Mùa hè ác mộng của tiếp viên hàng không

Khi lượng khách du lịch tăng vọt sau khoảng nghỉ vì đại dịch, ngành hàng không, vốn đã thiếu nhân lực, nay càng chật vật.

Trải qua hơn 2 thập kỷ làm việc, tiếp viên người Anh Kris Major đã chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành hàng không qua các đợt khủng hoảng, đại dịch. Thế nhưng, đối với anh, mùa du lịch năm nay vẫn là giai đoạn tồi tệ nhất.

Major, chủ tịch Ủy ban Liên đoàn Công nhân Vận tải Châu Âu, đại diện cho tiếp viên và phi công trong khu vực, cho biết các phi hành đoàn đang gặp khó khăn.

“Công việc này ngày càng khó duy trì lâu dài”, Major nói với CNN.

Khi khách du lịch toàn cầu ào ạt trở lại sau khoảng nghỉ do đại dịch, các hãng hàng không khắp thế giới đang chật vật để đáp ứng nhu cầu tăng vọt.

Hậu quả là, chuyến bay bị hủy hàng loạt, hành lý liên tục thất lạc, khách du lịch mất niềm tin vào ngành hàng không. Theo Major, “mọi thứ hoàn toàn hỗn loạn”.

 Nhu cầu du lịch tăng vọt khiến nhiều hãng hàng không không kịp đáp ứng, gây tình trạng hỗn loạn. Ảnh: AFP.

Nhu cầu du lịch tăng vọt khiến nhiều hãng hàng không không kịp đáp ứng, gây tình trạng hỗn loạn. Ảnh: AFP.

Quá tải

Các tiếp viên hàng không khắp thế giới cũng có chung suy nghĩ với Major.

“Vấn đề thiếu nhân lực, hủy chuyến, mất hành lý xảy ra thường xuyên. Điều này cho thấy ngành hàng không đang gặp nhiều khó khăn”, tiếp viên Danial Kassa Mbuambi, sống tại Đức, nói với CNN.

"Một sự sụp đổ đang diễn ra, nhưng tôi tin việc này có thể được ngăn chặn", tiếp viên người Mỹ Allie Malis nhận xét.

Khi ngành hàng không tạm dừng hoạt động trong những ngày đầu đại dịch, nhiều hãng bay và sân bay đã phải cắt giảm nhân lực.

Giờ đây, khi nhu cầu du lịch trở lại, ngành công nghiệp này đang chật vật để tuyển thêm người. Tình hình rất khó khăn với các tiếp viên vẫn đang hoạt động.

Nhiều chuyến bay phải vận hành với số nhân sự tối thiểu. Đôi khi, các thành viên phi hành đoàn phải ngủ tại sân bay.

Những tình huống như vậy, cùng lịch trình không được báo trước, đã gây tổn hại lớn tới tinh thần và thể chất của phi hành đoàn.

“Tỷ lệ ốm và mệt tăng vọt, không phải vì các tiếp viên đang chối bỏ nhiệm vụ hay phản đối tình hình. Họ chỉ không thể chịu được sự thay đổi liên tục”, tiếp viên Major nói.

 Nhiều tiếp viên hàng không mệt mỏi, ốm yếu vì làm việc quá sức. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều tiếp viên hàng không mệt mỏi, ốm yếu vì làm việc quá sức. Ảnh: Shutterstock.

Malis cảm thấy thất vọng khi các hãng hàng không nhận định rằng những vấn đề hiện tại đều do thiếu nhân lực.

“Thật khó chịu khi chúng tôi bị đổ lỗi cho tình trạng thiếu nhân sự hay trục trặc trong vận hành. Vấn đề chính là hãng bay đã không lên kế hoạch đầy đủ. Tiếp viên hàng không đang phải làm việc hết công suất, dẫn đến kiệt sức, mệt mỏi, mất sức đề kháng”, cô cho biết thêm.

Trả lời CNN, phát ngôn viên của hãng hàng không American Airlines khẳng định rằng “việc chăm sóc phi hành đoàn mọi lúc mọi nơi, kể cả khi họ xa nhà, là ưu tiên của chúng tôi”.

Đại diện hãng cũng cho biết họ chưa nhận được báo cáo nào về việc nhân viên phải ngủ tại sân bay.

“Nếu có vấn đề gì với nơi ở của phi hành đoàn, chúng tôi sẽ dồn hết nguồn lực để ngăn chặn”, đại diện cho biết.

Hợp đồng của tiếp viên hàng không cho phép thay đổi ngày làm việc, nên nghề này vốn đi kèm sự thiếu ổn định. Nhưng trước tình hình quá tải hiện tại, lịch trình càng thay đổi chóng mặt.

Vấn đề trên, cùng mức lương hiện tại của nghề tiếp viên, khiến nhiều người không trở lại sau đại dịch.

"Tại sao lại có người muốn làm nghề này trong khi các tiếp viên hiện tại đang bị vắt kiệt sức chứ?", Malis đồng tình.

 Nhiều nhân viên ngành hàng không quyết định không trở lại sau đại dịch. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều nhân viên ngành hàng không quyết định không trở lại sau đại dịch. Ảnh: Bloomberg.

Giải pháp

Major tin rằng mọi chuyện sẽ chỉ được giải quyết nếu các hãng hàng không nhận ra vấn đề không chỉ do đại dịch mà còn nằm ở cách vận hành.

Major hiện ủng hộ việc tăng lương cho thành viên phi hành đoàn lên mức tương xứng với chi phí sinh hoạt leo thang, đồng thời nhằm cải thiện sự cân bằng công việc - cuộc sống.

Tiếp viên Kassa Mbuambi đồng tình: “Chúng ta cần tạo điều kiện tốt hơn”. Anh cho biết công đoàn ở Đức đang làm việc với các hiệp hội tiếp viên khác ở châu Âu để tìm giải pháp.

Anh tin rằng mức lương được tăng cùng cách tổ chức làm việc chặt chẽ hơn sẽ giúp phản ánh vai trò của tiếp viên hàng không.

“Chúng tôi không chỉ ở đó để phục vụ đồ uống cho hành khách mà còn đảm bảo sự an toàn của chuyến bay”, Kassa Mbuambi nói.

Vào đỉnh điểm của đại dịch, một trong những vấn đề lớn nhất với phi hành đoàn là hành khách gây rối. Phần lớn vụ việc ở Mỹ liên quan đến việc đeo khẩu trang.

Malis, tiếp viên người Mỹ, nói rằng tình trạng này đã giảm khi quy định về khẩu trang được dỡ bỏ.

 Hành khách gây rối từng là vấn nạn của ngành hàng không trong đại dịch. Ảnh: CNN.

Hành khách gây rối từng là vấn nạn của ngành hàng không trong đại dịch. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, trong khi vấn đề về khẩu trang đã dừng ở Mỹ, nó lại bùng lên ở những nơi khác. Kassa Mbuambi và Major cho biết nhiều hành khách bực bội vì quy định khẩu trang khác nhau ở từng quốc gia. Điều này khiến họ gặp gián đoạn trong chuyến đi.

Kassa Mbuambi muốn nói với khách du lịch rằng đội ngũ nhân viên hàng không đang làm mọi việc trong khả năng. “Tuy nhiên, vì không đủ nhân sự, chúng tôi không thể giải quyết tất cả vấn đề”, Mbuambi nói.

Malis chỉ ra rằng sự quá tải trong kỳ nghỉ hè luôn dẫn đến nhiều trục trặc hơn. Cô tin rằng mùa thu này “sẽ là cơ hội tốt để bắt đầu lại và đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định nhằm đáp ứng lượng hành khách lớn”.

Giống như Major và Kassa Mbuambi, cô cho rằng giải pháp lâu dài sẽ là cải tiến toàn bộ hệ thống.

“Tiếp viên hàng không rất đồng cảm với hành khách, bởi sự gián đoạn trong các chuyến bay cũng xảy ra với chúng tôi thường xuyên”, Malis nhận định.

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-he-ac-mong-cua-tiep-vien-hang-khong-post1342173.html