Mùa Hè không nghỉ của thầy cô
Rất nhiều công việc đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, năng lượng của các thầy, cô giáo trong dịp hè.
Có thể đến các công việc như chuẩn bị cho các kỳ thi, coi và chấm thi, tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng…
Mùa Hè - mùa thi
“Đầu tháng 6, các giáo viên tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bắt đầu tập huấn về quy chế thi. Với tôi, việc đi coi thi giống như nhiệm vụ mang trọng trách quốc gia, cần sự nghiêm túc, làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm. Sau khi kết thúc coi thi, thầy cô nếu được giao chấm thi sẽ tiếp tục một công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Dù vất vả, tôi không bao giờ cảm thấy chán nản với nghề của mình…”, cô Nguyễn Thị Hồng Lê chia sẻ.
Cứ sau kết thúc học kỳ II, cô Nguyễn Thị Hồng Lê, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) lại bận rộn với công việc sổ sách, hoàn thành điểm và đánh giá học sinh. Mọi việc phải kết thúc trước lễ tổng kết năm học cuối tháng 5, để tiếp sang một công việc không kém phần quan trọng khác là chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Từ ngày bước chân vào nghề, đến nay 40 tuổi, cô giáo Ngô Thị Trà Hương, Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ chưa có mùa Hè nào trọn vẹn: “Sau bế giảng năm học, nhà trường còn nhiều công việc tiếp sau. Tuy không phải tất cả thầy cô đều tham gia cùng thời điểm, nhưng rải rác trong hè, ai cũng vẫn làm việc, chưa bao giờ giáo viên THCS chúng tôi có kỳ nghỉ hè trọn vẹn dù chỉ là 1 tháng”.
Việc đầu tiên giáo viên triển khai khi học sinh nghỉ hè, theo cô Ngô Thị Trà Hương là kiểm tra hồ sơ, hoàn thiện, niêm phong sổ sách, rà soát cơ sở vật chất, kê dọn lại các phòng học, phụ trợ, kiểm đếm lại đồ dùng dạy học để lên kế hoạch mua sắm mới. Giáo viên dạy môn thi vào lớp 10 vẫn miệt mài ôn thi cho trò. Tiếp đó, thầy cô được điều động sẽ tiếp tục với nhiệm vụ coi, chấm thi vào lớp 10. Trong khi chờ kết quả học sinh khối 9, Ban tuyển sinh của trường bắt đầu làm việc, chuẩn bị cho công tác tuyển sinh lớp 6 năm học tiếp theo.
Đầu tháng 7 là khoảng thời gian hồi hộp nhận và trả kết quả thi vào lớp 10 với tâm trạng vui buồn đan xen. Lúc này, thầy cô chủ nhiệm khối 9 cùng nhà trường nhận, rà soát, lập danh sách đơn phúc khảo bài thi vào 10; rồi lại cử giáo viên chấm và trả kết quả phúc khảo bài thi với buồn vui lẫn lộn.
Đan xen trong tháng 7 là các đợt tập huấn chuyên môn theo kế hoạch của phòng/sở GD&ĐT và nhà trường, đặc biệt các khóa tập huấn SGK mới. Chưa kể, giáo viên sẽ tham gia nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp THPT nếu được sở GD&ĐT điều động. Công tác tuyển sinh lớp 6 thường bắt đầu từ tuần 2 tháng 7, song song với các đợt tập huấn của giáo viên. Ban phụ trách thiếu nhi và giáo viên chủ nhiệm lớp 6 lại lên kế hoạch cho buổi chào đón học sinh mới. Và khi mùa Hè chuyển đến tháng cuối cùng cũng là lúc giáo viên chính thức làm việc, chuẩn bị năm học mới.
“Hai tháng hè của giáo viên là thế. Không ít thầy, cô không được nghỉ ngơi cùng gia đình, về quê thăm ông bà, họ hàng, không được tùy ý có kế hoạch theo điều kiện và sở thích như mọi người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, nghỉ hè chính là quãng thời gian giáo viên nạp năng lượng, tạo thêm hành trang cho một năm học mới tiếp theo và chúng tôi vẫn yêu kỳ nghỉ hè bận rộn của mình”, cô Ngô Thị Trà Hương bày tỏ.
Cập nhật kiến thức, phát triển kỹ năng
Là giáo viên trường ngoài công lập, cô Phạm Thị Quý, Trường THCS Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội cho biết: Giáo viên trường tư ngoài chuẩn bị giáo án ôn tập hè cho học sinh, giữ kết nối với phụ huynh để triển khai các hoạt động của trường, thì phần nhiều thầy cô dành thời gian tập huấn nâng cao, soạn tài liệu học tập năm học mới theo yêu cầu tổ chuyên môn, tham gia các chuyên đề do trường xây dựng.
“Chúng tôi bắt đầu công việc với lịch họp tổ chuyên môn từ khoảng 20/6. Công việc cụ thể là nhận nhiệm vụ do tổ phân công về soạn giáo án, phiếu bài tập cho khối lớp mình phụ trách trong năm học tới. Cùng đó, tham gia tập huấn ngắn ngày với chuyên gia được nhà trường mời về phương pháp dạy học.
Tiếp đến, tham gia đào tạo nội bộ theo lịch của trường về chủ trương, định hướng năm học, chương trình 7 thói quen của người thành đạt The Leader in Me (đặc trưng riêng của hệ thống giáo dục Ban Mai); rồi thảo luận về chủ đề năm học mới. Cũng có năm, trường thêm nội dung tập huấn về chương trình “Tư duy tài chính”, các phần mềm hỗ trợ dạy học để nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho giáo viên.
Như vậy, công việc lên kế hoạch dạy học, soạn giáo án, hệ thống phiếu bài tập cho năm học mới tiến hành song song cùng các hoạt động tập huấn. Đây cũng là công việc chiếm nhiều thời gian nhất và năm nào cũng làm mới chứ không lấy lại toàn bộ của năm cũ. Nói chung, dù hè không nghỉ nhưng chúng tôi thấy khá bổ ích, giúp bản thân phát triển thêm nhiều kỹ năng”, cô Phạm Thị Quý cho hay.
Là giáo viên Âm nhạc, kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, Đắk Lắk, chia sẻ: Sau tổng kết năm học, tôi tham gia hoạt động chiến dịch Hoa phượng đỏ do huyện đoàn tổ chức, hỗ trợ dạy kỹ năng sống, ôn tập hè cho học sinh vùng khó khăn.
Sau đó, đến tháng 7 là công tác tuyển sinh, phối hợp vận động học sinh hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học ra lớp. Ngoài ra, những năm gần đây, do có nhiều trẻ đuối nước nên huyện tổ chức lớp học bơi cho học sinh thuộc dự án, thời gian hè của cô Ngọc lại thêm việc giám sát và bảo đảm cho các lớp học bơi diễn ra đầy đủ, có chất lượng. Bận rộn, vất vả, nhưng cô Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, được tham gia các nhiệm vụ, cống hiến cho giáo dục không chỉ là trách nhiệm, mà giáo viên còn phải có sự đam mê, tình yêu với công việc.
Là giáo viên THPT, thời gian nghỉ hè của cô Nguyễn Thị Hồng Lê, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) không chỉ bận rộn với các kỳ thi, mà còn để nâng cao trình độ chuyên môn từ các khóa tập huấn, bồi dưỡng, nghiên cứu và áp dụng các phương pháp giảng dạy mới. “Điều này giúp chúng tôi cập nhật kiến thức chuyên môn, phát triển kỹ năng giảng dạy, từ đó mang lại lợi ích cho học sinh trong năm học mới. Tất nhiên, quá trình tập huấn có khó khăn nhất định. Ví dụ một số phương pháp dạy học mới có thể không phù hợp với tình hình lớp học, đặc điểm của học sinh. Có giáo viên sẽ cảm thấy khó khăn trong thích ứng, áp dụng những thay đổi vào công việc. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn, linh hoạt và khả năng thích nghi để tận dụng tối đa những gì học được trong quá trình đào tạo”, cô Hồng Lê bày tỏ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mua-he-khong-nghi-cua-thay-co-post641667.html