Mưa dông ngay sau khi nắng nóng là thời điểm nhiều sét nhất

Những lúc trời gần tạnh mưa, chân mây thấp là lúc sét đánh xuống đất rất nhiều và rất nguy hiểm, cần phải đề phòng và có các biện pháp chống sét để không nguy hiểm đến tính mạng.

Rạng sáng ngày 16/6, một người đàn ông bị sét đánh khi đang ở trong phòng ngủ ở Lạng Sơn đã phải nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân là anh Đ.H.L, 29 tuổi, ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Vụ tai nạn xảy ra lúc hơn 3h sáng 16/6.

Tại viện, bệnh nhân tỉnh táo nhưng kêu đau nhiều, vật vã, kích thích. Sét đánh khiến bệnh nhân có vết bỏng ở khuỷu tay trái hình chữ nhật, kích cỡ khoảng 10x18cm (nghi là đầu ra của tia lửa điện). Toàn bộ vùng lưng trái bỏng rát, chuyển màu nâu đen; chân trái có biểu hiện giảm vận động.

Thầy thuốc chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng điện độ III- IV vùng lưng, cánh tay trái, đùi trái, cẳng bàn chân trái diện tích khoảng 40%. Đến ngày 18/6, tình trạng bệnh nhân tạm ổn định, được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn.

Thời điểm mưa dông ngay sau nắng nóng dễ xuất hiện sét nhất.

Thời điểm mưa dông ngay sau nắng nóng dễ xuất hiện sét nhất.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trong 1 năm, Việt Nam có thể có 2 triệu cú sét đánh xuống đất, một số địa phương sét thường xuất hiện nhiều như Đông Anh (Hà Nội), Cổ Dũng (Hải Dương), Thăng Bình (Quảng Nam), đồng bằng sông Cửu Long...

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, để hình thành được dông, sét phải có yếu tố độ ẩm, nhiệt độ và cơ chế nâng (khi đám mây hình thành phát triển thành mây đối lưu; mây đối lưu đó có khả năng sinh ra sét).

TS Xuân Anh lấy ví dụ, nếu có hình thức dông nhiệt, tức là đốt nóng bề mặt, sau đó, đám mây được hình thành và đủ mạnh sẽ thành mây đối lưu. Hoặc trường hợp 2 khối không khí va vào nhau, khối không khí nóng lên trên, lạnh xuống dưới, nếu các khối không khí này chứa độ ẩm cũng có thể thành cơn dông, sinh ra sét.

"Có những lúc trời gần tạnh mưa, chân mây thấp, đây là lúc sét đánh xuống đất rất nhiều và rất nguy hiểm", TS Xuân Anh nói và cho hay, người dân có thể nhận biết dấu hiệu sắp có dông sét như trời có mây đen, gió lạnh sau đợt nắng nóng gay gắt, thời điểm các khối khí nóng và lạnh giao tranh.

Khi thấy dấu hiệu có dông sét, người dân nên nhanh chóng về nhà. Khu vực an toàn để tránh sét là tòa nhà hoặc công sở, có lắp đặt hệ thống chống sét. Trong trường hợp người dân đang ở ngoài trời gặp sét mà không thể về được nơi an toàn thì hãy thực hiện theo quy tắc tránh đứng cạnh cây cao, tránh đứng nhóm người gần nhau, tránh bản thân là người cao nhất ở khu vực xung quanh và không được xuống nước.

TS Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, khi trời sắp xảy ra dông, biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét (đơn giản nhất là cột thu lôi Franklin).

Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại bàn, trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông gần xảy ra.

Với các đường dây điện thoại bàn hay dây điện, vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Vô tuyến nối với dây anten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có dông.

TS Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, không có vị trí an toàn tuyệt đối để tránh sét, nhưng việc chủ động đề phòng tránh sét tìm nơi an toàn hơn có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Hiện nay, công nghệ quan trắc sét đã có nhiều tiến bộ có thể theo dõi sét theo thời gian thực, các mô hình cảnh báo sét sớm có thể sử dụng để thông báo cho người dân trước từ 30 phút đến 1 giờ thông qua tin nhắn, các ứng dụng di động, qua mạng để người dân có kế hoạch phòng, tránh.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mua-dong-ngay-sau-khi-nang-nong-la-thoi-diem-nhieu-set-nhat-169240618152607642.htm