'Mùa đông' gọi vốn có thể kéo dài tới 18 tháng
'Tin không vui với các startup là trong bối cảnh lãi suất tăng, tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi, các nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với đầu tư mạo hiểm. Thứ mà họ quan tâm nhất lúc này là khả năng sinh lời và sử dụng vốn hiệu quả', đại diện VIGroup nói.
Trong bản công bố thông tin gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) vào đầu tháng 8, startup Kỳ lân WeWork cho biết, công ty có thể phá sản do các khoản lỗ và dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh không được cải thiện.
Trước đó, WeWork từng có định giá lên tới 40 tỷ USD vào năm 2019 và được "chống lưng" bởi SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son. Đến nay, vốn hóa thị trường của startup này liên tục sụt giảm và chỉ còn dưới 500 triệu USD.
Tại Ấn Độ, Kỳ lân edtech (công nghệ giáo dục) lớn nhất thế giới là Byju's cũng đang đối mặt với các cáo buộc gian lận, cũng như giảm định giá do 2 năm liên tiếp không tuân thủ các quy chuẩn báo cáo tài chính.
Startup này từng được định giá lên tới 23 tỷ USD trong năm 2022 nhờ liên tục chi hàng tỷ USD cho việc mua lại các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, điều này đã không giúp cho Byju's tăng doanh thu, mà còn khiến công ty ngày càng thua lỗ.
WeWork hay Byju's chỉ là 2 trong số rất nhiều các startup đang rơi vào tình thế khó khăn, thậm chí là có thể phá sản, trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu đang bước vào "mùa đông" gọi vốn dài chưa từng có.
Tính riêng trong quý 2/2023, vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã giảm gần 50% so với cùng kỳ. Tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư cho các startup công nghệ trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 41%, từ 113 triệu USD xuống còn 66 triệu USD.
Ông Đỗ Huy Dũng (David Đỗ) - CEO VIGroup cho rằng, "mùa đông" gọi vốn có thể kéo dài tới 18 tháng với các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam.
"Tin không vui với các startup là trong bối cảnh lãi suất tăng, tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi, các nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với đầu tư mạo hiểm. Thứ mà họ quan tâm nhất lúc này là khả năng sinh lời và sử dụng vốn hiệu quả", đại diện VIGroup nói.
Theo ông Đỗ Huy Dũng, thời điểm này startup nào chứng minh được dòng tiền của mình, thì sẽ là người chiến thắng. Trong đó, các ngành cơ bản như y tế, giáo dục sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư do có tính bền vững.
"Tiền chủ yếu sẽ chảy vào các doanh nghiệp có chiều sâu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cũng như các startup phát triển theo hướng nền tảng, mang lại lợi ích dài hạn cho người tiêu dùng", lãnh đạo VIGroup nhấn mạnh.
Cho rằng "mùa đông" gọi vốn có thể kéo dài lâu hơn dự kiến, ông Đào Thế Vinh - CEO Golden Gate đánh giá, các startup muốn tồn tại trong giai đoạn này cần chuẩn bị cho mình một nguồn vốn, dòng tiền ổn định lên tới 24 tháng hoặc hơn.
Ông Vinh nêu ra thực tế, các startup đã có cho mình một dòng tiền ổn định thì thời điểm này lại không quá quan trọng việc gọi vốn. Trong khi các startup cần gọi vốn để sinh tồn thì hầu như chưa chứng minh được năng lực của doanh nghiệp.
Từ những kinh nghiệm điều hành Golden Gate, ông Vinh tin rằng, đây là thời điểm để các startup tập trung vào giá trị bên trong, cũng như đầu tư vào những yếu tố mang tính nền tảng, bao gồm văn hóa, công nghệ, đào tạo nội bộ.
Bản thân Golden Gate trong cả năm 2022 cũng liên tục phải tiết giảm các chi phí, tối ưu quy trình. Thành quả là lợi nhuận gộp về bán hàng của doanh nghiệp đã tăng lên mức 4.314 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 58% tăng lên 62%.
"Tuy nhiên, cũng có trường hợp startup không còn đủ tiền để vận hành, chứ chưa nói đến việc đầu tư để phát triển. Tôi cho rằng, đây là thời điểm mà các nhà sáng lập phải đưa ra quyết định khó khăn là buộc cắt giảm, hoặc đóng cửa", CEO Golden Gate nói.
Giữa năm 2020, Leflair - một startup thương mại điện tử tại Việt Nam đã phải đóng cửa dù gọi được vốn 12 triệu USD và thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Lý do được đưa ra là startup "khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn".
Hai năm sau, startup giày dép Saado từng được gọi là "Uber trong thị trường bán lẻ" của Việt Nam đã phải dừng hoạt động, dù đã triển khai hệ thống kinh doanh ở 40 tỉnh, thành trên cả nước, với lý do quản trị thượng tầng và hiệu quả hoàn vốn không tốt.
Cùng năm, CEO Propzy - ông John Le thông báo về việc startup Propzy đóng cửa dù đã huy động được tổng cộng số tiền 33 triệu USD thông qua 3 vòng huy động vốn. Trước đó, startup này đã sa thải 50% nhân viên nhưng vẫn không cứu được công ty.
Với góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho rằng, trong bối cảnh khó khăn sẽ luôn có cơ hội để các kỳ lân tương lai ra đời.
Trên thực tế, mặc dù số lượng đăng ký kinh doanh thường giảm trong thời kỳ suy thoái, nhiều startup đổi mới sáng tạo vẫn thành công và một số doanh nghiệp đã lớn mạnh trở thành các kỳ lân (startup có định giá trên 1 tỷ USD) của thế giới.
Facebook được sinh ra sau khi bong bóng dot-com vỡ vào đầu những năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã chứng kiện sự ra đời của một startup khác là Airbnb.
Một loạt những kỳ lân khác cũng được sinh ra trong khủng hoảng như: Dropbox, Uber, WhatsApp, Groupon và Pinterest. Và đặc biệt nhất, Taobao của Alibaba đã được thành lập giữa đợt bùng phát dịch SARS ở Trung Quốc năm 2003.
Theo ông Phú, giai đoạn suy thoái thường là thời điểm tái cấu trúc toàn diện để nền kinh tế trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Những khó khăn này mang đến cơ hội mới, đặc biệt cho startup khi có khả năng đáp ứng linh hoạt và nhạy bén với thị trường.
"Trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp nào tồn tại được, sản phẩm được thị trường và người tiêu dùng đón nhận chắc chắn sẽ vươn lên mạnh mẽ ở giai đoạn nền kinh tế hồi phục", Chủ tịch Sunhouse nhấn mạnh.
Thực tế cũng cho thấy, các startup được sinh ra ở giai đoạn nền kinh tế xuống "đáy" thường có sức sống tốt hơn ở giai đoạn nền kinh tế bùng nổ.
Tất nhiên, đứng ở góc nhìn nhà đầu tư, ông Phú không phủ nhận các startup giai đoạn này sẽ khó huy động được vốn, và buộc phải tự tìm cách cứu lấy mình.
"Giai đoạn này, chúng tôi có đầu tư, nhưng đầu tư là để làm mạnh hệ sinh thái bên trong, chứ không đầu tư vào các doanh nghiệp ngoài ngành", lãnh đạo Sunhouse nói.