Mùa hoa dã quỳ
Thụy nhớ lần đầu đến Tây Nguyên cô đã không thể nào rời mắt được. Giữa những con đường đất đỏ đó, màu hoa dã quỳ vàng rực lên hệt như một bức tranh khiến người ta nao lòng...
Một chiều heo nắng, Thụy ngồi trong hàng hiên quán cà-phê nhà mình nhìn ra rặng dã quỳ. Cuối tháng 11, hoa quỳ đang vào độ cuối mùa rực rỡ, đã thấy đôi bông bắt đầu tàn phai.
Rặng dã quỳ bắt đầu từ một cuộc hẹn ở Tây Nguyên không thành. Thụy mang theo mối tình u uẩn đó cùng với bó cây dã quỳ lặng lẽ rời phố núi. Không một lời giải thích, không một lời hứa hẹn, ấy vậy mà về đến quê hương rồi, đám dã quỳ lại bén rễ lên nhanh, ra hoa rực rỡ, tuyệt như không hề hay biết những đau lòng mà chủ nhân nó muốn giấu.
Quán cà-phê Dã Quỳ vẫn thường xuyên có khách ra vào, nhất là buổi sáng. Buổi chiều thì thưa vắng hơn. Nhưng từ độ những bông hoa dã quỳ đầu tiên hé nở cho đến khi cả một dãy dã quỳ vàng rực trùm lên hàng hiên thì quán đông khách hẳn. Tụi trẻ đến check-in dưới giàn hoa rực rỡ ấy. Đẹp đến ngỡ ngàng. Đôi khi đang pha cà-phê cho khách, ngước lên nhìn nó, lòng Thụy cũng như thanh tân trở lại. Gì chứ, tưởng quên được quá khứ mà dễ. Những vết thương lòng thì chẳng bao giờ lành. Nó chỉ tạm dịu đi, lẩn khuất nhưng chỉ chờ một chút tâm tư thôi lại khuấy động không yên.
Mấy hôm nay, vào buổi chiều, Thụy vẫn thấy một người đàn ông đẩy theo một chiếc xe lăn, trên đó là đứa con bị bại não vào quán. Ông gọi một ly cà-phê rang xay. Trong khi ngồi chờ cà-phê, ông loay hoay dựng giá vẽ, gác khung toan, bảng màu gọn gàng trước đứa con tay chân quéo lại run lẩy bẩy:
- Xin phép cô, cháu nó muốn vẽ tranh, xin cô thông cảm cho cha con tôi ngồi đây lâu hơn xíu.
- Dạ bác cứ tự nhiên - Thụy đặt tách cà-phê xuống bàn, rót thêm cho cậu con một ly nước ấm rồi lặng lẽ quay gót.
Có gì trong cái màu vàng mê mải kia mà bao người mê say đến thế. Thụy nhớ lần đầu đến Tây Nguyên cô đã không thể nào rời mắt được. Giữa những con đường đất đỏ đó, màu hoa dã quỳ vàng rực lên hệt như một bức tranh khiến người ta nao lòng. Đất và người nơi đây đã gieo vào lòng cô giáo trẻ những ước mơ hoài bão. Cô đã vượt ngàn dặm đến đây tình nguyện dạy học cho những đứa trẻ ở bản tóc rám vàng màu nắng, lông mi cong vút và giọng hát ê a trộn lẫn giữa tiếng Việt và tiếng Bana, Ê đê nghe trìu mến thân thương.
Bức tranh đẹp đó sẽ hoàn hảo treo trên tường nhà trong bộ ảnh cưới của Thụy nếu không có chuyện đột ngột một nhóm người dùng súng tấn công trụ sở công an xã làm hy sinh và bị thương một số chiến sĩ, cán bộ và người dân trong vùng.
Thụy như chết lặng. Viên phấn trong tay cô rơi ra. Khi cô về đến nơi, người ta đã đem thi thể của Dũng cùng đồng đội trở về. Anh nằm lặng yên. Bộ quân phục vẫn còn dính đất đỏ và lá hoa dã quỳ dập nát. Đồng đội kể anh đã lao vào vòng vây, khống chế được một đối tượng nhưng chúng đã manh động nổ súng.
Thụy giật mình thoát ra khỏi dòng suy tưởng khi nhìn vào bức tranh dần dần được hình thành. Trên nền lá xanh rực rỡ đó, chiếc bút lông trên tay người con trai rung rung vẽ những cánh hoa đầu tiên.
Người đàn ông đưa ly cà-phê ngang mũi hít sâu, nghiêng mắt nhìn. Trong đôi mắt đã đầy những vết chân chim lóng lánh nước. Hình như, những bông hoa dã quỳ này có một ý nghĩa đặc biệt nào đó với ông đến nỗi trong ánh mắt nhìn nó cũng ẩn chứa bao điều để nói. Thụy không tiện để hỏi. Người đàn ông hình như cũng sợ làm phiền nên thường chọn những buổi chiều khi quán đã vãn khách. Những lúc như thế, cả chủ quán và khách đều thảnh thơi trong cái quán yên tĩnh đến lặng lẽ.
Chiều nay, người đàn ông lại đến, đúng bàn ấy, cậu con trai, giá vẽ và gọi một ly cà-phê như mọi ngày. Hôm nay trời hơi rét, hình như đài dự báo sẽ có thêm một đợt rét sâu hơn.
Nắng cuối mùa cũng nhạt. Trong gió đã bắt đầu se sắt và lòng cũng đã chộn rộn buồn. Rặng dã quỳ cũng đã bắt đầu lụi tàn. Cái lụi tàn gây cho Thụy bao điều nuối tiếc lẫn day dứt. Thụy bưng ly cà phê như mọi ngày nhưng kèm theo một chiếc đèn cầy và một giá giữ nhiệt.
- Bác để ly cà-phê lên đây cho nó giữ nóng ạ!
- Cảm phiền cô cho cha con tôi ngồi đây lâu hơn chút!
- Dạ không sao. Bác là khách quen. Bác cứ đến đây như mọi ngày là cháu vui rồi. Quán buổi chiều vắng khách bác ạ.
Thụy nói rồi vào quán mở đĩa nhạc số 7. Âm nhạc cất lên nghe như liêu trai. Giọng ca sỹ với những giai điệu về tình yêu tha thiết khiến những kỷ niệm xưa của 2 người ùa về.
Nỗi nhớ Dũng làm cô bật khóc. Người đàn ông nghe tiếng nhạc quay lại nhìn cô bần thần.
- Cô từng ở Tây Nguyên ra?
- Vâng! - cô giàn dụa - Cháu đã trốn chạy khỏi mảnh đất đó một cách vội vàng!
Nói rồi như một nỗi ẩn ức bị kìm nén lâu ngày, cô kể với người đàn ông ấy về Dũng. Về những kế hoạch, những dự định của hai người khi quyết tâm ở lại Tây Nguyên.
- Nhưng cháu đã thất hứa bác ạ, cháu đã trốn chạy khỏi nơi đó! - Thụy nói rồi lại khóc nức nở - Cháu đã đưa anh ấy trở về và không còn quay lại nơi đó nữa. Bởi cháu sợ mình không đủ can đảm để một mình bước trên những con đường đã từng có anh ấy.
Người đàn ông lặng lẽ nghe rồi thở dài:
- Cậu ấy sẽ mãi ở đó. Không về đâu cháu. Mỗi một người lính khi máu đã đổ xuống nơi nào thì nơi đó đã là quê hương, là máu thịt của họ. Cậu ấy thật đáng ngưỡng mộ!
- Bác cũng từng ở Tây Nguyên?
- Còn hơn như thế. Tôi mười tám tuổi, từ Bắc vào chiến đấu ở Tây Nguyên. Trong một trận đánh, bị lạc đơn vị, rồi lạc rừng và lạc vào một cộng đồng người kỳ lạ tưởng như mình không có cơ hội để mà thoát thân. Nhưng rồi từ những sự xa lạ tưởng như không thể nào thích nghi được đó lại bắt đầu thích nghi với cuộc sống ở rừng.
- Vậy ạ, như một cuốn phim bác nhỉ?
- Còn hơn như thế. Một ngày tôi được tìm ra thì hòa bình đã qua từ rất lâu rồi - người đàn ông nói rồi cười - Chỉ tiếc, kỷ niệm tưởng đẹp đẽ nhất về Tây Nguyên lại khiến tôi đau đớn đến không thể tả.
Người đàn ông nói rồi nhìn vào đứa con trai duy nhất của mình đang loay hoay bên giá vẽ.
- Chiến tranh tàn bạo và khốc liệt đã trút lên đầu đứa trẻ tội nghiệp này. Nó không nói được, không đi được nhưng tôi biết khả năng và ý chí của nó muốn thể hiện qua mỗi bức tranh nó vẽ.
- Anh ấy vẽ được nhiều tranh không bác?
- Nhiều nhưng ngặt nỗi nhà chật, tranh cứ phải xếp đống lên nhau. Chỉ mơ giá như có thể treo những bức tranh này lên để mỗi ngày cho nó ngắm là mỗi ngày thêm nghị lực và khát khao được sống.
“Giống như mình trồng đám hoa dã quỳ này, chỉ để mỗi ngày nhìn nó mà dịu đi những vết thương không lành”. Thụy ngồi nhìn bức tranh dã quỳ rực rỡ trên khung toan vẫn còn ướt màu, chợt bừng lên một ý tưởng. Cô vội vàng.
- Cháu có ý định này, hay chúng ta treo những bức tranh của anh ấy vẽ về hoa dã quỳ, về Tây Nguyên trong quán cà-phê của cháu như một triển lãm nho nhỏ được không ạ?
- Được không? - người đàn ông vui mừng nghẹn lời - Cháu có thể cho bố con bác cơ hội này?
- Vâng, cho cả cháu nữa…
Buổi triển lãm, quán đông khách hơn ngày thường. Người đàn ông đẩy cậu con trai vào quán với sự chào đón nồng nhiệt của các vị khách. Những cái bắt tay thật chặt cho người lính già với những ẩn ức về Tây Nguyên máu và hoa rực rỡ trong triển lãm mang tên “Đôi mắt Tây Nguyên” là món quà mà mọi người dành cho cha con ông như tất cả niềm kính trọng vô hạn với những người lính đã hy sinh để giành được độc lập cho dân tộc.
Thụy nắm chặt tay người lính già. Hai chú cháu cùng nghẹn lời. Thụy hết nhìn rặng dã quỳ rực rỡ rồi lại nhìn những bức tranh đầy biến ảo mà tin rằng: Dã quỳ là loài hoa biểu tượng cho tình yêu, sức sống mãnh liệt. Dù bạn có đang gặp bao nhiêu sự khó khăn đi chăng nữa thì hãy luôn khao khát vươn lên. Bởi thế dù cô có ở đâu thì Tây Nguyên vẫn là tất cả. Là cuộc đời, là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là nỗi nhớ nhung trùm lên toàn bộ cuộc đời cô...
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/mua-hoa-da-quy-post263612.html