Mua hàng trên livestream đang trở thành xu hướng

Theo thống kê từ các nền tảng thương mại điện tử, người tiêu dùng Việt đang có xu hướng mua hàng thông qua livestream.

 Trong ngày giảm giá 12/12, người dùng Việt có xu hướng mua hàng qua kênh livestream. Ảnh: Thúy Hạnh.

Trong ngày giảm giá 12/12, người dùng Việt có xu hướng mua hàng qua kênh livestream. Ảnh: Thúy Hạnh.

Trong ngày hội giảm giá 12/12, 2 nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam là Shopee và Lazada đã ghi nhận xu hướng mua sắm trên livestream tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường.

Bên cạnh đó, dịp mua sắm cuối năm cũng là lúc người dùng Việt chi nhiều cho nhu cầu làm đẹp, thời trang và trang hoàng nhà cửa.

Xu hướng mua hàng qua livestream

Báo cáo mới nhất từ sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada sau ngày hội mua sắm 12/12 ghi nhận xu hướng mua hàng qua livestream tăng mạnh tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh việc mua sắm đơn thuần người dùng có xu hướng mua hàng thông qua livestream. Đây là kênh bán hàng được người dùng hào hứng khi vừa được xem review sản phẩm trực tiếp vừa có thêm các ưu đãi giá tốt, voucher và quà tặng độc quyền trong livestream.

"Thông qua đợt mua sắm cuối năm này, chúng tôi ghi nhận các nhu cầu và xu hướng mua sắm nổi bật của người dùng nhằm chuẩn bị hàng hóa cho đợt Tết Nguyên đán sắp tới", bà Kaya Qin, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và giám đốc Thương mại Tập đoàn Lazada, chia sẻ.

 Xu hướng mua hàng qua livestream được ưa chuộng vì được xem review chi tiết sản phẩm. Ảnh: Phương Lâm.

Xu hướng mua hàng qua livestream được ưa chuộng vì được xem review chi tiết sản phẩm. Ảnh: Phương Lâm.

Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại sàn TMĐT Shopee nhưng với con số ấn tượng hơn. Trong ngày 12/12, lượng sản phẩm bán ra trong livestream tại sàn này tăng gấp 18 lần so với ngày thường, ghi nhận gần 135 triệu lượt xem xuyên suốt sự kiện.

Bên cạnh đó, các thương hiệu trên Shopee Mall ghi nhận số lượng bán ra cao gấp 9 lần ngày thường. Số lượng nhà bán hàng và thương hiệu tham gia bán hàng qua hình thức livestream cũng tăng gấp 4 lần.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, chia sẻ nền tảng đang tiếp tục hỗ trợ người dùng, nhà bán hàng và doanh nghiệp tiếp cận với nền tảng TMĐT và cộng đồng thông qua công nghệ.

"Trong thời gian tới, Shopee sẽ tiếp tục đưa đến nhiều chương trình khuyến mãi nhằm chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết", ông Tuấn Anh cho hay.

Theo đánh giá của Criteo, ngày 12/12 là dịp tăng doanh số bán hàng trực tuyến cao nhất trong các đợt khuyến mại tại Việt Nam, với mức tăng 143% so với ngày thường.

Những con số ấn tượng trong các đợt cao điểm mua sắm cho thấy tiềm năng của thương mại điện tử tại Việt Nam. Báo cáo mới phát hành của Google, TemasekBain & Company, khẳng định mức tăng trưởng 26% của TMĐT góp phần giúp nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD.

Nhu cầu mua sắm cuối năm

Báo cáo của các sàn TMĐT ở thời điểm cuối năm, người dùng có xu hướng chú trọng chăm sóc ngoại hình, làm đẹp, thời trang và trang trí nhà cửa.

Tại Shopee trong ngày 12/12 các sản phẩm được người dùng Việt lựa chọn thuộc đa dạng ngành hàng. Trong đó, nổi bật nhất là sắc đẹp, nhà cửa và đời sống và thời trang nữ.

Nền tảng Lazada cùng ghi nhận người dùng mua các sản phẩm làm đẹp trong ngày 12/12 cao hơn gấp 8 lần ngày thường. Các sản phẩm bán chạy nhất là dưỡng da, trang điểm và chăm sóc cá nhân.

 Vào thời điểm cuối năm, người dùng có xu hướng chú trọng chăm sóc vẻ vẻ ngoài, làm đẹp và trang trí nhà cửa.

Vào thời điểm cuối năm, người dùng có xu hướng chú trọng chăm sóc vẻ vẻ ngoài, làm đẹp và trang trí nhà cửa.

Bên cạnh đó, người dùng cũng tập trung mua sắm các sản phẩm thời trang. Áo polo và váy hoa lần lượt là các sản phẩm thời trang nam, nữ được yêu thích và có lượt đơn đặt hàng cao nhất.

Đồng thời, việc thời tiết chuyển lạnh vào mùa cuối năm cũng khiến các sản phẩm như áo khoác phao, áo len, tất áo và phụ kiện mùa thu đông được mua sắm nhiều như áo khoác phao, áo len và vớ.

Ngoài ra, sức mua các sản phẩm bách hóa như bia và thực phẩm tươi sống cũng tăng cao trong dịp này.

Đây cũng là thời gian mọi người quan tâm đến việc trang hoàng, làm mới không gian sống vì vậy các sản phẩm trang trí và lau dọn nhà cửa cũng ghi nhận sức mua tăng mạnh và được dự đoán tiếp tục tăng cao trong thời gian sắp tới.

Các mặt hàng ghi nhận doanh số tăng cao bao gồm nồi chiên không dầu, bếp điện từ và máy làm sữa hạt.

Criteo cũng ghi nhận sau đại dịch, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới" một cách nhanh chóng. Một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển.

Trong đó, thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam và có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%).

Thúy Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-hang-tren-livestream-dang-tro-thanh-xu-huong-post1386377.html