Mùa cưới 'im ắng', doanh nghiệp chờ từng ngày 'cởi trói' thị trường vàng
Hầu hết, các chuyên gia đều ủng hộ việc sửa đổi Nghị định 24, thay thế bằng quy định cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu, thay vì độc quyền như trước.
Mùa cưới “im ắng”
Mọi năm, thời điểm này là cao điểm của “mùa cưới”, nhiều doanh nghiệp vàng bạc, trang sức tung ra nhiều bộ sưu tập để thu hút, kích cầu thị trường. Tuy nhiên, “mùa cưới” năm nay có phần trầm lắng hơn mọi năm, một phần là do giá vàng lên quá cao và thị trường đang trong tình trạng khan hiếm vàng nguyên liệu.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Trang sức Em và Tôi cho biết: Theo quy trình, các doanh nghiệp trang sức, mỹ nghệ sẽ nhập khẩu vàng nguyên liệu từ các đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép về sản xuất, chế tác thành trang sức, mỹ nghệ.
Các đơn vị được phép bán vàng nguyên liệu bao gồm Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và một số Ngân hàng Thương mại lớn.
Theo ông Tiên, thị trường vàng năm nay có rất nhiều biến động, thứ nhất giá vàng tăng phi mã, có thời điểm lên tới 90 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, do thị trường vàng khan hiếm nguồn cung, khiến các doanh nghiệp trang sức, mỹ nghệ rất khó tiếp cận nguồn nguyên liệu để sản xuất.
“So với mọi năm, nguồn cung vàng nguyên liệu năm nay có phần khan hiếm hơn. Mặc dù vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu số lượng vàng khá lớn, thế nhưng thị trường vẫn đang trong tình trạng khan hiếm. Vì vậy, dù đang trong mùa cưới, chúng tôi lại hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác”, ông Tiên nói.
Đồng tình với nhận định này, lãnh đạo một doanh nghiệp trang sức khác cho biết đã phải chật vật bổ sung nguồn cung vàng nguyên liệu cho mùa cưới năm nay.
Vị này cho rằng, cơ chế “độc quyền” thị trường vàng đã và đang làm khó các doanh nghiệp trang sức và mỹ nghệ. Đặc biệt, mỗi khi thị trường có biến động lớn về nguồn cung, các doanh nghiệp này ngay lập tức “ngấm đòn”.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp, đại diện là Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGAT) đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp tư nhân được trực tiếp nhập khẩu vàng miếng.
Tuy nhiên, “nút thắt” ở đây chính là Nghị định 24 quản lý hoạt động kinh doanh vàng, được ban hành từ năm 2012. Theo đó, Nghị định 24 không cho phép doanh nghiệp tư nhân được nhập khẩu vàng miếng. Mặt hàng này sẽ do Nhà nước độc quyền sản xuất, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Năm 2016, tức là cách đây 8 năm, VGAT có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập vàng nguyên liệu trở lại để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Đến năm 2020, VGAT tiếp tục có văn bản kiến nghị sửa Nghị định 24 theo hướng “cởi trói” cho doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Trong văn bản này, VGAT kiến nghị bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.
Lý do, theo Hiệp hội kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp, nên việc giao Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp.
Đến năm 2024, khi thị trường liên tục phá “đỉnh” và ghi nhận mức giá cao chưa từng có, VGAT một lần nữa có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 03 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ. 3 doanh nghiệp này sẽ nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác vàng nữ trang.
Như vậy, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp đang rất mong mỏi Ngân hàng Nhà nước có hành động cụ thể để “giải cứu” thị trường vàng, cũng như “giải cứu”các doanh nghiệp trang sức, mỹ nghệ.
Có nên cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng không?
Hầu hết, các chuyên gia đều ủng hộ việc sửa đổi Nghị định 24, thay thế bằng quy định cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Trang sức Em và Tôi cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng có thể giúp thị trường phát triển bền vững và minh bạch hơn. Trong trường hợp quy định này không được thông qua, tình trạng khan hiếm có thể vẫn sẽ tiếp diễn.
“Việc thị trường vàng khan hiếm sẽ dẫn đến hiện tượng chảy dòng vốn đầu tư từ các kênh đầu tư truyền thống sang các kênh phi truyền thống, đơn cử như tiền ảo, tiền số. Như vậy, việc tăng thu ngân sách từ các hoạt động đầu tư truyền thống như vàng sẽ dần mất đi hiệu quả”, ông Tiên nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích: Theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng. Nhưng mấy năm nay, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện việc nhập khẩu.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước phải giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng để nguồn cung trở nên dồi dào hơn, người dân có thể được mua vàng một cách thông thoáng hơn.
Theo ông Hiếu, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước nên chỉ là nhà quản lý, không phải thành phần trong thị trường. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang là thành phần của thị trường vì tham gia vào cung cầu, và tác động giá cả.
TS Hiếu đánh giá cái được khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát thị trường vàng là diệt trừ được hiện tượng vàng hóa, không khuyến khích việc người dân đầu cơ vào vàng. Khi người dân mua vàng và cất trong két thì nguồn lực này không đóng góp vào kinh doanh. Thay vì để tiền mua chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm, người dân lại nắm giữ vàng. Điều này là tốt.
“Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước phải hiểu rằng mua vàng hay tích trữ vàng là nhu cầu hợp lý, hợp pháp của người dân. Nhu cầu này cần được công nhận. Rất nhiều người dân chỉ có thể tiết kiệm bằng vàng, Họ không biết chơi chứng khoán, không có đủ tiền đầu tư bất động sản, tiền gửi tiết kiệm lại có rất thấp so với lợi nhuận do kinh doanh vàng. Thành ra rất nhiều, đặc biệt là người lao động muốn mua vàng tích trữ”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu nhận định Ngân hàng Nhà nước đã làm rất tốt việc giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, có thể nói là dập được cơn sốt vàng trong tháng 5 và tháng 6 nhưng ngược lại, nhu cầu mua vàng, tích trữ vàng lại không được đáp ứng. Cung cầu không được bình ổn.
Ông Hiếu ủng hộ quan điểm cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng khi mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và ổn định thị trường nhưng cũng phải dựa trên các cơ sở khoa học để tránh ảnh hưởng tới tỷ giá, ngoại hối.
Theo ông Hiếu, khi nguồn cung dồi dào, khách hàng là người được hưởng lợi nhiều nhất vì nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu nên họ không phải giao dịch trên “chợ đen” tiềm ẩn nhiều rủi ro như hàng kém chất lượng.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh tăng cung nhờ nhập khẩu sẽ có lợi cho người tiêu dung nhưng sẽ hao hụt phần nào dự trữ ngoại hối. Dù vậy, ông Hiếu cho biết thêm theo Hội đồng vàng, số lượng vàng tại Việt Nam tiêu thụ không quá lớn, không làm tổn thất quá nhiều ngoại tệ.
Để mà nhập khẩu vàng, TS Hiếu “hiến kế” Ngân hàng Nhà nước phải tính toán lượng ngoại hối. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước giao “quota” (hạn ngạch) cho các nhà kinh doanh vàng, cho phép họ nhập khẩu theo “quota” Ngân hàng Nhà nước ấn định. Điều này đã thực hiện trong quá khứ.
“Phần bất lợi không nhiều trong khi có lợi cho người dân, cho thị trường lại rất lớn. Nhờ đó, thị trường vàng ổn định, không lên xuống quá mạnh”, ông Hiếu bình luận.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đánh giá đấu thầu vàng chỉ là biện pháp ngắn hạn, còn về lâu dài phải là cho nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế tác hàng mỹ nghệ, vàng 9999. Ông Khánh cho biết Hiệp hội đã kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước để cho doanh nghiệp được nhập khẩu vàng.
Tại phiên chất vấn diễn ra trong ngày 11/11, chỉ rõ diễn biến vàng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.