có thể sẽ làm mặt hàng trái cây này giảm giá mạnh.

Chia sẻ câu chuyện phát triển cây chôm chôm bền vững, ông Huỳnh Văn Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, cho biết ấp Ngô Quyền là vùng trồng chôm chôm tập trung nhất ở xã Bàu Hàm 2, với khoảng 125 hécta. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, vùng chuyên canh chôm chôm này thường đạt năng suất cao, chất lượng ngon. Chôm chôm tại địa phương được sản xuất theo quy trình VietGAP, đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Nhưng đầu ra cho trái chôm chôm vẫn khá bấp bênh vì chỉ bán cho thương lái, chưa kết nối được chuỗi tiêu thụ từ sản xuất đến phân phối. Nông dân trồng chôm chôm tại địa phương rất mong được hỗ trợ trong kết nối về đầu ra, vào được các kênh tiêu thụ ở siêu thị để phát triển bền vững hơn.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/mua-chom-chom-chin-muon-voi-nhieu-noi-lo-8293b5f/