Mùa con ong đi lấy mật
Nếu bạn có ý định đến thăm Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió thì hãy đến vào tháng ba. Khi ấy, Tây Nguyên đã qua những tháng ngày rét kéo dài của mùa đông. Tháng ba đến nhẹ nhàng như tà áo trắng căng tràn của thiếu nữ độ xuân thì.
Tháng ba không rực rỡ vàng như những bông hoa dã quỳ ngày đầu đông; không ảm đạm, dai dẳng mưa của ngày hạ. Tháng ba dịu dàng e ấp màu trắng tinh khôi của những chùm hoa cà phê phủ kín núi đồi như những bông tuyết rơi trái mùa với hương thơm thoang thoảng nhẹ nhàng, thu hút sự đắm say lòng người, sự chăm chỉ của những chú ong nâu.
Tôi đến thăm nhà chị Phạm Thị Quế (xã Tiên Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai)-giáo viên Trường Tiểu học Lương Thạnh. Ngoài công việc giảng dạy, thời gian rảnh chị dành cho rẫy cà phê rộng hơn 1ha của mình. Chị say mê tháng ba của Tây Nguyên. Chị từng viết những trang văn thật đẹp về nắng vàng ươm dịu nhẹ đủ để sưởi ấm cho vạn vật. Màu trắng và hương thơm của hoa cà phê làm cho chị quên đi bao nỗi nhọc nhằn, vất vả. Và chị mong đến mùa tháng ba Tây Nguyên, một tháng rất đẹp đã đi vào văn chương. Công việc trồng cà phê của chị Quế dẫu vất vả nhưng cũng đầy niềm vui, khi nhìn cây cà phê phát triển, ra hoa và đơm trái. Tôi và chị thong dong dạo trên những con đường mòn. Chị giới thiệu về khu vườn nằm xuyên suốt trong rẫy cà phê của mình, nào là bí, là khoai, là sắn…. Được hít thở không khí trong lành và hương thơm của hoa cà phê khiến tôi ngây ngất. Điều mà ở thành phố đông đúc, tôi không bao giờ cảm nhận được. Rẫy cà phê là một nguồn thu nhập thêm của gia đình chị nhưng đối với một số người nông dân trong khu vực, rẫy cà phê là nguồn thu nhập duy nhất. Mấy năm nay cà phê rớt giá liên tục khiến đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng khá nhiều, dù cho họ có chuyển đổi qua trồng thêm tiêu, trồng hạt điều, hạt sachi nhưng dường như cũng không xoay chuyển được tình thế là bao. Mỗi ngày những người nông dân vẫn phải bỏ thêm tiền của và bao công sức để chăm sóc rẫy cà phê của mình với hy vọng ngày mai tươi sáng, ngày mai giá cà phê, giá tiêu sẽ tăng lên để họ bớt gánh lo cho nợ nần, cho cuộc sống mưu sinh hằng ngày. Nhớ những ngày còn đi học, tháng ba đến, tôi lại háo hức rủ bạn bè vào vườn cà phê để chụp hình với những bông cà phê trắng muốt, mà có lẽ cái sở thích ấy vẫn còn giữ nguyên tới bây giờ. Cũng sẽ không có gì là lạ khi nhạc sĩ Văn Thắng viết nên những giai điệu và lời ca trữ tình, đầy phóng khoáng: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông...”.
Đánh dấu tháng ba Tây Nguyên nhẹ nhàng như những cánh bướm và đây là một đặc trưng mà không thể không nhắc đến. Những cánh bướm vàng tràn ngập khắp các con đường phố núi trong cái nắng ươm vàng dễ chịu. Nếu đi đến Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng… sẽ thấy những cánh bướm màu vàng nhạt, bay phủ kín những con đường, tạo nên vẻ đẹp không thể lẫn vào đâu được của tháng ba Tây Nguyên. Tôi vẫn còn nhớ, một lần tôi đi chuyến xe từ Quy Nhơn lên Pleiku, Gia Lai. Ngồi cạnh anh tài xế khá vui tính tên là Phúc, anh hỏi tôi: “Em có biết đặc sản tháng ba của Tây Nguyên là gì không?”. Tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi bảo: “Có phải là hoa cà phê không anh?”. Anh lắc đầu và cười: “Dân Gia Lai mà không biết thì dở quá! Đó chính là những cánh bướm! Ngày nào đi lên đi xuống, anh đều thấy những cánh bướm tràn ngập khắp các nẻo đường, chỗ nào cũng có những cánh bướm vàng ngập phố”. Lúc này tôi mới nhìn theo hướng tay anh chỉ, đúng là chỗ nào cũng có bướm vàng dập dìu bay, có khi bay từng đàn, có khi chỉ một vài con. Ngồi nhìn những cánh bướm mỏng mảnh bay qua trong cái nắng dịu nhẹ, chợt thấy lòng bình yên đến lạ. Đúng là những cánh bướm vàng năm nào cũng thấy, nhưng tôi không hề để ý đến chúng, cứ như sự hiện diện của chúng là một sự hiển nhiên, cứ vô tình lướt qua trong những bộn bề của cuộc sống. Khi nghe những lời anh Phúc nói, tôi đã chú ý hơn những cánh bướm và như thói quen tháng ba năm nào tôi cũng ngóng những cánh bướm vàng xuất hiện, cứ dập dìu bay trong gió. Mà rất lạ, chúng luôn bay theo một hướng từ tây sang đông mà không thấy bay chiều ngược lại. Giờ đây, ngoài những bông hoa cà phê trắng muốt, đặc sản trên mảnh đất đỏ bazan phải kể thêm những cánh bướm vàng.
Tháng ba Tây Nguyên, cũng là thời điểm mà các dân tộc thiểu số ở đây tổ chức hoạt động lễ hội, như người Gia Rai và Ba Na tổ chức lễ Lih (còn gọi là lễ tạ ơn, lễ cầu sức khỏe), lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa... Ngoài ra, còn có các lễ hội tâm linh khác, như: Lễ bỏ mả (pơ thi), được tổ chức để cúng vong linh người dưới mộ và các thần linh với mục đích cầu xin các vị thần phù hộ cho linh hồn những người quá cố. Anh Thành, bạn tôi, đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, năm nào cũng về thăm Pleiku vào tháng ba, tháng của lễ hội, của những điều đặc sắc của Tây Nguyên. Anh cùng tôi đi thăm những ngôi làng của người Gia Rai và Ba Na. Anh Thành là người thích tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên nên luôn háo hức khi mùa lễ hội của người Tây Nguyên diễn ra. Vì thế, gần như anh không bỏ sót một lễ hội nào diễn ra ở quê hương tôi. Và tôi cũng mong chờ anh đến, để giới thiệu với anh về những nét đẹp của Tây Nguyên, mà cho dù đã đi đến bao nhiêu lần, bạn cũng sẽ muốn quay trở lại với mảnh đất và con người của Tây Nguyên.
Và tháng ba năm nay lại về, cùng với sự phát triển của xã hội, những tòa nhà mới được mọc lên trên những triền đất trống đầy cây xanh, cà phê trước kia. Không gian của những cánh đồng cà phê bị thu hẹp lại, những cánh bướm sẽ dần ít đi. Và tương lai không biết mỗi độ tháng ba về, những cánh bướm vàng có xuất hiện rực rỡ như bây giờ, hay sẽ ít dần rồi mất đi mãi mãi và chỉ còn trong tâm thức của những đứa trẻ sinh thời… Nhưng tôi tin, tháng ba Tây Nguyên vẫn sẽ là tháng đẹp nhất của vùng đất đỏ bazan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-con-ong-di-lay-mat-611151