Doanh nghiệp sốt vó lo 'phí chồng phí' nếu thu phí BOT Phú Hữu

Dự án BOT nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, thành phố Thủ Đức (BOT Phú Hữu) dự kiến đưa vào thu phí từ quý III/2024 đã vướng phải sự phản đối từ nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, qua đó các doanh nghiệp mong muốn chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần có phương án thu phí hợp lý để tránh 'phí chồng phí'.

Trạm BOT Phú Hữu dự kiến thu phí trong quý III/2024, có chiều dài tuyến đường thu phí 2,6 km (Ảnh: THANH DUYÊN)

Trạm BOT Phú Hữu dự kiến thu phí trong quý III/2024, có chiều dài tuyến đường thu phí 2,6 km (Ảnh: THANH DUYÊN)

Mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ Dự án BOT Phú Hữu đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt ngày 8/3/2024, trong đó mức giá áp dụng là 66.000 đồng/lượt/container 20 feet và 133.000 đồng/lượt/container 40 feet.

Chi phí phát sinh, áp lực đè nặng

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải biển Thắng Lợi, có trụ sở ở quận 7, một khách hàng giao dịch tại cảng chia sẻ: “Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng, doanh nghiệp đang cố gắng giảm thiểu tối đa các chi phí nhưng mức thu tại trạm BOT Phú Hữu là một khoản phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của cảng”.

Cảng quốc tế SP-ITC, nơi nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu giao dịch, có phương tiện ra vào trạm BOT Phú Hữu. (Ảnh: THANH DUYÊN)

Cảng quốc tế SP-ITC, nơi nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu giao dịch, có phương tiện ra vào trạm BOT Phú Hữu. (Ảnh: THANH DUYÊN)

Căn cứ vào biểu phí đã ban hành, ông Thắng phân tích thêm, đoạn đường được thu phí chỉ dài 2,6km và là tuyến đường độc đạo.

Xe ra vào phải đi cùng một tuyến đường trong khi doanh nghiệp phải chi trả mức phí gấp đôi cho hai lần ra và vào, tức là 132.000 đồng/container 20 feet và 366.000 đồng/container 40 feet, rất cao so với mức giá BOT ở các khu vực hiện hữu.

Ngoài ra, ngã ba rẽ từ đường Nguyễn Duy Trinh vào đường Nguyễn Thị Tư đến nơi đặt trạm BOT chỉ khoảng 300 m, khoảng cách quá ngắn để các xe nối đuôi nhau cùng với mật độ xe ra vào tấp nập dễ gây ùn tắc giao thông tại khu vực này.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển M&N (37 Ký Con, quận 1) cho hay, hiện công ty này đang kinh doanh lĩnh vực sản xuất hàng hóa và xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, châu Âu, châu Phi với sản lượng hằng năm đạt 2.000 container (20 feet) và 5.000 container (40 feet).

Hầu hết, hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp này đều thông qua Cảng Tân Cảng và Cảng SP-ITC nằm tại khu vực cảng Phú Hữu. Nếu phải đóng phí BOT chắc chắn doanh nghiệp phải "gồng gánh" thêm chi phí, tạo thêm áp lực rất lớn.

Một số doanh nghiệp có hàng hóa qua Cảng SP-ITC nằm tại khu vực cảng Phú Hữu cũng phản ánh: Để đưa một container hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và ngược lại, hiện doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đã và đang gánh chịu rất nhiều chi phí liên quan, bao gồm: Chi phí xuất, nhập khẩu mỗi container hàng hóa thông qua các cảng, hãng tàu, phụ phí xuất nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu...

Ngoài mức phí từ BOT Phú Hữu, các doanh nghiệp đã phải chi trả nhiều mức phí khác như phí BOT hiện hữu, phí hạ tầng cảng biển, thuế xuất, nhập khẩu.

Do đó việc “phí chồng phí” như hiện tại gây khó khăn rất lớn đến doanh nghiệp nên chính quyền thành phố cần phải xem xét việc thu phí tại trạm BOT này.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện có nhiều trạm thu phí đang “bủa vây” phương tiện ra vào cảng, gây ra tình trạng “phí chồng phí”. Trong đó, xe từ các tỉnh phía đông-tây khi vận chuyển hàng hóa vào khu vực Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu thêm phí cầu đường tại trạm BOT Xa Lộ Hà Nội (cụ thể là 160.000 đồng/lượt xe, không phân loại container), trạm thu phí Long Phước trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (163.000 đồng/lượt/ container rỗng, 342.000 đồng/lượt/ container hàng).

Ngoài ra, hàng từ các tỉnh phía nam Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải chịu trả phí BOT Cầu Phú Mỹ (80.000 đồng/lượt xe) và BOT đường Nguyễn Văn Linh (35.000 đồng/lượt xe).

Lượng container nhập cảng giảm 20-30%

Nói về quy định thu phí trạm BOT Phú Hữu, ông Nguyễn Quốc Vương, Giám đốc điều hành Cảng quốc tế SP-ITC cho biết: “Sau khi nhận được thông tin trạm BOT Phú Hữu đưa vào triển khai thu phí, chúng tôi nhận được rất nhiều than phiền của các hãng tàu, khách hàng bởi nó gây nên áp lực rất lớn về chi phí”.

Bộ phận kinh doanh của cảng cũng cho hay, trong vòng hai, ba tháng trở lại đây, sản lượng container nhập cảng đã sụt giảm 20-30% so với trước do các hãng tàu nhận thấy việc thu phí sẽ tạo gánh nặng cho họ.

Bên cạnh đó, theo ông Vương, mức thu phí BOT Phú Hữu quá cao, chưa hợp lý. Bởi nếu tính theo giá tiền/1 km thì đối với đoạn đường dài 2,6 km của đường Nguyễn Thị Tư (tính từ trạm BOT Phú Hữu vào Khu công nghiệp Phú Hữu) là 51.550 đồng/1 km/container 40 feet, cao gấp 10 lần so với phí dịch vụ đường bộ trên các tuyến cao tốc hiện nay là 5.000-7.000 đồng/1 km/1 container loại tương tự.

Cũng như doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Vương đồng tình việc kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính nghiên cứu giải pháp dùng nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển để mua lại dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu hoặc xem xét miễn giảm phí, qua đó giúp các phương tiện lưu thông qua tuyến đường sẽ không phải nộp phí, giảm bớt gánh nặng tài chính và tăng năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Về lâu dài, theo ông Vương, thành phố sử dụng nguồn thu phí cảng biển để nhanh chóng đầu tư và hoàn thiện các dự án án kết nối hạ tầng giao thông như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đầu tư dự án đường Nguyễn Thị Định đi qua cảng Cát Lái và kết nối vào Vành đai 3... nhằm giải quyết bài toán giao thông một cách căn cơ cũng như tạo sự đồng thuận từ người dân và doanh nghiệp.

Dự án BOT nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu do Công ty Cổ phần Xi-măng Vicem Hà Tiên làm chủ đầu tư, xây dựng năm 2012, với nguồn vốn đầu tư 461 tỷ đồng. Dự án được khai thác theo phương án hợp đồng trong vòng 24 năm. Sau 12 năm đầu tư xây dựng, dự án BOT này đã hoàn thành và dự kiến sẽ vận hành, thu phí từ quý 3/2024.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-sot-vo-lo-phi-chong-phi-neu-thu-phi-bot-phu-huu-post819258.html