Mua cổ phiếu địa ốc mà chỉ chọn giá rẻ coi chừng 'hốt rác'
Đầu tư cổ phiếu BĐS mà chỉ chọn cổ phiếu giá rẻ, không quan tâm đến yếu tố khác thì coi chừng 'hốt rác'.
Tại Hội thảo về cổ phiếu bất động sản (BĐS) với chủ đề “Chiến lược đầu tư thời COVID-19” được tổ chức sáng ngày 18-11 tại TP.HCM, ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM cho biết: “Hiện nay, số lượng công ty niêm yết có mức vốn hóa trên 1 tỉ USD đã có 30 doanh nghiệp trên cả hai sàn, chủ yếu thuộc nhóm tài chính ngân hàng và BĐS.
Riêng cổ phiếu BĐS tính chung trên toàn thị trường thì giá trị vốn hóa lên đến hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23%.
Chứng khoán vẫn “ngon” hơn tiền gửi ngân hàng
Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 là thách thức chung với nền kinh tế và thị trường BĐS. Hầu hết doanh nghiệp BĐS đều đang đối diện với khó khăn khi các dự án vẫn đang bị tắc nghẽn, nguồn cung bị sụt giảm, thị trường trầm lắng do tâm lý e dè của các nhà đầu tư…
Những khó khăn của thị trường đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết khi doanh thu sáu tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, 20 doanh nghiệp báo lỗ, 35 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận.
Mặc dù vậy, ông Năng vẫn lạc quan cho rằng khó khăn của thị trường chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, nhu cầu mua BĐS để ở và đầu tư vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất cho vay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm.
Chính vì vậy, cổ phiếu BĐS vẫn là nhóm được các nhà đầu tư quan tâm và có tiềm năng tốt để đầu tư.
“Tuy nhiên, đây là nhóm cổ phiếu có sự phân hóa mạnh mẽ với nhiều cổ phiếu tăng mạnh song vẫn có cổ phiếu giảm sâu. Vì thế, các nhà đầu tư cần sàng lọc, đãi cát tìm vàng, lựa chọn những cổ phiếu tốt để xuống tiền” - ông Năng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng: “Thời gian khó khăn của thị trường đã qua và sắp tới mở ra cơ hội trung và dài hạn cho nhà đầu tư chứng khoán, trong đó có cổ phiếu của nhóm ngành BĐS.”
Đưa ra một số quan sát về đầu tư tài chính, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết trong số nhiều kênh đầu tư thì cần phải ưu tiên lựa chọn BĐS, chứng khoán.
Thực tế là cho dù kinh tế chịu tác động rất nhiều từ dịch COVID-19 nhưng theo số liệu thống kê trong năm 2020, số tài khoản cá nhân tăng rất mạnh, tính thanh khoản của thị trường khá cao, chỉ số VN Index từ “đáy” vào tháng 3 đã bật tăng tốt.
Tuy nhiên, ít nhất là từ nay cho đến giữa năm 2021 vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để lướt sóng. Đây là thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ.
“Mặc dù việc tiếp cận vốn thuận lợi hơn nhưng đừng quá kì vọng vào đòn bẩy tài chính; kỳ vọng sự phát triển tại các tỉnh; sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn” - Ts. Võ Trí Thành đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.
Không phải cứ rẻ là “ngon”
Để giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận, ông Phương nói: “Đối với chứng khoán, dù đã phân tích và chọn lựa mã tiềm năng nhưng không phải cứ đổ tiền ra mua là có lợi nhuận. Bởi thị trường luôn có những phiên tăng giảm đan xen. Do đó, chọn cổ phiếu chiếm tỉ lệ thành công 50%-50% còn lại phải do nhà đầu tư biết tính toán thời điểm nào đề giải ngân hoặc chốt lời.
“Khi chọn cổ phiếu, nhà đầu tư cần phải xem xét đến nhiều yếu tố như định hướng phát triển của doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết mà mình định đầu tư như thế nào, các sản phẩm mà họ sắp tung ra có phù hợp với đa số nhu cầu của người tiêu dùng không, doanh nghiệp đó có quỹ đất để liên tục phát triển dự án hay không, lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp tốt không, chi phí tài chính không quá cao…” - ông Phương tư vấn.
Ông Nguyễn Minh Khang, TGĐ công ty LDG cho rằng với nhà đầu tư lướt sóng thì mới cần quan tâm đến những yếu tố liên quan đến định hướng phát triển của doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh… Còn nhà đầu tư với xu hướng trung, dài hạn thì cứ thấy mã cổ phiếu nào dưới mệnh giá (tức là giá dưới 10.000 đồng/cp) thì nên mua.
Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Tổng giám đốc Netland cho rằng: “Khi đầu tư cổ phiếu thì nhà đầu tư cần phải tìm hiểu tình hình tài chính, năng lực của doanh nghiệp. Nếu mua cổ phiếu chỉ vì thấy giá rẻ quá mà chẳng may rơi đúng vào doanh nghiệp tình hình tài chính xấu thì gom cổ phiếu đó không khác gì… hốt rác.”
Nói về cách thức đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng giám đốc Thủ Đức House, cho dù lướt sóng hay dài hạn thì rõ ràng chiến thắng không bao giờ dành cho số đông.
“Ai cũng biết đầu tư là để kiếm lợi nhuận cao hơn so với lãi suất tiền gửi nên cũng xác định rủi ro sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải cân nhắc xem năng lực tài chính của mình ra sao, tiền nhàn rỗi hay là vốn đi vay… rồi mới tiến hành đầu tư. Nếu không xác định được các bước cơ bản kể tên thì tốt nhất nên chọn kênh đầu tư khác để khỏi nhức đầu” – ông Chinh nói.