Mưa đá to bằng nắm tay phá hủy nhà cửa: Dùng vật liệu nào để lợp mái?
Chuyên gia cho rằng, dùng mái tôn là giải pháp trước mắt giúp người dân vùng núi phía Bắc vượt qua mùa mưa đá, giông lốc xảy ra khi giao mùa đông, hạ.
Video: Mưa đá rơi như tiếng súng nổ ở Cao Bằng (Nguồn: Tây Bắc 24h)
Mới đây, mưa đá tại các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng và Yên Bái khiến người chết, hàng nghìn nhà cửa bị hư hại.
Giải thích về hiện tượng này, GS.TS Trần Thục - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu cho biết đây là kết quả của sự chuyển tiếp giữa mùa đông sang mùa hè. Khi gió mùa đến, không khí lạnh xuất hiện đẩy không khí nóng lên, tạo xáo trộn, đối lưu lớn và gây ra mưa đá. Hiện tượng thường xảy ra tại khu vực vùng núi phía Bắc - nơi tranh chấp giữa khối không khí lạnh ở trên và khối không khí nóng ở dưới.
"Hiện tượng mưa đá kích thước to như thế tuy rất nguy hiểm nhưng không phải bất thường, trong quá khứ từng xảy ra rồi. Điều bất thường là mật độ nhiều", ông Thục khẳng định.
Liên quan đến vấn đề mưa đá kích thước to gây ảnh hưởng đến nhà cửa người dân, TS. KTS Ngô Doãn Đức - Chủ tịch Liên đoàn tư vấn Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ông không tán thành ý kiến dùng vật liệu xi măng để lợp mái bởi cấu trúc dễ bị phá hủy do lượng mưa có khối lượng lớn, dày đặc, dữ dội.
"Dùng proximang nguy hiểm, không dùng được. Các viên ép nén này dễ vỡ, không chịu được mưa đá to bằng nằm tay như thế. Trước mắt, để khắc phục hậu quả chỉ có thể dùng mái tôn, trong đó có tôn mạ kẽm. Đây là loại vật liệu lợp, khắc phục được tác động do mưa đá do làm từ sắt, kẽm. Còn proximang, có thể chống đỡ được thời gian rất ngắn, sau đó dễ bị phá hủy", ông Đức nói.
Chuyên gia này cho rằng, mái tôn là vật liệu có thể khắc phục, chống lại thiên tai, còn các vật liệu khác đều cần cảnh báo về mức độ nguy hiểm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng phổ biến việc lợp mái nhà bằng tôn để đảm bảo an toàn cho người dân trước tình trạng mưa đá kéo dài gây thủng mái hay đổ sập nhà hoàn toàn.
"Chúng ta phải tính cả phương án khắc phục kịp thời và khắc phục lâu dài. Hoàn toàn có thể lợp tôn, nâng cấp kịp thời, thay thế mái ngói, mái thô sơ bị tàn phá bởi mưa đá. Về lâu dài, cần phải xem xét những vật liệu tích cực nhất về giá thành, tiện dụng cho người xây dựng, cung cấp cho bà con để chống lại mưa đá", ông Đức nhận định.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo khoảng cuối tháng 4 đến hết tháng 5 tới, các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ có nguy cơ tiếp tục xảy ra giông lốc, sét, mưa đá. Người dân cần liên tục theo dõi, cập nhật thông tin để chủ động biện pháp ứng phó, phòng tránh thiên tai.