Mùa gió Ô Quý Hồ

Cuối mùa khô, gió nóng từ trên đèo cao Ô Quý Hồ ù ù thổi xuống, khiến cả thị xã Sa Pa vốn thường xuyên ẩm ướt, mù sương bỗng bị hong khô, cây cỏ, rau màu bị héo úa. Những cơn gió mang hơi nóng thổi về 'rát da, rát thịt', được người dân quen gọi theo tên con đèo nơi gió được thổi về - gió nóng Ô Quý Hồ.

Sống ở Sa Pa đủ lâu, tìm hiểu về Sa Pa đủ nhiều mới có thể nhận ra Ô Quý Hồ không chỉ là một con đèo, mà còn là tên của một loại gió. Mỗi khi gió Ô Quý Hồ vào mùa, nông dân ở thị xã Sa Pa như đón thêm một “mối nguy”, khiến thiên nhiên vốn đã khắc nghiệt trở nên đáng lo ngại hơn. Nắng từ trên rọi xuống, gió nóng rát từ đèo cao ùa về, khiến những vạt đất canh tác khô như rang. Những đám lá, bụi cây sau một mùa đông dài lạnh giá đã yếu ớt, giờ bất ngờ phải chống chọi với những cơn gió khô nóng, nên dần dần héo lá, ngả vàng.

 Thời tiết khô nóng, ảnh hướng đến sản xuất nông nghiệp tại Sa Pa.

Thời tiết khô nóng, ảnh hướng đến sản xuất nông nghiệp tại Sa Pa.

Những người làm nông như chị Hạng Thị Súa, mùa này phải tất tả tối ngày vì lo gió lớn. Chị Súa kể, tôi là người xã Ngũ Chỉ Sơn nhưng đến Ô Quý Hồ làm vườn. Ngay từ khi gieo hạt mầm, cấy những cây con xuống đất, cho đến khi thu hoạch, một cây rau của Sa Pa phải trải qua không biết bao nhiêu loại hình thời tiết chẳng mấy dễ chịu. Chính vì thế, rau trồng ở Sa Pa luôn có hương vị đậm đà. Mỗi mùa một loại cây, công việc của chị Súa là chăm sóc những vườn rau sao cho tốt, không kể mưa tuyết, sương muối hay nắng hanh, mưa rào.

Thời điểm này, gió Ô Quý Hồ đang hoạt động mạnh tại Sa Pa.

Từ độ tháng 10, Sa Pa bước vào mùa khô hanh, cũng là mùa gió Ô Quý Hồ bắt đầu thổi. Đến độ cuối xuân, loại gió khô này thổi mạnh hơn, kết hợp thêm thời tiết ấm, nóng dần lên, khiến những cơn gió như được thổi ra từ “một chiếc máy sấy công suất lớn”, làm cây cỏ héo úa

Chị Hạng Thị Súa, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa

Để chăm cho rau mùa gió nóng được tươi tốt, chị Súa thường xuyên phải túc trực ở ngoài vườn. Mỗi buổi sáng, chị Súa kiểm tra lại đường ống rồi tưới nước cho cây; đến trưa, xem xét thời tiết, nhìn hướng mặt trời mà lựa hướng kéo lưới che gió cho vườn rau; chiều về, lại thêm một lượt kiểm tra và tưới nước cho cây. Chị Súa bảo: Sáng tưới đẫm nước rồi nhưng sau một ngày chống chọi với nắng, gió khiến cây héo oặt ra. Chiều mát, được tưới nước, cây như hồi sinh, sống lại thêm một lần. Nếu cây nói được, chắc chắn nó sẽ cảm ơn tôi, vì nếu quên tưới nước một lần thôi, cả vườn rau rủ nhau chết hết.

Chị Súa mới ngoài 20 tuổi. Nước da của người con gái vùng cao, dù quanh năm phơi nắng phơi sương, vẫn trắng hồng khỏe khoắn. Ấy thế mà chị Súa vẫn sợ nhất thời tiết mùa này. Theo lời của chị Súa, “với loại gió đặc thù này, đến cả người cũng muốn khô huống chi là rau”. Chị Súa giơ hai tay của mình để minh họa, bàn tay vừa tất tả lo cho mấy luống cải bắp, hai má và trán khô lại đỏ ửng lên, đau rát vì nắng và gió.

 Vào mùa khô ở Ô Quý Hồ, cây trồng luôn phải được chăm sóc đặc biệt.

Vào mùa khô ở Ô Quý Hồ, cây trồng luôn phải được chăm sóc đặc biệt.

Mùa gió Ô Quý Hồ thổi mạnh cũng là thời điểm lực lượng kiểm lâm phải túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng phương án ứng phó trong trường hợp có cháy rừng xảy ra, bởi trên những cánh rừng, cỏ cây, lau lách cũng bị gió quật gãy, khiến nhiều vùng ở Sa Pa chuyển sang “báo động đỏ” về nguy cơ cháy rừng.

Hiểu rõ tính chất của loại gió này, nên mỗi khi được cảnh báo có gió Ô Quý Hồ thổi, lực lượng kiểm lâm Sa Pa phải thực hiện khẩn cấp các biện pháp ứng phó, phòng, chống cháy rừng. Tại Sa Pa thời điểm này, việc quản lý hoạt động đốt nương làm rẫy được các địa phương tăng cường nghiêm ngặt, bởi chỉ cần có một đốm lửa nhỏ trên rừng thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Lực lượng kiểm lâm Sa Pa hay nói vui “vào mùa gió Ô Quý Hồ, gió nóng thổi thông từ tai này sang tai kia”, nên dù cấp độ phòng, chống cháy rừng chưa tới mức 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) nhưng tinh thần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó luôn phải đặt ở mức cao nhất.

Anh Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sa Pa -

Gió Ô Quý Hồ là một loại gió địa phương, xảy ra trên phạm vi hẹp, thổi từ đèo Ô Quý Hồ tràn xuống trung tâm thị xã Sa Pa và các vùng phụ cận, nên người dân Sa Pa gọi là gió Ô Quý Hồ. Hiện tượng gió vượt đèo được gọi là Phơn (foehn), hay còn gọi là hiệu ứng Phơn. Từ bên kia sườn núi gió thổi lên, càng lên cao, không khí càng lạnh dần rồi ngưng kết, tạo thành mây cho mưa ở sườn đón gió, đồng thời thu thêm nhiệt do ngưng kết tỏa ra. Sau khi vượt qua đỉnh, gió thổi xuống bên này núi, nhiệt độ của nó tăng dần lên do quá trình không khí bị nén đoạn nhiệt. Vì vậy, đến chân núi bên này, không khí trở nên khô và nóng hơn. Đỉnh núi càng cao, chênh lệch nhiệt độ càng lớn. Đèo Ô Quý Hồ có độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, nên hiệu ứng Phơn rất mạnh, khiến gió Ô Quý Hồ cũng trở thành loại gió địa phương đặc thù với sức ảnh hưởng lớn.

Sa Pa vào cuối mùa xuân, không khí lạnh tưởng như bị những cơn gió khô, nóng nén lại, bước vào mùa khô nhất trong năm. Gió thổi ràn rạt, đi sâu vào từng góc phố nhỏ, len lỏi khắp các bản làng, trong những cánh rừng mang theo hơi nóng khiến mầm xanh sợ hãi thu mình lại, đợi cơn mưa mát lạnh để vươn chồi, nảy lộc.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mua-gio-o-quy-ho-post367534.html