Mùa… 'du mục'

Hàng năm, khi thời tiết chuyển giao từ mùa khô sang mùa mưa là thời điểm thích hợp cho nhiều nông dân thực hiện các chuyến 'du mục' chăn dắt, vỗ béo đàn gia súc.

Một trang trại nuôi bò vỗ béo tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc). Ảnh: A.Nhơn

Một trang trại nuôi bò vỗ béo tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc). Ảnh: A.Nhơn

Thời điểm này, trên các cánh đồng hay vùng đất trống, bỏ hoang, cỏ non bắt đầu mọc lên xanh tốt và tạo ra nguồn thức ăn phong phú, đủ cho đàn gia súc ăn no trong nhiều tháng.

Bỏ công làm lời

Hơn một tháng trước, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài khiến cho các khu đất trống vùng ven Khu công nghiệp Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) trở nên trơ trọi vì cây, cỏ đều khô héo. Thế nhưng, chỉ vài cơn mưa đầu mùa gần đây đã “biến” nơi đây trở thành một màu xanh với cỏ non tươi mọc rất nhiều. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho vợ chồng anh Nguyễn Văn Toàn (người dân tại địa phương) thực hiện chuyến “du mục” chăn dắt, vỗ béo đàn bò nuôi của gia đình.

Anh Toàn cho biết, gia đình anh làm nghề chăn nuôi bò theo kiểu “du mục” đã gần 10 năm nay. Mỗi năm cứ tầm khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch (khi thời tiết có dấu hiệu chuyển sang mùa mưa), anh bắt đầu đi khắp nơi tìm mua những còn bò nhỏ tầm 1-2 năm tuổi hay bò gầy ốm (với số lượng từ 20-30 con lớn, nhỏ) đưa về nuôi thúc, vỗ béo.

Vào mùa mưa, nguồn thức ăn ở ngoài tự nhiên rất dồi dào. Cho nên, nhiều người dân quyết định tăng đàn gia súc bằng việc tìm mua những con gia súc còn nhỏ hay gầy ốm rồi đưa về chăn dắt, vỗ béo. Cách làm này vừa giảm chi phí đầu tư thức ăn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ đó, cứ khoảng 7h hàng ngày, sau khi chu toàn việc nhà cửa và chăm lo cho các con xong, vợ chồng anh Toàn bắt đầu lùa đàn bò ra các vùng đất trống nằm ven Khu công nghiệp Thạnh Phú hay các cánh đồng lân cận để chăn thả. Công việc chăn thả diễn ra từ sáng sớm cho đến chiều tối nên họ phải mang theo một số đồ dùng thiết yếu như: áo mưa, đồ ăn, nước uống…

Khi đã đến khu vực có nguồn thức ăn nhiều, anh Toàn mới yên tâm bàn giao công việc chăn dắt cho vợ rồi tranh thủ đi cắt cỏ nhằm bổ sung nguồn thức ăn tươi cho đàn gia súc. Vợ chồng anh thay phiên nhau chăn thả bò cho đến chiều tối rồi mới lùa đàn bò trở về nhà nghỉ ngơi, kết thúc một ngày rong ruổi trên đồng cùng đàn gia súc của mình…

Ngoài chăn thả và cắt cỏ, anh Toàn còn dành thời gian đi khảo sát thêm địa bàn mới là những nơi có nhiều thức ăn tươi cho đàn gia súc.

Anh Toàn bộc bạch: “Đàn bò ăn cỏ ở mỗi cánh đồng hay vùng đất trống trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần sẽ hết thức ăn thì lại dời đi nơi khác. Do vậy, chúng tôi phải liên tục thay đổi địa điểm chăn thả và cứ rong ruổi cùng đàn bò trong nhiều tháng mưa. Công việc tuy cực nhọc nhưng giúp đàn gia súc ăn no, phát triển tốt”.

Gia đình anh Toàn chăn dắt, nuôi vỗ béo đàn bò cho đến hết mùa mưa (khoảng 6 tháng) rồi sau đó xuất bán bớt, chỉ giữ nuôi vài con bò giống tốt để chờ mùa mưa năm sau lại tiếp tục đầu tư tăng đàn. Cách “bỏ công làm lời” này đã giúp gia đình anh tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn, vừa cho lợi nhuận kinh tế cao.

“Mùa khô, thức ăn có sẵn trong tự nhiên khan hiếm, đàn gia súc di chuyển nhiều khiến việc chăn thả gặp nhiều vất vả mà hiệu quả không cao. Do đó, chúng tôi chỉ chăn thả đàn bò từ đây cho đến hết mùa mưa, sau đó chuyển sang phương án nuôi nhốt vào mùa khô. Chờ cho mùa mưa năm sau đến, công việc chăn thả lại tiếp tục. Ngoài nuôi bò, vợ chồng tôi còn làm thêm một số công việc khác nên cũng có thu nhập để trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học” - anh Toàn tâm sự.

Đến hẹn lại lên, mùa mưa năm nay, ông Thổ Xương (ngụ khu phố Ruộng Lớn, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh) lại rủ thêm một số người bạn trong làng cùng đi chăn bò nhằm hỗ trợ nhau quản lý đàn gia súc cho đảm bảo. Nơi nhóm của ông Thổ Xương thường chọn chăn thả bò là các khu đất trống hoặc những cánh đồng đã thu hoạch nông sản và có nhiều thức ăn tươi cho đàn bò ăn no.

Ông Thổ Xương cho biết, người dân ở làng dân tộc Chơro phường Bảo Vinh gắn bó với nghề nuôi bò theo kiểu “bán hoang dã” đã hơn 40 năm và công việc lùa bò đi chăn thả có thể diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, mùa khô thường khan hiếm thức ăn tươi nên người dân ít chăn thả mà chủ yếu nuôi nhốt trong chuồng trại, cho ăn các loại thức ăn tự làm (cỏ trồng, các loại phụ thẩm nông nghiệp như: rơm khô, bắp, mít, khoai…). Còn mùa mưa, lượng thức ăn tươi có ngoài tự nhiên rất nhiều nên bà con tăng cường chăn thả nhằm vỗ béo đàn gia súc.

“Mùa mưa, nguồn thức ăn nhiều nên đàn bò thường dừng lại một khu vực để ăn cỏ, lá cây đến khi nào hết thì mới di chuyển đến nơi khác. Tuy nhiên, công việc chăn thả rất cực, vì phải dầm mưa lạnh lẽo suốt cả ngày ngoài đồng cùng đàn gia súc” - ông Thổ Xương chia sẻ.

Xuất thân trong gia đình nghèo khó, ông Thổ Xương không mặc cảm mà luôn tìm cách để vươn lên trong cuộc sống. Thấy ông siêng năng, làm giỏi nên chính quyền địa phương giới thiệu cho ông vay nguồn vốn chính sách ưu đãi để mua bò giống về nuôi. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, con bò giống phát triển khỏe mạnh và sinh sản nhiều, giúp số lượng đàn bò của ông ngày càng nhiều hơn (hiện có 10 con lớn, nhỏ).

“Sau mỗi mùa vỗ béo, tôi quyết định bán bớt vài con bò để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Ngoài ra, tôi còn nhận chăn thả, chăm sóc bò thuê cho một số người trong làng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo từ nhiều năm nay và hiện có cuộc sống ổn định” - ông Thổ Xương bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Toàn (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, công việc chăn thả bò rất cực khổ, bò đi đến đâu thì người chăn dắt phải đi đến đó và theo dõi thường xuyên, không để đàn bò đi tràn ra đường giao thông. Nếu công việc chăn thả lơ là thì có thể đàn bò sẽ tự tìm ăn phá hoa màu của hộ dân hoặc di chuyển trên đường, gây mất trật tự an toàn giao thông...

Chí thú làm ăn

Khoảng một tháng nay, những cơn mưa đầu mùa “tưới mát” đã giúp cho các khu rừng tràm ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) mọc nhiều cây, cỏ non tươi tốt. Vì vậy, ông Tư Tạo (người dân địa phương) quyết định thuê thêm người cùng phụ gia đình lùa đàn bò đi chăn thả để tìm thức ăn tươi ngoài tự nhiên cho đàn bò. Công việc này được ông duy trì từ nhiều năm nay, giúp đàn gia súc phát triển khỏe mạnh, chất lượng tốt và được thương lái mua với giá cao.

Ông Tư Tạo cho biết, ông quê ở miền Tây, cùng gia đình đến vùng đất Thanh Sơn lập nghiệp đã hơn 40 năm. Từ 2 bàn tay trắng, ông chí thú làm ăn và không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, ông đã sở hữu hàng chục hécta đất; trong đó, ông đầu tư nhiều loại cây trồng, từ cây ngắn ngày (bắp, mì, đậu…) cho đến cây dài ngày (tràm, xoài, tiêu…).

Vào mùa mưa, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, giúp cho việc chăn thả đàn gia súc diễn ra thuận lợi.

Vào mùa mưa, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, giúp cho việc chăn thả đàn gia súc diễn ra thuận lợi.

Ngoài trồng trọt, ông Tư Tạo còn đầu tư chăn nuôi gia súc. Ông đã tận dụng vùng đất rộng lớn và có nhiều cây, cỏ vào việc đầu tư chăn nuôi bò. Từ vài con ban đầu, số lượng đàn bò hiện đã tăng lên trên 100 con lớn, nhỏ. Các khoản thu nhập trên đã giúp cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá.

Ông Nguyễn Phúc Linh (người dân sống lâu năm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cho biết, nghề chăn nuôi bò theo hình thức “bán hoang dã” đã có từ nhiều năm trên địa bàn huyện Xuân Lộc. Trước đây, đất trống nhiều, tạo nên nguồn thức ăn tươi ở ngoài tự nhiên rất phong phú. Nghề chăn thả bò nhờ đó diễn ra khá thuận lợi. Còn những năm gần đây, đất trống ngày càng thu hẹp, thay vào đó là các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hay các công trình dự án… Từ đó, thức ăn cho bò ở ngoài tự nhiên trở nên thu hẹp, khan hiếm, đặc biệt là vào mùa khô. Do vậy, nghề chăn nuôi gia súc bằng hình thức thả rông không còn phổ biến như trước đây, mà chủ yếu diễn ra vào mùa mưa. Thời gian còn lại, người dân nuôi nhốt chuồng trại và vỗ béo đàn gia súc bằng thực phẩm công nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp…

Nghề chăn nuôi gia súc theo hình thức “du mục” tuy nhọc nhằn nhưng đã giúp cho nhiều người có công ăn việc làm, thu nhập đảm bảo. Nhiều gia đình nhờ nghề này đã vươn lên thoát nghèo, đời sống nâng lên.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phong-su-ky-su/202406/mua-du-muc-1095107/