Mưa đỏ - Bộ phim chiến tranh đặc biệt với ê-kíp chính toàn nữ
'Mưa đỏ' là bộ phim điện ảnh tái hiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đạo diễn Đặng Thái Huyền không chỉ khiến khán giả xúc động bởi câu chuyện bi tráng mà còn gây ấn tượng bởi một chi tiết hậu trường đặc biệt: phần lớn ê-kíp sản xuất chính là phụ nữ.
“Có lẽ ít đoàn làm phim chiến tranh nào như "Mưa đỏ" mà góp mặt trong ê-kíp sản xuất chính rất nhiều phụ nữ. Từ đồng chí Thường trực Ban chỉ đạo, Giám đốc sản xuất, Đạo diễn, đạo diễn âm thanh, dựng phim hiện trường…”, đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ. Chị mô tả những ngày ghi hình cam go với thuốc nổ TNT, súng đạn và vũ khí vây quanh các chị em, còn người đạo diễn thì “dịu dàng vẽ sơ đồ quả nổ, hiệu quả nổ của set quay”.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền
Điều khiến đạo diễn Đặng Thái Huyền xúc động là sự kiên cường và bản lĩnh của những người phụ nữ đứng sau ống kính – nơi không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn cao, mà còn cần cả sự nhạy cảm và sức bền thể chất giữa khói lửa chiến trường giả lập. “Phụ nữ làm phim chiến tranh có thể viết thành sách những kỷ niệm rất thú vị”, chị nói trong một khoảnh khắc đầy cảm xúc khi nhìn lại những hình ảnh từ teaser. “Khi teaser ra mắt, nhìn lại một vài hình ảnh… mấy chị em cứ ngồi nhìn nhau cười. Cũng rất gì và này nọ. Hy vọng khi ra mắt phim cũng gì và này nọ”, đạo diễn Đặng Thái Huyền hài hước nói.

"Mưa đỏ" là tác phẩm điện ảnh lớn do Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất, kịch bản của nhà văn Chu Lai. Phim lấy cảm hứng và hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường của quân và dân ta bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 – một trận đánh đã trở thành biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Chiến công ấy không chỉ được ghi tạc vào sử sách mà còn là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Hội nghị Paris và đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Teaser trailer của "Mưa đỏ" mở đầu bằng pháo hiệu chói lòa và những tiếng bom đạn dội về từ ký ức. Trong làn khói lửa đó là hình ảnh các chiến sĩ trẻ vượt sông Thạch Hãn, tiến vào chiến trường với lòng quả cảm và niềm tin mãnh liệt vào ngày độc lập. Những cảnh quay đầy bi tráng đan xen cùng khoảnh khắc bình dị nơi chiến tuyến: chiến sĩ làm thơ, viết nhạc, hay chỉ đơn giản là nở nụ cười lạc quan giữa những ngày bom đạn. Đạo diễn Đặng Thái Huyền khéo léo lồng ghép chất sử thi và yếu tố tâm lý, tạo nên một nhịp phim giàu cảm xúc mà vẫn giữ được sự dữ dội, chân thực của chiến tranh.
Để tái hiện không khí của mùa hè đỏ lửa năm 1972, đoàn phim đã dựng lại phiên bản mô phỏng Thành cổ Quảng Trị sát dòng sông Thạch Hãn – nơi từng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của hàng nghìn chiến sĩ. Từng hố bom, chiến hào, trạm phẫu thuật, sân bay dã chiến… đều được phục dựng một cách tỉ mỉ dưới sự hướng dẫn của các cựu binh và nhân chứng lịch sử. Bối cảnh ấy không chỉ giúp bộ phim thêm phần chân thực, mà còn là lời nhắc nhở xúc động về những mất mát, hy sinh vì nền độc lập dân tộc.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền, người từng thành công với nhiều tác phẩm chính luận – chiến tranh, một lần nữa chứng minh bản lĩnh và sự tinh tế của mình qua "Mưa đỏ". Với việc đưa nhiều phụ nữ vào tuyến sáng tạo của một phim chiến tranh – thể loại vốn gắn với hình ảnh đàn ông – bà đã thổi một làn gió mới vào cách kể chuyện chiến tranh của điện ảnh Việt.
“"Mưa đỏ" không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà còn là lời tri ân đến những người đã ngã xuống, là ngọn lửa yêu nước truyền lại cho thế hệ hôm nay”, đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ. Và trong ngọn lửa ấy, có cả ánh sáng dịu dàng mà kiên cường của những người phụ nữ làm phim chiến tranh – những người đang âm thầm kể lại lịch sử bằng tất cả trái tim và trách nhiệm của mình.