Mùa đót trổ bông, người dân trên dãy Chư Yang Sin có thêm thu nhập
Đót là một loại cây dại, mọc nhiều ở hầu khắp các vùng miền núi nước ta, bông đót dùng làm nguyên liệu để đan, kết chổi. Hiện đót trổ bông, người dân ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) tranh thủ lên những cánh rừng trên dãy Chư Yang Sin thu hái kiếm thêm thu nhập.
Những ngày này, anh Hà Văn Sinh cùng mấy người hàng xóm thường xuyên lên rừng thu bông đót. Để đến được những vùng rừng có đót, anh Sinh cùng mọi người phải đi xe máy vượt qua quãng đường đồi dài hơn 10 km. Anh Sinh chia sẻ, hái đót bán cho thu nhập tốt, trong 2 tháng mùa đót này vợ chồng anh có thể thu được khoảng 30 triệu đồng.
“Mỗi ngày có thể hái được từ 60-70 kg. Chúng tôi đã hái đót được mấy ngày nay, có khi gặp bụi dày có thể đạt được ngót tạ. Sau đó, đót được vận chuyển về bán cho đại lý ở đầu thôn. Mỗi ngày bán được tầm 400.000-500.000 đồng, nhiều hơn thì 700.000 đồng. Tiền bán đót mình dùng mua gạo, lương thực thực phẩm, xăng dầu, hay quần áo và quà bánh cho các con”, anh Sinh cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Thu, chủ đại lý chuyên thu mua đót ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết, năm nay giá thu mua cao hơn năm ngoái khoảng 5-7%. Dự kiến năm nay, gia đình bà sẽ thu mua từ 140-150 tấn đót, bán cho các cơ sở sản xuất chổi ở tỉnh Khánh Hòa.
“Đầu vụ mình mua một ngày 2-3 tấn, rộ lên giữa vụ tăng lên 8-10 tấn. Giá mua những ngày đầu từ 55.000-60.000 đồng, giữa vụ từ 60.000-70.000, trung bình chia ra tầm khoảng hơn 6.000 đồng/kg. Các bạn hàng ở các huyện của tỉnh Khánh Hòa hay TP. phố Nha Trang họ nói đót ở huyện Krông Bông đẹp, chất lượng, nhập tới đâu bán hết tới đó”, bà Thu nói.
Trên dãy Chư Yang Sin, cây đót mọc nhiều nhất ở khu vực đỉnh núi Ea Rớt, các tiểu khu 1148, 1153, 1163 địa bàn giáp ranh giữa xã Cư Pui, Cư Đrăm và một phần huyện M’Đrăk. Vào vụ, mỗi ngày có khoảng 300 người là bà con ở các thôn Ea Rớt, Ea Lang, Cư Rang và Cư Tê lên rừng thu hái.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết, đời sống của bà con ở đây còn nhiều thiếu thốn, lại gặp dịch bệnh nên càng khó khăn hơn. Nhờ mùa đót, có thêm khoản thu nhập phần nào đỡ đần cho cuộc sống. Chính quyền cũng luôn tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đảm bảo an toàn lao động khi vào rừng thu hái đót.
“Đa số cây đót nằm ở vùng núi cao, dốc đá, việc hái đót của bà con hết sức nguy hiểm, dễ xảy ra té ngã dẫn tới tai nạn lao động. Chúng tôi khuyến cáo bà con cần cẩn thận, phải đảm bảo an toàn lao động, khi thu hoạch thì bắt buộc phải chuẩn bị đầy đủ dao, dây, gùi, thang dây để leo trèo… Chúng tôi cũng hướng dẫn người dân là trong khi thu hoạch phải bảo vệ gốc, bụi đót để làm sao cây duy trì phát triển cho năm sau thu hái”, ông Tâm khuyến cáo.
Vài năm trở lại đây, cùng với thu hái đót trên các cánh rừng tự nhiên trên dãy Chư Yang Sin bán nguyên liệu, người dân ở xã Cư Pui còn đan - kết chổi thành phẩm bán ra thị trường. Nguồn thu từ cây đót đã góp phần cải thiện đời sống cho bà con ở xã nghèo vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk./.