Mùa 'khát' ở Thung Rếch
Vùng Thung Rếch thuộc xã Tú Sơn (Kim Bôi) có 412 hộ, 1.813 nhân khẩu, trong đó, khoảng 75% hộ khó khăn về nước sinh hoạt. Mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn, bể chứa nhưng không phát huy hiệu quả. Thực trạng 'khát' nước sinh hoạt từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm đã diễn ra từ lâu, là nỗi trăn trở của người dân Thung Rếch.
Là nơi tập trung sinh sống của các hộ dân di cư vùng lòng hồ sông Đà từ năm 1994, sau khi sáp nhập, vùng Thung Rếch còn 3 xóm, gồm: Thung Mường, Thung Dao Bắc, Kim Bắc. Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ di cư ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, Nhà nước đã đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh, trong đó đặc biệt chú trọng các công trình nước sinh hoạt. Theo rà soát, vùng Thung Rếch có 28 bể chứa đặt tại các cụm dân cư. Hiện chỉ còn 2 bể chứa hoạt động hiệu quả, còn lại đều "đắp chiếu”. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là sau thời gian dài hoạt động, các hạng mục như bể chứa nước, đường ống dẫn đã đứt gãy, hư hỏng hoàn toàn. Mặt khác, các mạch nước ngầm cạn kiệt, không đủ cung ứng cho các bể chứa nước sinh hoạt tập trung.
Khảo sát thực tế tại khu đội 4, xóm Kim Bắc. Theo chia sẻ của người dân, bể chứa nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng khoảng năm 2002, thể tích gần 100 m3. Bể chứa hiện trống rỗng, chỉ có đất, đá, rác thải. Để có nước sinh hoạt, gần 170 hộ dân trong xóm dẫn nước tại các khe suối, tìm kiếm mạch nước ngầm dẫn về bể chứa tại gia đình để sử dụng. Ông Lý Văn Thành, xóm Kim Bắc trăn trở: "Gian khổ nhất là đi tìm các mạch nước ngầm tại khu vực núi đá. Tôi và một số hộ phải kéo điện lên núi để bơm nước về bể chứa của gia đình, phải lách qua những khe đá hẹp rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nguồn nước sử dụng không ổn định, nhiều lúc bị tắc hoặc bị vỡ đường ống dẫn”.
Không chỉ xóm Kim Bắc, thực trạng thiếu nước sinh hoạt còn diễn ra tại các xóm Thung Dao Bắc và Thung Mường. Do địa hình chủ yếu là núi đá vôi nên việc đào, khoan giếng nước ngầm gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, tại khu vực này chỉ có trên 10 giếng khoan hoạt động hiệu quả, độ sâu trung bình từ 50 - 60 m. Chi phí để thuê nhân công, mua thiết bị máy móc dao động khoảng 60 triệu đồng. Nhiều hộ góp tiền để khoan giếng nhưng không đem lại hiệu quả do mạch nước ngầm khan hiếm. Chính vì vậy, các hộ phải tự tìm kiếm nguồn nước tại các khe núi, mó nước.
Ông Đinh Văn Thư, xóm Thung Dao Bắc cho biết: "Nguồn nước tại bể chứa và các khe suối chưa qua kiểm nghiệm, nhưng gia đình tôi và các hộ trong vùng vẫn chấp nhận sử dụng vì không còn cách nào khác. Tuy vậy, gia đình tôi chỉ sử dụng cho việc tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày, nước uống và phục vụ nấu nướng, gia đình hứng nước mưa để dùng”.
Việc thiếu nước sinh hoạt đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người dân, đồng thời gây nhiều khó khăn trong sản xuất, phát triển kinh tế. Theo thống kê, tổng diện tích đất canh tác hàng năm của cả vùng Thung Rếch khoảng 750 ha, trong đó, diện tích ngô 500 ha, mía 150 ha, cây ăn quả có múi 100 ha và một số diện tích cây trồng khác. Do không có nguồn nước tưới, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên nhiều năm liền, tình trạng hạn hán đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản. Qua đó, gây thiệt hại nặng về kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ gia đình.
Đồng chí Bạch Công Dương, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: "Xã đã có kiến nghị lên UBND huyện Kim Bôi và các phòng, ban chuyên môn về thực trạng thiếu nước sinh hoạt tại vùng Thung Rếch. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã mong muốn các cấp quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nguồn kinh phí khảo sát, lắp đặt các công trình nước sinh hoạt. Duy tu, bảo dưỡng các hạng mục bể chứa, đường ống dẫn nước tránh lãng phí. Đồng thời, tuyên truyền người dân chú trọng bảo vệ nguồn nước ngầm, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV nơi đầu nguồn. Tiến tới thực hiện tốt việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sử dụng ổn định, đảm bảo sức khỏe và phát triển KT-XH của vùng Thung Rếch.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/148246/mua-khat-o-thung-rech.htm