'Mưa đỏ': Nhà văn Chu Lai phá lệ, đạo diễn Thái Huyền khóc khi đọc kịch bản
Trận bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 với tầm vóc lớn lao và cảm xúc bi tráng cao độ là lý do nhà văn-nhà biên kịch Chu Lai 'phá lệ,' đạo diễn, đại tá Đặng Thái Huyền khóc như mưa khi đọc kịch bản.
Chiều 23/7, đoàn phim "Mưa đỏ" tổ chức sự kiện ra mắt tác phẩm tại Hà Nội. Sau "Mùi cỏ cháy," đây là phim điện ảnh thứ hai về "mùa hè đỏ lửa" Quảng Trị năm 1972.
Êkíp gồm nhà văn-tác giả kịch bản Chu Lai, đạo diễn-đại tá Đặng Thái Huyền, các diễn viên và nhà sản xuất chia sẻ nhiều câu chuyện hậu trường.
Cùng với đoàn phim còn có các nhân chứng sống, từng chiến đấu tại Quảng Trị 53 năm trước, góp phần tái hiện không khí về một trong những trận chiến khốc liệt nhất lịch sử Việt Nam, được ví như một "cối xay thịt người."
Chiến sỹ tử nạn chỉ kịp thốt lên “mẹ ơi, chị ơi”
Tại buổi ra mắt, nhà văn Chu Lai cho biết “Mưa đỏ” là một ngoại lệ trong đời sáng tác của ông.
Nhà văn cho biết thường viết từ truyện ngắn thành tiểu thuyết, từ tiểu thuyết thành phim, rồi từ phim thành cải lương, kịch… riêng “Mưa đỏ” được ông viết ngay ở dạng kịch bản điện ảnh từ năm 2010 - 6 năm trước khi tiểu thuyết cùng tên ra đời. Lý do là bởi sự kiện 81 ngày đêm có tầm vóc quá lớn.
“Ở mặt trận khi ấy nắng nóng như ‘sa mạc chiến.’ Chiến sỹ quần áo rách tơi tả, chấy rận đầy đẩu. Đến ngày mưa nước tràn vào các hầm hào. Có liệt sỹ hy sinh, thân thể phía trên cháy đen cháy đỏ vì nắng mặt trời, ở dưới ngâm nước, trắng nhũn như cá luộc.

Nhà văn Chu Lai (cầm mic) cùng giám đốc sản xuất-Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân Kiều Thanh Thúy (trái), đạo diễn-đại tá Đặng Thái Huyền (phải) và các diễn viên. (Ảnh: Anh Vũ/Vietnam+)
380 ngàn tấn bom đánh xuống. Có tử sỹ một ngày ‘chết’ tới 7 lần. Số người hy sinh nhiều quá không đem sang sông được phải chôn tại chỗ, tiếp tục chịu pháo dập bom dồn. Mỗi lần bom rơi cả thân thể họ lại bay lên không trung, đến nỗi cuối cùng chỉ còn một bàn bay lên. Viết kiểu gì cũng không bao giờ có thể lột tả hết tinh thần Quảng Trị. Bộ phim này có vạm vỡ tới mấy cũng cũng chỉ là một lát cắt mà thôi,” nhà văn nói.
Trận chiến thành cổ Quảng Trị năm 1972 nổi tiếng khốc liệt vì những màn giáp là cà quyết liệt cả ngày lẫn đêm cùng cường độ hỏa lực lớn.
Có mặt tại sự kiện, cựu chiến binh Đào Văn Phê – cựu chiến sỹ Tiểu đoàn K3 Quảng Trị (mật danh Tam Đảo)– không cầm được nước mắt khi xem một số trích đoạn phim.
“Đồng đội của chúng tôi hy sinh nhiều lắm. Vừa mới ngồi với nhau, địch đến chúng tôi xung phong, xác định trước sau cũng hy sinh.

Cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 Quảng Trị Đào Văn Phê. (Ảnh: Anh Vũ/Vietnam+)
Hôm nay xem những cảnh phim này tôi thấy tương đối sát với tình hình chiến trường. Chúng tôi rất tự hào vì là một thanh niên đã trực tiếp bảo vệ thành cổ. Mình còn sống là hạnh phúc lớn lao. Anh em ra trận đều mới mười tám, đôi mươi, khi hy sinh chưa biết yêu là gì và không bao giờ được biết đến không khí ngày 30/4, ngày mà chúng tôi được ôm nhau hò reo ‘Mẹ ơi, sống rồi.’ Đất nước có ngày hôm nay là bao xương máu đã đổ.”
Đạo diễn, đại tá Đặng Thái Huyền cũng khóc vì chi tiết này khi lần đầu đọc kịch bản lần đầu năm 2012. “Ngồi trong văn phòng đọc kịch bản lần đầu, nước mắt tôi không thể ngừng rơi. Chi tiết làm tôi khóc rất nhiều khi đọc kịch bản cũng như trên phim trường là cảnh những người lính vượt sông. Dưới pháo kích của địch, họ hy sinh chỉ có thể gọi ‘Mẹ ơi, chị ơi.’”
Nén tâm nhang cho người đã hy sinh
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi - tác giả “Nhật ký Nguyễn Văn Hợi: Từ Khe Sanh đến thành cổ Quảng Trị” cũng có mặt tại buổi ra mắt phim.
Ông cũng là chiến sỹ của Tiểu đoàn K3, là một trong 7 người hứa với Tư lệnh Lê Trọng Tấn: “K3 Tam Đảo còn thì thành cổ Quảng Trị còn.”
“Nhắc tới là rơi lệ,” ông Hợi xúc động. “Phim này không chỉ dành cho giới trẻ đâu mà còn cho cả thế hệ đã trưởng thành nữa. Hơn 1 triệu liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Con đường đi đến hôm nay không phải bánh mì và hoa hồng, mà là máu và xương của các chiến sỹ.”

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi chia sẻ sau buổi ra mắt phim. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Trong phim, một phần câu chuyện về K3 Tam Đảo được tái hiện qua Tiểu đội 1, Tiểu đoàn K3 Tam Sơn hư cấu. Tiểu đội 1 gồm các nhân vật trung tâm do Đỗ Nhật Hoàng (phim Ngày xưa có một chuyện tình), Lâm Thanh Nhã, Nguyễn Hùng (Đàn cá gỗ)… vào vai.
Đỗ Nhật Hoàng chia sẻ “Mưa đỏ” tuy mới là phim thứ hai của mình, nhưng chắc chắn là dự án lớn nhất sự nghiệp, nói “Chúng tôi hi vọng tác phẩm tới 30, 40 năm sau vẫn được nhắc lại.”
Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn chia sẻ ban đầu dự kiến quay phim trong 13 tuần, nhưng không đủ kinh phí nên rút xuống 10 tuần rồi cuối cùng chỉ 53 ngày quay.

Phim trường 50 ha của "Mưa đỏ." (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)
Anh cho biết toàn bộ ekip đã rất vất vả vì quay trong mùa mưa của Quảng Trị. "Có hôm 5 giờ chiều ra bối cảnh thì mưa tới 10 giờ, nếu chờ tiếp cũng không biết mưa có tạnh không. Hơn một tháng mưa dầm đề đã bào mòn ý chí của êkíp, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau mỗi ngày để lết đi từng bước một, hoàn thành đúng tiến độ.”
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thủy - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam - nói “Mưa đỏ” không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là nén tâm nhang và lời tri ân sâu sắc với những người lính đã anh dũng hy sinh trong 81 ngày đêm đỏ lửa, cùng những chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.
Chiến thắng năm 1972 tại Quảng Trị là một bước tiến quan trọng về nhiều mặt, dẫn đến Hiệp định Paris tháng 1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Trong "Mưa đỏ" cũng sẽ có phân đoạn tái hiện sự kiện này lịch sử này.
Đạo diễn, Đại tá Đặng Thái Huyền xác nhận với phóng viên Báo VietnamPlus sẽ có các diễn viên tái hiện các nhà ngoại giao tài ba của Việt Nam, như Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh và Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, tuy nhiên chưa có tiết lộ cụ thể các diễn viên này là ai.
"Mưa đỏ" sẽ ra mắt chính thức từ 22/8 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.