Mùa hè không tên - Mùa hè của chúng ta

Có một điều ở nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà đến nay vẫn khó có thể 'giải mã' một cách rạch ròi: Vì sao tác phẩm của anh hễ đã in ra bao giờ cũng đạt đến số lượng 'khủng' và luôn tạo nên sự kiện văn học trong thời điểm đó?

Trong khi có người chỉ “nổi lên” ở một - hai cuốn rồi biến mất, thì sức hút của Nguyễn Nhật Ánh vẫn bền bỉ. Bằng chứng là truyện dài Mùa hè không tên (NXB Trẻ, 2023) của anh vẫn đứng đầu về số lượng in với 80.000 bản. Một con số đầy ước ao của các tác giả hiện nay.

Về cuốn sách này, anh cho biết: “Đó là mùa hè đặc biệt với tôi. Cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi. Nó khắc lên số phận tôi những dấu vết không thể phai mờ - như vết chàm mà người ta phải mang theo cho đến tận cuối đời”. Bộc bạch này, có thể tạo cho bạn đọc sự “tò mò” chăng? Có thể lắm.

Thế nhưng, cần phải nói ngay, không gian và bối cảnh trong Mùa hè không tên không là một vùng đất cụ thể, dù địa danh ấy có thật. Tính cách nhân vật ấy, dù có tên, có số phận như Khang, Hội, Túc, Nhàn…, nhưng không là cá biệt. Vì lẽ đó, người đọc dễ dàng tìm thấy mình trong đó, những kỷ niệm của một thời hoa niên mới lớn.

Đối với tôi, Mùa hè không tên đã gợi nhớ xiết bao xúc động, vì rằng, có thể nhân vật đó là tôi, bạn tôi, ba tôi, mẹ tôi, thầy cô của tôi… Điều gì khiến chúng ta - những người đã rời xa lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” vẫn thích thú tìm đọc? Với câu hỏi này, không dám chủ quan trả lời, tôi tìm lại trong sách và chợt dừng lại, suy nghĩ về trường hợp bỏ nhà đi hoang của thằng Chỉnh. Ba của con Nhàn gặng hỏi: “Bỏ nhà đi như thế là nguy hiểm lắm. Lại làm cho mẹ con lo”. Trước lời khuyên nhủ này, chuyện gì xảy ra.

“Đang ngồi như cục gạch, Chỉnh ngẩng phắt lên, giọng gây sự: Nếu chú có một người cha đi tù vì tội ăn cắp thì chú có sống trong căn nhà đó được không?”. Hay như những món đồ chơi con từng sung sướng, hãnh diện thì nay chính con lại đập vỡ tan tành. “Tôi xuýt xoa: Mày không chơi nữa thì cho bọn tao. Thật phí quá. Chỉnh lạnh lùng: Đồ mua bằng tiền ăn cắp, giữ lại làm gì!”. Những câu hỏi đáp ấy của trẻ con, người lớn chúng ta nghĩ gì? Có thể nói, bàn bạc trong Mùa hè không tên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tinh tế đan xen nhiều tình tiết cực hay, khiến người lớn chúng ta có lúc… giật mình nhìn lại chính mình. Thì ra, trẻ con vốn nhìn sự vật/sự việc bằng tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên nhưng lại xác đáng, bởi không qua lăng kính nào khác. Phải nói, Nguyễn Nhật Ánh có biệt tài tái hiện lại cảm xúc, cái nhìn trẻ con ấy trong các nhân vật trẻ con của anh.

Trở lại với câu hỏi đâu là “ma lực” của nhà văn có sách bán chạy nhất lâu nay? Qua tác phẩm này, một lần nữa tôi càng xác tín: Nguyễn Nhật Ánh đã viết văn xuôi bằng ngôn ngữ thơ. Có nhiều đoạn, tôi lấy làm thú vị như đang thưởng thức thơ. Một tứ thơ cảm động: “Hôm ra đi, tôi ước gì có thể mang theo cả cái làng của mình nhưng điều đó chỉ xảy ra trong tâm tưởng và chính vì vậy mà nỗi buồn trong tôi nhân lên gấp nhiều lần”; “Làng không bỏ rơi tôi như tôi bỏ rơi làng. Làng vẫn còn những gương mặt thân yêu đón tôi về”… Sau khi khép lại trang sách, Mùa hè không tên vẫn còn vang vọng lại dư âm da diết như chính anh thầm thì: Bây giờ thì tôi đã biết/ Thời gian lăn bánh mất rồi/ Chim bay về phía xa xôi/ Trang sách níu ngày thơ dại

LÊ MINH QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mua-he-khong-ten-mua-he-cua-chung-ta-post710818.html