Mua dâm nghìn đô, vì sao không công khai danh tính?
Trong vụ bán dâm nghìn đô có tiếp viên hàng không, người mẫu, nhiều người băn khoăn vì sao không công khai danh tính người mua dâm?
Thông tin Công an TP.HCM triệt phá đường dây tổ chức hoạt động môi giới mại dâm cho tiếp viên hàng không, người mẫu ảnh khiến dư luận xôn xao suốt mấy ngày qua.
Đây không phải là lần đầu tiên một đường dây mại dâm nghìn đô bị triệt phá, nhưng nó vẫn khiến nhiều người quan tâm bởi đối tượng tham gia và số tiền mua bán dâm.
Vỏ Thị Mỷ Hạnh, cựu tiếp viên hàng không, đã khai tại cơ quan công an rằng đang quản lý khoảng 30 cô gái là đồng nghiệp các hãng, hot girl, người mẫu… môi giới bán dâm cho khách với giá 1.000-3.000 USD mỗi lần.
Câu hỏi ai đã bỏ ra hàng nghìn USD - số tiền bằng lương cả năm của một người lao động bình thường để mua dâm, chắc chắn được nhiều người đặt ra. Tuy nhiên, câu trả lời không thể có được. Pháp luật hiện hành không cho phép công khai danh tính người mua dâm.
Việc công khai danh tính người mua bán dâm là vi phạm Hiến pháp năm 2013, gây ảnh hưởng đến đời sống bí mật riêng tư cá nhân gia đình. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".
Trên thực tế hành vi mua dâm và bán dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021. Trừ trường hợp mua dâm người dưới 18 tuổi sẽ bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, cách thức đăng tải thông tin, hình ảnh vụ bán dâm nghìn đô này cũng cho thấy một khía cạnh khác: Các quy định pháp luật liệu có đang được tuân thủ một cách nghiêm túc hay không?
Nhìn ở khía cạnh thượng tôn pháp luật, việc một số tờ báo và nhiều trang mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội cá nhân công khai danh tính, hình ảnh Vỏ Thị Mỷ Hạnh tại cơ quan điều tra có phù hợp hay không?
Theo quy định của pháp luật, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị buộc tội hay người mới bị khởi tố về hình sự thì chưa được xem là tội phạm.
Trong vụ bán dâm nghìn đô mà công an vừa triệt phá, thậm chí cơ quan công an còn chưa cả khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Tuy nhiên, hình ảnh của đối tượng (được cho là liên quan) đã xuất hiện tràn ngập trên các trang báo và mạng xã hội, dù về bản chất, đối tượng mới chỉ được coi là có dấu hiệu phạm tội.
Vậy báo chí đăng ảnh người bị buộc tội, bị can, bị cáo có đúng luật hay không?
Theo Luật Báo chí, trong các hành vi bị nghiêm cấm có hành vi tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án. Tuy nhiên, luật không quy định rõ cơ quan báo chí có được đăng hình ảnh của người bị khởi tố (bị can, bị cáo) trong các vụ án hình sự hay không.
Hiện, cũng chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn về việc cho hay không cho báo chí sử dụng hình ảnh của các bị cáo, bị can, người phạm tội.
Trong khi đó, Nghị định 119/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nghiêm cấm việc đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác. Nhưng “các trường hợp pháp luật có quy định khác” thì hiện nay chưa rõ.
Còn theo Bộ luật Dân sự, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng thì không cần xin phép.
Nhưng việc đăng hình ảnh bị can bị khởi tố có thuộc trường hợp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và không cần phải xin phép hay không? Đây là vấn đề còn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.
Tại nhiều nước trên thế giới, báo chí khi đưa tin các vụ án đều không đăng ảnh của người bị buộc tội mà dùng hình minh họa, hoặc làm mờ để bạn đọc không nhận diện được khuôn mặt của họ.
Trong vụ bán dâm nghìn đô vừa triệt phá, đặt giả thiết quá trình điều tra, cơ quan công an không chứng minh được Vỏ Thị Mỷ Hạnh phạm tội thì sẽ thế nào?
Điều này cũng đã có tiền lệ, đó là vụ 4 nữ tiếp viên hàng không xách 11kg ma túy về Việt Nam. Sau khi 4 người này được trả tự do, dư luận không khỏi xôn xao.
Không khó để lý giải tâm lý này, bởi ở ta, khi ai đó bị bắt thì nhiều người mặc nhiên cho rằng người đó phải có tội, mà không để ý rằng, suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản trong hệ thống nguyên tắc của tố tụng hình sự, đã được pháp luật quy định.
Trong khi chưa có quy định cụ thể, có lẽ báo chí nên cân nhắc việc công khai hình ảnh, danh tính người bị buộc tội. Và các cơ quan thẩm quyền cũng cần sớm giải thích pháp luật một cách rõ ràng, chi tiết. Thượng tôn pháp luật là điều cần thiết trong một nhà nước pháp quyền.
Luật sư Phan Minh Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Ban Mai, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)