Mưa dông ở Bắc Bộ và Trung Bộ kéo dài đến ngày 5-10

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng -Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió nên ngày hôm qua (3-10), Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng các tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang, Tuyên Quang cục bộ có mưa to.

Trận mưa rào sáng 3-10 khiến nhiều tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội ngập nước, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: VIỆT LINH

Trận mưa rào sáng 3-10 khiến nhiều tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội ngập nước, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: VIỆT LINH

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng -Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió nên ngày hôm qua (3-10), Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng các tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang, Tuyên Quang cục bộ có mưa to.

Dự báo, từ chiều 3-10 đến ngày 5-10 các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xảy ra mưa dông trên diện rộng, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

* Từ nay đến cuối năm, mật độ bão hoạt động trên khu vực Biển Ðông ở mức ít hơn trung bình nhiều năm, khoảng ba đến năm cơn bão, trong đó có khoảng một đến ba cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, trọng điểm là khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh An Giang và Kiên Giang đã thống nhất sẽ vận hành xả đập tràn cao-su Trà Sư vào 8 giờ sáng 4-10. Việc vận hành xả đập Trà Sư kiểm soát lũ năm 2019 nhằm chủ động lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cung cấp nước ngọt và phục vụ dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng hạ lưu.

* Ðể tránh lũ, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, mở đồng cho nước lũ tràn vào nhằm vệ sinh đồng ruộng, bồi tụ thêm phù sa. Hiện, toàn tỉnh đã có 168.000 ha đất lúa được xả lũ với độ ngập từ 0,5 đến 0,8 m. Việc mở đồng đón nước lũ sẽ được thực hiện đến cuối tháng 10, sau đó sẽ tiến hành sản xuất vụ đông xuân. Việc xả lũ được tổ chức thực hiện an toàn, không ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu của người dân.

* Từ ngày 1 đến 3-10, tại các vùng ven hai nhánh sông Tiền và sông Hậu thuộc các huyện Cầu Kè, Càng Long (Trà Vinh), triều cường liên tục dâng cao, làm sạt lở một số tuyến đường nông thôn, đê bao tại các xã: Ðức Mỹ (Càng Long); Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân, Tam Ngãi, Thông Hòa, Hòa Ân (Cầu Kè)… Triều cường còn làm ngập úng hàng nghìn héc-ta cây ăn trái, gây thiệt hại cho nông dân.

* Tình trạng sạt lở bờ sông Thao khu vực khu 8, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông (Phú Thọ) bắt đầu diễn ra từ tháng 8-2017. Ðến nay, dù đã được tỉnh tiến hành đổ đá kè khẩn cấp, song hiện tượng lún vẫn tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

* Nông dân hai huyện đầu nguồn sông Tiền là Cái Bè và Cai Lậy (Tiền Giang) đã xuống giống được gần 21.000 ha. Ðến đầu tháng 10, các địa phương nêu trên đã thu hoạch dứt điểm và an toàn toàn bộ diện tích lúa hè thu với năng suất bình quân từ 53 đến 55,6 tạ/ha và sản lượng gần 113.000 tấn lúa. Mặc dù vậy, qua ghi nhận hiệu quả sản xuất mang lại không cao, năng suất và sản lượng lúa đều giảm sút.

* Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có hơn 15.000 m đê, bờ bao bị tràn bờ do triều cường ; hơn 110 đoạn đê, bờ bao bị bể, làm ảnh hưởng đến hàng trăm ha mía, cây ăn trái và rau màu bị ngập nước, ảnh hưởng đến năng suất.

* Hiện bờ biển tây và bờ biển đông (Cà Mau) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Trong đó, tuyến đê biển tây xuất hiện bốn đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 2.100 m và đang tiếp tục sạt lở thêm, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của đê biển. Khu vực bờ biển đông cũng đang bị sạt lở mạnh, mỗi năm lấn sâu vào đất liền từ 30-50 m, có những điểm đặc biệt nghiêm trọng, mất từ 80 - 100 m/năm.

* Ngày 3-10, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định trao Bằng khen tặng tập thể tàu cá QNg 90817 TS và ngư dân Bùi Văn Danh, thuyền trưởng, vì đã có hành động cứu vớt 41 ngư dân tỉnh Quảng Nam bị chìm tàu trên biển. Ngày 2-9, tàu QNa 91928 TS do ngư dân Bùi Văn Quốc (SN 1977, ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng, trên tàu có 44 ngư dân, trong lúc trên đường vào bãi Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) để tránh trú gió thì bị chìm. Ðến chiều 3-9, tàu cá QNg 90817 TS đã tìm thấy và cứu vớt được 41 ngư dân, ba người còn lại mất tích, sau đó bàn giao các ngư dân bị nạn cho tàu KN 420 của Chi đội Kiểm ngư 4 đưa về đất liền an toàn.

* Ngày 3-10, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh đã có 103 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với 1.299 hộ chăn nuôi của 477 ấp, đã tiêu hủy 33.244 con lợn, với tổng trọng lượng hơn 2.000 tấn… Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành hỗ trợ, chuyển giao số tiền gần 25 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh. Hiện các địa phương và cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm thủ tục để tiến hành hỗ trợ người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất.

* Ðến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên đàn lợn của 18.909 hộ chăn nuôi, ở 1.849 thôn, 468 xã, thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa; buộc phải tiêu hủy 144.461 con lợn, tổng trọng lượng 10.200 tấn. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi, Thanh Hóa chú trọng áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, siết chặt hoạt động của các trạm, chốt kiểm soát động vật, cơ sở giết mổ; đồng thời tính toán phương án tái đàn, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi khi đủ điều kiện, nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn, hiệu quả kinh tế cao.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41781202-mua-dong-o-bac-bo-va-trung-bo-keo-dai-den-ngay-5-10.html